Mục lục
Áp-xe phổi là gì?
Tìm hiểu chung
Áp-xe phổi là gì?
Áp-xe phổi là bệnh nhiễm trùng phổi do vi khuẩn, ký sinh trùng gây nên. Nó dẫn đến tình trạng tích tụ mủ trong phổi, tạo thành ổ áp-xe. Nó có thể hoại tử mô phổi và hình thành các khoang chứa mảnh vụn hoại tử hoặc dịch. Triệu chứng thông thường của bệnh là sốt, ho, suy nhược cơ thể và chán ăn, sụt cân. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Áp-xe phổi phổ biến ở người trung niên và cao tuổi. Điều trị bệnh phải phụ thuộc vào nguyên nhân và có sự hợp tác tích cực của người bệnh trong việc cải thiện lối sống.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của áp-xe phổi
Các triệu chứng của áp-xe phổi thường kéo dài trong vòng vài tuần đến vài tháng, bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu sau:
- Sốt, ớn lạnh;
- Đổ mồ hôi;
- Ho có mùi và nước bọt có vị khó chịu.
- Mệt mỏi, cơ thể yếu ớt;
- Chán ăn và sút cân.
- Thỉnh thoảng có thể xảy ra nước bọt lẫn máu và đau ngực trở nên nặng hơn do ho hoặc hít thở sâu, người bị bệnh có thể có nhịp tim nhanh, thở gấp, thở khò khè, tràn dịch màng phổi.
Biến chứng có thể gặp khi bị áp-xe phổi
Bệnh sẽ khỏi hoàn toàn nếu như được phát hiện sớm và điều trị tốt. Bệnh sẽ hay tái phát và trở thành mãn tính hoặc điều trị muộn. Nếu áp-xe vỡ mủ sẽ tràn vào khoang mang phổi, gây viêm mủ màng phổi hoặc tràn khí, tràn mủ màng phổi đe dọa đến tính mạng con người rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, nếu áp-xe phổi vỡ ra có thể gây viêm màng mủ ngoài tim, viêm mủ trung thất, hoặc vi sinh vật vào máu gây nhiễm khuẩn huyết hoặc gây áp-xe não dẫn đến tử vong. Giãn phế quản, phổi bị xơ hóa do áp-xe gây ra.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn có thể gặp các dấu hiệu, triệu chứng không được đề cập. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy bản thân có các dấu hiệu, triệu chứng được nêu ở trên, hoặc gặp bất kỳ thắc mắc xin hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến áp-xe phổi
Các nguyên nhân gây bệnh gồm:
- Vi khuẩn kỵ khí (không cần oxy để phát triển): Bắt nguồn từ miệng. Các vi sinh vật khác như động vật ký sinh và nấm cũng có thể làm phổi bị nhiễm trùng và gây ra áp-xe phổi.
- Dị vật: Nguyên nhân chủ yếu gây ra áp-xe phổi, các dị vật thường là đồ ăn, đồ uống, hoặc chất bài tiết từ miệng được tiết vào phổi.
- Tụ cầu vàng: Thường gặp ở trẻ em nhỏ nhất là trẻ còn bú.
- Klebsiella Pneumoniae (Friedlander): Tiến triển lan rộng rất nhanh, khái huyết, bệnh cảnh rất nặng và nguy cơ tử vong cao.
Các tác nhân gây bệnh qua các con đường sau:
- Đường khí – phế quản.
- Đường máu.
- Đường kế cận.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị áp-xe phổi?
Bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể mắc phải bệnh áp-xe phổi, tuy nhiên nguy cơ mắc bệnh tăng cao đối với những người độ tuổi trung niên và người cao tuổi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh áp-xe phổi, bao gồm:
- Lạm dụng thuốc lá, nghiện rượu bia.
- Mắc bệnh đái tháo đường.
- Hệ miễn dịch suy yếu.
- Đột quỵ, động kinh.
- Các bệnh về răng miệng, khí thũng.
- Bệnh phổi mạn tính hoặc ung thư phổi.
- Rối loạn thực quản.
- Các chấn thương ở lồng ngực, đặt nội khí quản.
- Trên những tổn thương phối có sẵn : hang lao, kén phổi bẩm sinh.
- Giãn phế quản vừa là nguyên nhân và hậu quả của áp-xe phổi.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán áp-xe phổi
Các bác sĩ có thể chẩn đoán áp-xe phổi bằng cách:
Chẩn đoán xác định:
- Hội chứng nhiễm trùng cấp.
- Khái mủ nhiều (hoặc đờm hình đồng xu), có mùi hôi.
- Hội chứng hang, quan trọng là X-quang phổi có hình ảnh mức hơi – nước.
- Ngón tay hình dùi trống.
Chẩn đoán nguyên nhân:
Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và chụp X-quang ngực: Bệnh nhân được yêu cầu chụp cắt lớp phần ngực để xem áp-xe. Thử máu và nước bọt để giúp xác định vi khuẩn hoặc vi sinh vật gây ra áp-xe.
Chẩn đoán phân biệt:
Soi phế quản để loại trừ khả năng ung thư phổi nếu có dấu hiệu có vật gây cản trở đường hô hấp.
Phương pháp điều trị áp-xe phổi hiệu quả
Điều trị áp-xe phổi cần tuân theo nguyên tắc điều trị nội khoa kịp thời, tích cực, kiên trì và dựa vào nguyên nhân gây bệnh để điều trị (điều trị nguyên nhân). Trình tự điều trị theo các bước:
- Loại bỏ những vi sinh vật gây ra áp-xe phổi.
- Điều trị các bệnh dẫn đến áp-xe như động kinh, đột quỵ, vệ sinh răng miệng kém, nghiện rượu,…
Kháng sinh là thuốc được lựa chọn để điều trị. Bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh dạng uống trong vòng 4 – 6 tuần và dung dịch truyền. 95% bệnh nhân được chữa khỏi.
Nếu điều trị nội khoa ít hoặc không có kết quả , cần hội chẩn ngoại khoa sớm để phẫu thuật kịp thời, hạn chế biến chứng. Phẫu thuật thường là cắt bỏ phần phổi bị hư tổn sau 3 tháng điều trị nội khoa không mang lại kết quả.
Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của áp-xe phổi
Đối với những người đã mắc bệnh, nên thực hiện những thói quen sau đây để hạn chế diễn tiến của bệnh:
- Điều trị và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, không nên bỏ cử thuốc.
- Gọi bác sĩ nếu gặp vấn đề bất thường (trước này chưa hề có) sau khi dùng kháng sinh; hoặc khi có những triệu chứng bất thường tiếp tục xảy ra.
- Tái khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Tốt nhất không nên để mắc các bệnh về đường hô hấp, răng miệng để phòng tránh bệnh áp-xe phổi.
- Cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày.
- Trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính sức đề kháng kém, không để cảm lạnh.
- Có chế độ ăn uống hợp lý để đảm bảo sức khỏe chống lại các tác nhân gây bệnh nhiễm trùng, nhất là các bệnh hô hấp.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.