Mục lục
Dị ứng là gì?
Dị ứng là phản ứng quá mức so với bình thường của hệ miễn dịch khi tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng (thường là vô hại trong môi trường). Trong vòng đời của mỗi người thường phải gặp dị ứng ít nhất một lần. Theo thống kê, xấp xỉ có khoảng 25% dân số thế giới mắc một hoặc nhiều loại dị ứng. Còn riêng tại Việt Nam, con số này vào khoảng 20%.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng
Khi có dị nguyên xâm nhập, vào giai đoạn đầu cơ thể ít khi biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Nhưng khi dị nguyên tái xâm nhập, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện các hiện tượng của dị ứng. Những bộ phận nào tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên, có khả năng các dấu hiệu của dị ứng sẽ xuất hiện ở đó. Triệu chứng thường gặp ở một số bộ phận khi cơ thể bị dị ứng:
- Khi dị nguyên tiếp xúc với đường hô hấp: Cơ thể sẽ bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi, ho hoặc thở khò khè. Trường hợp nặng có thể gây phù nề thanh quản.
- Khi dị nguyên tiếp xúc với mắt: Gây viêm kết mạc dị ứng, có biểu hiện đỏ mắt, sưng mắt, ngứa mắt hay chảy nước mắt.
- Khi dị nguyên tiếp xúc với hệ tiêu hóa: Gây nôn mửa, tiêu chảy cấp, đầy hơi.
- Khi dị nguyên tiếp xúc với da: Hiện tượng phát ban, nổi mề đay, ngứa ngáy kéo dài hàng tháng, có khi đến vài năm.
Dị ứng loại nhẹ rất phổ biến, vì thường cơ thể ai cũng bị nhạy cảm với một chất vô hại nào đó. Tuy nhiên, một số trường hợp dị ứng nặng với các chất phát sinh từ môi trường hoặc trong thức ăn có thể dẫn đến sốc phản vệ gây đe dọa đến tính mạng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi có các dấu hiệu của dị ứng xuất hiện trên cơ thể, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được cho lời khuyên, tiến hành các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây dị ứng và có phác đồ điều trị thích hợp. Tránh trường hợp để bệnh kéo dài hoặc tự ý chữa bệnh bằng những cách không có căn cứ khoa học làm bệnh trầm trọng hơn và dẫn đến dị ứng mãn tính hoặc gây tử vong.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến dị ứng
Trong cơ thể chúng ta có loại kháng thể gọi là IgE đặc hiệu, kháng thể này được hình thành khi cơ thể tiếp xúc lâu ngày với dị nguyên (các chất gây dị ứng). Mỗi kháng thể IgE sẽ tương thích với một loại dị nguyên riêng biệt đã hình thành nên nó.
Sau khi cơ thể có kháng thể IgE (gắn vào màng tế bào mast và một số tế bào khác), khi dị nguyên tái xâm nhập cơ thể lần 2, hệ miễn dịch sẽ kích thích kháng thể IgE tác động tới tế bào mast và giải phóng ra histamin (nằm trong tế bào mast) và một số các chất trung gian hóa học khác. Những chất này dẫn đến hiện tượng phát ban gây ngứa, sổ mũi, ho, các hiện tượng dị ứng khác.
Tóm lại, khi hệ miễn dịch nhận thấy có sự xâm nhập của các dị nguyên vào cơ thể từ lần thứ 2 trở đi, hệ miễn dịch sẽ chủ động tiết ra các chất để chống lại dị nguyên đó, đồng thời gây nên hiện tượng dị ứng trên cơ thể.
Yếu tố di truyền được xem là tác nhân chính gây dị ứng. Nhưng sau một thời gian khảo sát, số lượng người mắc dị ứng đột ngột tăng cao trong thời gian ngắn nên bệnh dị ứng được lý giải còn một nguyên nhân khác nữa đó chính là do môi trường và lối sống.
Về yếu tố di truyền:
Hầu hết những đứa trẻ có bố mẹ từng mắc bệnh dị ứng thì nguy cơ chúng mắc bệnh là cao so với những đứa trẻ khác. Ngoài ra, với những cặp song sinh cùng trứng có tỉ lệ 70% nguy cơ bị dị ứng chung, và khác trứng thì ở khoảng 40%.
Về yếu tố môi trường:
Có rất nhiều tác nhân trong môi trường có thể là nguyên nhân gây ra dị ứng. Các tác nhân này có thể là vô hại đối với người này nhưng sẽ trở thành dị nguyên gây dị ứng ở người khác, tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Theo thống kê thì hiện nay có khoảng 10 loại tác nhân có thể là nguồn gốc của căn bệnh dị ứng.
- Thuốc:
Một số người có thể dị ứng với một số thành phần thuốc nhất định. Tuy nhiên rất khó để xác định cơ thể dị ứng với loại thuốc nào nên chúng ta có thể dựa vào những biểu hiện khác thường của cơ thể khi dùng thuốc để phán đoán. Dị ứng do dùng thuốc tình trạng nhẹ có thể bị phát ban, nghẹt mũi, sưng vòm họng,… tình trạng nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không ngưng sử dụng kịp thời.
- Bụi bẩn:
Bao gồm các hạt nhỏ li ti và vô số loại thành phần khác nhau như sợi vải, nấm móc, vi sinh vật, lông chó mèo,… Khi bụi bẩn tiếp xúc với da và hệ hô hấp rất dễ dẫn đến các phản ứng dị ứng.
- Thực phẩm:
Đây là một trong những tác nhân gây dị ứng hàng đầu. Có 2 nguyên nhân biến thực phẩm trở thành dị nguyên. Một là bản thân thực phẩm là chất gây dị ứng, bao gồm các loại như sữa, phô mát, hải sản (cá ngừa, tôm, cua, sò, ốc), gà, tiêu, bột ngọt, lúa mì, đậu nành, đậu phộng,… Hai là
- Nọc độc của côn trùng:
Vốn là thành phàn có thể chứa độc tố, nhưng với những người có khả năng dị ứng với nọc độc côn trùng lại càng nguy hiểm hơn. Khi dị ứng, cơ thể sẽ có những triệu chứng như sưng, ngứa, đỏ, buồn nôn và kéo dài trong nhiều ngày liền. Nghiêm trọng hơn có thể làm cơ thể khó thở, sưng vùng mặt, vòm họng hay thậm chí là chóng mặt, giảm huyết áp đột ngột.
- Nấm mốc:
Thường mọc ở những môi trường ẩm ướt, nấm móc ngoài việc tạo điều kiện cho vi khuẩn phát sinh, thì còn có khả năng đột nhập vào các vùng ẩm ướt trên cơ thể người như khoang mũi, hậu môn,… gây dị ứng. Biểu hiện bao gồm hắt hơi, chảy nước mũi và ngứa ngáy ở vùng kín.
- Thú cưng và các động vật khác:
Một số động vật có thể sản sinh ra chất protein gây dị ứng, được tìm thấy trên lông, da và tuyến nước bọt của chúng. Nếu dị ứng với protein trong thực phẩm thì cũng nên hạn chế tiếp xúc với chó mèo. Mặt khác, lông chó mèo thường là nơi trú ẩn của các loại ký sinh trùng, chúng có khả năng đi vào cơ thể thông qua tiếp xúc da.
- Phấn hoa:
Là tác nhân vô hại nhưng có tỉ lệ gây dị ứng rất cao, đặc biệt ở các nước phương Tây. Phấn hoa bay vào không khí, có thể thông qua đường hô hấp đi vào cơ thể và gây dị ứng.
- Cao su:
Nhựa cao su chứa thành phần latex, gây phản ứng dị ứng ở một số người khi chỉ cần chạm vào các vật dụng, thiết bị làm từ cao su là có khả năng phát sinh di ứng. Phản ứng dị ứng có thể làm da khô, ngứa kéo dài từ 2 – 4 ngày hoặc nhiều hơn. Nếu để vùng dị ứng tiếp xúc với mồ hôi hoặc bị cọ xát có thể làm da bị tổn thương nghiêm trọng hơn như bị lở loét.
- Hương thơm:
Nhiều loại dung dịch như nước hoa, xịt khử mùi, chất xả vải,… có nhiều thành phần hóa học tạo nên mùi hương đặc biệt, điều này có khả năng gây kích ứng mũi và da ở một số người bị dị ứng với các thành phần đó. Biểu hiện thường gặp ở người dị ứng hương thơm là hắt hơi, chảy nước mắt, ngứa da, khó thở, nhức đầu và không thể tập trung.
- Ký sinh trùng:
Đây là tác nhân khiến nhiều người hiện nay rơi vào tình trạng dị ứng kéo dài nhưng lại ít người biết đến. Theo thống kê của Viện Sốt rét -Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, cứ 10 người là lại có 7 – 8 người bị nhiễm ký sinh. Ký sinh trùng thường tồn tại trong các thực phẩm tái sống, không được chế biến sạch sẽ, trên lông của chó mèo và những môi trường dơ bẩn, không vệ sinh. Chúng đi vào cơ thể và gây dị ứng khi số lượng của chúng vượt ngưỡng giới hạn mà cơ thể có thể chịu đựng được. Ký sinh sẽ tấn công các tế bào làm hệ miễn dịch phải tiết ra kháng thể chống lại chúng, điều này làm cho da bị nổi mề đay, có thể gây ngứa từ năm này sang năm khác. Để nhận biết tác nhân gây dị ứng là do ký sinh trùng rất khó, vì có thể bị nhầm lẫn bởi các nguyên nhân khác, điều duy nhất có thể là tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra lượng ký sinh trùng trong cơ thể.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ dị ứng?
Nhiều yếu tố khiến khả năng mắc bệnh dị ứng cao hơn:
- Nếu gia đình, họ hàng từng có người dị ứng hoặc hen suyễn thì khả năng mắc bệnh là cao hơn hẳn.
- Trẻ em có nguy cơ bị dị ứng rất cao, nhưng tỉ lệ mắc bệnh sẽ giảm dần khi trưởng thành.
- Người có tiền sử bị dị ứng thì nguy cơ dị ứng tái phát cũng cao hơn.
- Dị ứng hiện nay chủ yếu là do vấn đề vệ sinh và ý thức phòng chống bệnh ở mỗi người chưa cao. Bệnh xảy ra khi chúng ta lười tập thể dục, béo phì, tiếp xúc với thức ăn, chỗ ở không hợp vệ sinh,… khiến cơ thể phải sống chung với các chất gây dị ứng trong thời gian dài, làm cơ chế kiểm soát hệ thống miễn dịch bị suy giảm dẫn đến các phản ứng quá mức của hệ miễn dịch khi gặp các chất gây dị ứng.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán dị ứng
Chỉ có bác sĩ mới là người cho ra những chẩn đoán chính xác nhất về căn nguyên dị ứng và cách điều trị. Để tìm được nguồn gốc của bệnh, các xét nghiệm có thể được tiến hành là:
- Bác sĩ thường khuyên bệnh nhân cách li với các chất được nghi ngờ gây dị ứng và theo dõi các dấu hiệu của bệnh xem liệu có giảm hoặc nặng hơn hay không.
- Xét nghiệm da: Đây là xét nghiệm được ưu tiên với người bị dị ứng vì da thuộc nhóm nhạy cảm và có biểu hiện rõ ràng nhất khi cơ thể bị dị ứng. Bác sĩ sẽ tiến hành tiêm hoặc lẫy các chất được nghi ngờ gây dị ứng vào những vùng da khác nhau trên cơ thể và theo dõi mức độ dị ứng của các vùng da đó. Thông qua phương pháp này có thể tìm ra tác nhân gây dị ứng nhanh, gọn và chính xác.
- Xét nghiệm máu: Phương pháp được dùng phổ biến hiện nay để kiểm tra một số chất nghi ngờ gây di ứng có tồn tại trong máu hay không và kiểm tra mức độ của IgE trong huyết thanh người bệnh. Ở người bình thường, mức độ IgE chỉ đạt mức <100 U/ml, nhưng với người bị dị ứng, kháng thể IgE vượt ngưỡng con số này và có khi lên đến 500U/ml. Trong điều trị dị ứng, người ta chú ý đến độ tăng giảm của IgE, nếu tác nhân gây dị ứng được bài trừ nhưng độ IgE vẫn cao thì có nghĩa là cơ thể vẫn phóng ra các histamin gây dị ứng. Dị ứng chỉ hết khi độ IgE trở lại bình thường.
Phương pháp điều trị dị ứng hiệu quả
Với mỗi loại dị nguyên khác nhau, cơ thể sẽ có những biểu hiện dị ứng khác nhau trên bộ phận cơ thể và khi đã bị dị ứng một lần, rất có thể cơ thể sẽ bị dị ứng tiếp tục với loại dị nguyên đó. Để phòng ngừa và điều trị hiệu quả, cách tốt nhất vẫn là hạn chế tiếp xúc với các chất có thể gây dị ứng. Ngoài ra, để giảm các triệu chứng do dị ứng, các phương pháp có thể áp dụng là:
Dùng thuốc:
Một số loại thuốc có thể đối kháng, tránh kích hoạt các tế bào hoặc ức chế sự giải phóng các chất háo học trung gian của cơ thể, đồng thời làm giảm các triệu chứng của dị ứng. Thuốc bao gồm các loại thuốc kháng histamin (có thể mua không cần kê toa), thuốc corticosteroid (thuốc kháng viêm), thuốc chống sung huyết (làm giảm nghẹt mũi nhưng cần phải theo hướng dẫn rõ ràng).
Liệu pháp miễn dịch:
Bác sĩ sẽ tiêm một lượng chất gây dị ứng với liều tăng dần vào cơ thể bệnh nhân. Điều này sẽ làm tăng sức chịu đựng của cơ thể đối với chất gây dị ứng và giảm hiện tượng phản ứng thái quá của hệ miễn dịch gây dị ứng.
Một phương pháp khác là miễn dịch dưới lưỡi, không cần phải tiêm. Bác sĩ sẽ cho lượng nhỏ chất gây dị ứng vào dưới lưỡi người bệnh (nơi miễn dịch yếu) để làm tăng sự chịu đựng và khiến cơ thể thích nghi dần với các chất đó.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của dị ứng
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Người bệnh cần tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng và kết hợp điều trị để ức chế kháng thể gây dị ứng trong người.
- Thường xuyên luyện tập thể dục.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Tuy dùng thuốc có thể ngăn chặn, cắt cơn dị ứng nhanh chóng, nhưng chúng ta cũng không nên xem nhẹ bệnh vì bệnh thường có khả năng tái phát sau đó và những đợt tiếp theo đều sẽ ngày càng nặng hơn đợt trước.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Vì bệnh dị ứng có khả năng di truyền rất cao nên những người bị dị ứng khi sinh con nên nói ngay tình trạng của mình hoặc những người thân từng bị dị ứng với bác sĩ để có những biện pháp can thiệp kịp thời, hạn chế những tổn thương cho trẻ khi gặp dị ứng.
Khi bệnh dị ứng xảy ra, điều trị nghiêm túc và phòng chống là một biện pháp hữu hiệu để hạn chế sự tái phát của bệnh trong tương lai.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.