Mục lục
Bệnh động mạch ngoại biên là gì?
Tìm hiểu chung
Bệnh động mạch ngoại biên là gì?
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD – peripheral arterial disease) là tình trạng bệnh lý hẹp tắc lòng động mạch gây suy giảm lưu lượng máu đến các chi, chủ yếu là chi dưới. Về sinh bệnh học, động mạch vành cấp máu cho tim, động mạch cảnh cấp máu cho não, còn các động mạch ngoại biên cấp máu cho các chi, và nó giúp dự báo rất tốt về tình trạng dư thừa chất béo, các cơn đau tim hay đột quỵ.
Bệnh động mạch ngoại biên có thể được chữa khỏi bằng dùng thuốc, phẫu thuật và kèm theo thay đổi một số thói quen sinh hoạt xấu.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của động mạch ngoại biên
Triệu chứng thường gặp của bệnh động mạch ngoại biên bao gồm đi khập khiễng do đau, có cảm giác chuột rút ở vùng đùi, hông và bắp chân. Cơn đau xuất hiện khi đi bộ, trèo cầu thang, hoặc khi gắng sức. Khi nghỉ ngơi dù chỉ vài phút thì triệu chứng này có dấu hiệu đỡ hoặc hết.
Cơ chế gây đau là do khi cơ hoạt động, chúng cần được cấp máu nhiều hơn, nhưng do lòng mạch bị hẹp, tắc bởi có vật cản bên trong nên dẫn đến cơ bị thiếu máu nên gây đau. Khi nghỉ ngơi, nhu cầu oxy giảm xuống nên triệu chứng đau cũng giảm và hết. Hiện tượng đó được gọi là đau cách hồi.
Nhiều người lầm tưởng đau chân là triệu chứng hay gặp ở người già, do viêm khớp hay đau thần kinh tọa. Tuy nhiên, đau chân do bệnh động mạch ngoại biên thường xuất hiện ở cơ chứ không phải ở khớp.
Với những bệnh nhân bị tiểu đường, do biến chứng thần kinh, cùng với chứng đau tỳ ở bàn chân hoặc đùi, đã che khuất đi triệu chứng đau chân do bệnh động mạch ngoại biên gây ra nên đôi khi rất khó để nhận biết.
Triệu chứng nặng của bệnh động mạch ngoại biên bao gồm:
- Đau chân không đỡ khi nghỉ ngơi.
- Vết thương ở ngón chân hay bàn chân khó lành.
- Hoại tử bàn chân, ngón chân.
- Chân bên bị bệnh lạnh hơn chân lành hoặc lạnh hơn so với các phần chi phía trên.
Tác động của bệnh động mạch ngoại biên đối với sức khỏe
Do những cơn đau cách hồi gây ra, bệnh nhân sẽ có xu hướng chuyển từ lối sống năng động sang dần ít di chuyển, vận động. Lối sống này dẫn tới việc làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao, bị các cơn đau tim, đột quỵ đe dọa và giảm tuổi thọ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi xuất hiện những triệu chứng nêu trên hoặc khi có nghi ngờ về nguy cơ mắc bệnh, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Ngoài ra, dù bạn không có các triệu chứng trên, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ và thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe nếu thuộc một trong những diện sau:
- Trên 70 tuổi.
- Trên 50 tuổi và có tiền sử bệnh tiểu đường hoặc hút thuốc lá.
- Dưới 50 tuổi nhưng có tiền sử bệnh tiểu đường hoặc các yếu tố nguy cơ gây bệnh động mạch ngoại biên như bị béo phì, tăng huyết áp.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên
Nguyên nhân gây ra bệnh động mạch ngoại biên là do sự tích tụ mỡ (hay còn gọi là mảng bám) trong động mạch gây ra. Chúng thu hẹp diện tích lòng mạch và khiến máu lưu thông ít lại hoặc thậm chí ngăn không cho lưu thông máu. Từ đó, máu không thể mang oxy đến nuôi cơ khi nó cần, gây ra đau đớn và tăng nguy cơ cơn đau tim và đột quỵ.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh động mạch ngoại biên?
Bệnh động mạch ngoại biên tăng lên cùng với sự gia tăng tuổi thọ, lối sống thay đổi, đặc biệt là các yếu tố nguy cơ tim mạch gia tăng. Có khoảng 20% dân số ở độ tuổi sau 70 bị mắc bệnh động mạch ngoại biên.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên, bao gồm:
- Hút thuốc lá.
- Đái tháo đường.
- Tăng huyết áp.
- Rối loạn mỡ máu.
- Suy thận mạn tính.
- Nhiễm trùng mạn tính (tăng protein C phản ứng CRP).
- Tuổi cao.
- Yếu tố gia đình có người thân từng mắc các bệnh động mạch ngoại biên, tim mạch, đột quỵ.
Trong đó, hai nguy cơ bị bệnh đặc biệt cao là hút thuốc và bệnh tiểu đường.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên
Bác sĩ chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên bằng cách:
- Dựa vào dấu hiệu đau cách hồi, bắt mạch tay chân tìm dấu hiệu mạch yếu hay mất mạch.
- Thăm dò kiểm tra chỉ số mạch cổ chân, cổ tay, hình thức này không gây đau và được bác sĩ thực hiện dễ dàng trong vài phút. Biện pháp này nhằm so sánh áp lực máu ở cổ chân với áp lực máu ở cổ tay, từ đó đánh giá tốc độ dòng máu chảy ở chân có tốt không. Thông thường, áp lực dòng máu ở mắt cá chân tối thiểu bằng 90% áp lực dòng máu ở tay, nhưng với trường hợp hẹp lòng mạch nặng nó có thể nhỏ hơn 50% áp lực dòng máu ở tay.
- Các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm Doppler mạch máu, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp động mạch cản quang cho phép bác sĩ đánh giá lưu lượng máu qua các mạch máu và xác định động mạch bị thu hẹp hoặc bị chặn.
Phương pháp điều trị bệnh động mạch ngoại biên hiệu quả
Điều trị bệnh động mạch ngoại biên cần xác định nguyên nhân gây bệnh và điều trị từ nguyên nhân.
- Dùng thuốc hạ cholesterol nếu được xác định là bệnh do dư thừa mỡ trong máu gây hẹp mạch. Có thể dùng thuốc hạ cholesterol loại statin để giảm yếu tố nguy cơ đau tim và đột quỵ.
- Dùng thuốc làm hạ huyết áp nếu nguyên nhân là do huyết áp cao gây ra.
- Dùng thuốc ngăn ngừa cục máu đông. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc aspirin hoặc clopidogrel để ngăn ngừa nguy cơ cục máu đông xuất hiện và bồi đắp vào khu vực lòng mạch bị hẹp gây tắc mạch, dẫn đến hoại tử mô.
- Cilostazol cũng có thể được sử dụng bổ sung để mở rộng mạch máu, giảm cục máu đông và tăng lưu lượng máu lưu thông đến các chi.
Nếu phương pháp điều trị từ nguyên nhân không mang lại hiệu quả hoặc khi tình trạng đau nhức các chi xảy ra liên tục, bác sĩ có thể tiến hành nong mạch (mở rộng lòng động mạch bị thu hẹp) hoặc phẫu thuật bắt cầu (sử dụng một mạch máu khác của cơ thể hoặc mạch máu nhân tạo) để cho máu chạy qua, bỏ qua nơi động mạch bị thu hẹp hoặc bị chặn.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh động mạch ngoại biên
Để giúp bệnh tiến triển tốt hơn và ngăn ngừa biến chứng xảy ra, bạn cần:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Ăn uống hợp lý với bữa ăn giàu chất xơ, vitamin A, B-6, C và E, folate, omega-3. Hạn chế thức ăn nhiều chất béo và sodium.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Thường xuyên tập thể dục thể thao giúp cơ bắp sử dụng oxy hiệu quả hơn và giảm nguy cơ béo phì.
- Chăm sóc tốt cho da và chân để tránh nhiễm trùng và giảm nguy cơ biến chứng.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Để phòng bệnh, bạn nên xây dựng một chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh bằng việc thường xuyên luyện tập thể dục, ăn uống ít chất béo bão hòa để giữ cân nặng ở mức hợp lý; đồng thời điều trị các vấn đề về sức khỏe liên quan như huyết áp cao, đái tháo đường hoặc cholesterol cao.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.