Mục lục
Bệnh tay, chân, miệng là gì?
Tìm hiểu chung
Bệnh tay, chân, miệng là gì?
Bệnh tay, chân, miệng (TCM) là một dạng bệnh truyền nhiễm phổ biến dễ tạo thành dịch do virus đường ruột gây ra. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trẻ em như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ với nhiều triệu chứng như sốt nhẹ, xuất hiện nốt phòng rộp trong miệng, chán ăn, quấy khóc, mệt mỏi.
Bệnh tay, chân, miệng có thể lây lan từ người qua người do hai nhóm tác nhân là: Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tay, chân, miệng
Dấu hiệu bệnh tay, chân, miệng ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da.
Hiện tượng da nổi ban thường xuất hiện trong 1 – 2 ngày khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên da, sau đó trở thành bọng nước, màu xám đục. Chúng xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Các nốt ban này thường không gây cảm giác đau, ngứa có thể kéo dài tới 10 ngày.
Khi các nốt đỏ xuất hiện quanh miệng, ở trong miệng, trên lưỡi và vòm miệng có thể gây loét miệng khiến cho trẻ khó nuốt, biếng ăn.
Bậc cha mẹ thường nhầm lẫn giữa bệnh tay chân miệng với loét miệng thông thường.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tay, chân, miệng
Trẻ bị bệnh tay chân miệng do virus EV71 có thể gây biến chứng viêm màng não, viêm não và có nguy cơ tử vong cao.
Khi nào càn gặp bác sĩ?
Bệnh tay, chân, miệng là bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động của trẻ và nguy hiểm với nhiều biến chứng nặng. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến bệnh tay, chân, miệng
Bệnh tay, chân, miệng do virus Coxsackievirus A16 (thường gặp) và Enterovirus 71 (EV71) gây ra, có tính lây nhiễm từ người qua người. Trong đó, A16 thường ít gây biến chứng về thần kinh và thời gian điều trị cũng ngắn hơn. EV71 thì có mức độ nguy hiểm cao, có thể gây biến chứng về thần kinh, tim mạch và dẫn đến tử vong ở trẻ.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khiến bạn dễ mắc bệnh như:
- Tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh như dùng chung đồ dùng sinh hoạt, thức ăn.
- Lây qua đường hô hấp, khi nhiễm phải virus trong dịch của người bệnh tiết ra khi ho, hắt hơi.
- Lây nhiễm bệnh qua dịch từ nốt ban đỏ, vết lở loét.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh tay, chân, miệng?
Mọi người đều có nguy cơ nhiễm virus tay chân miệng nhưng không phải ai cũng phát bệnh. Trong đó, bệnh tay chân miệng phổ biến ở trẻ dưới 10 tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thiếu niên mẫn cảm hơn với virus. Một số trường hợp xảy ra ở người trưởng thành.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tay, chân, miệng, bao gồm:
- Phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm virus cao hơn những người trưởng thành khác nếu họ chưa từng bị nhiễm virus và kháng thể chống virus chưa hình thành trong cơ thể.
- Phụ nữ mang thai tiếp xúc với trẻ em mắc bệnh.
- Trẻ sống trong môi trường tập thể như nhà trẻ, trường học.
- Bệnh khá phổ biến ở khoảng thời gian mùa hè, thu.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tay, chân, miệng
Bệnh tay, chân, miệng có thể do nhiều loại virus gây ra nên việc chẩn đoán bệnh còn căn cứ vào độ tuổi người mắc bệnh.
Bác sĩ sẽ theo dõi các triệu chứng bệnh của trẻ, vì vậy nên phụ huynh trước khi đi khám nên theo dõi và thu thập các triệu chứng để thông báo với bác sĩ khi cần thiết.
Thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán phải đợi kết quả lâu nên các bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng (chủ yếu ở khu vực tay, chân, miệng), yếu tố nguy cơ để chẩn đoán.
Phương pháp điều trị bệnh tay, chân, miệng hiệu quả
Bệnh tay chân miệng chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nên việc điều trị chủ yếu dựa vào các triệu chứng bệnh. Điều trị bệnh bằng cách giảm các triệu chứng bệnh như: giảm sốt, giảm đau do các vết loét trong miệng, điều trị các vết loét ở tay, chân thường được áp dụng.
Đối với trẻ lớn và người trưởng thành khi bị bệnh TCM thường nhẹ, có thể hết sau một tuần hoặc hơn.
Trường hợp TCM có kèm nhiễm trùng nặng hoặc các biến chứng mới cần phải nhập viện điều trị.
Nếu trẻ có những triệu chứng bất thường nên cho trẻ nhập viện để được thăm khám, điều trị.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tay, chân, miệng
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, đúng cách như cho trẻ ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa.
- Giữ vệ sinh cho trẻ và các dụng cụ chăm sóc trẻ đề phòng lây nhiễm cho các trẻ khác.
- Theo dõi tình trạng bệnh trẻ khi đang trong vùng có dịch bệnh, cho trẻ nghỉ học cho đến khi hết bệnh.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Bệnh TCM chưa có vắc-xin, do đó việc xây dựng một biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh hiệu quả là thực sự cần thiết cho bản thân và gia đình, cụ thể như:
- Tránh cho trẻ và người lành tiếp xúc với mầm bệnh.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng xà phòng sau khi chăm sóc người bệnh.
- Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác.
- Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên cơ thể bệnh nhân.
- Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có chlor.
- Tránh hôn trẻ hay dùng chung đồ với trẻ bị bệnh chưa được vệ sinh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.