Mục lục
Bệnh tiểu đường là gì?
Thứ sáu ngày 23/03/2018
Tìm hiểu chung
Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường xảy ra khi có sự rối loạn chuyển hóa các chất như protein, lipit, cacbohydrat khi chức năng sản xuất hormone insulin của tuyến tụy suy giảm, hoạt động không hiệu quả hoặc ngừng hoạt động; lượng đường trong máu cao mất kiểm soát.
Bệnh tiểu đường có thể hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là hiện tượng thừa đường trong máu. Thức ăn vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành đường glucose, chính là nguồn năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể. Nhiệm vụ chính của hormone insulin là vận chuyển glucose đến cung cấp cho tế bào; tuyến tụy sản xuất insulin không đủ hoặc hoạt động không hiệu quả gây cản trở quá trình vận chuyển glucose, gây tích tụ lại dẫn đến bệnh lý tiểu đường.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường
Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường thường hay bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, nếu nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu dưới đây thì hãy đến bệnh viện kiểm tra chẩn đoán.
- Đi tiểu nhiều: Đây là một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất ở bệnh nhân tiểu đường, không chỉ là đi tiểu nhiều lần mà lượng nước tiểu lớn. Thường xuyên thức giấc do cảm giác buồn tiểu, gây khó chịu cho những người mắc bệnh. Lượng đường huyết cao được giải phóng vào nước tiểu liên tục nên khiến cơ thể mất nhiều nước, gây cảm giác khát nước và đi vệ sinh nhiều lần.
- Khát nước liên tục: Cơ thể mất nước nhiều nên tạo ra cảm giác khát, uống nhiều nước nhưng vẫn cảm thấy khát. Bệnh tiểu đường tiến triển nhanh hơn ở những người thường xuyên uống các thức uống nhiều đường, thức uống có gas. Nồng độ đường trong máu càng tăng mất kiểm soát khiến cảm giác khát nước cũng tăng theo.
- Sụt cân: Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bệnh nhân không thể sử dụng glucose – vốn là nguồn năng lượng chính của cơ thể để đi đến với các tế bào, giúp nuôi dưỡng và phát triển tế bào để sản sinh năng lượng cho cơ thể sống. Thay vào đó, lượng glucose trên được đào thải qua nước tiểu và ra ngoài cơ thể. Sau tất cả, cơ thể người mắc bệnh sụt cân.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường
Tiểu đường được chia làm 2 loại: tiểu đường loại 1 và tiểu đường loại 2, nhìn chung các yếu tố sau đây là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiểu đường:
- Do di truyền:Gen đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một cá thể sống, đặc biệt là protein cần cho cơ thể hoạt động, phát triển tế bào. Sự biến đổi về gen hoặc sự kết hợp giữa các nhóm gen với nhau gây nên bệnh tiểu đường ở cha mẹ sẽ được truyền sang con, thậm chí các thế hệ tiếp theo. Gen ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất insulin ở tuyến tụy, insulin thiếu hoặc hoạt động không chất lượng gây nên bệnh tiểu đường.
- Béo phì: Do thừa quá nhiều calo mà cơ thể cứ tích trữ lại dưới dạng mỡ, tạo sức ép lên tuyến tụy phải sản xuất insulin nhiều hơn để giải quyết lượng calo đó. Lâu ngày tuyến tụy nhanh chóng yếu đi, lượng insulin không đủ để đáp ứng hoặc không còn hoạt động tốt mà gây nên bệnh tiểu đường. Lười vận động cũng là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường.
- Yếu tố môi trường: Môi trường chứa nhiều loại vi khuẩn, virus, độc tố mà vô tình hay cố ý chúng ta đưa vào cơ thể; thực phẩm chứa nhiều hợp chất hóa học gây biến đổi gen, phá hủy các tế bào tuyến tụy, đặc biệt tế bào beta, gây bệnh tiểu đường.
- Hệ thống miễn dịch: Hoạt động bất ổn khiến cho các tế bào bạch cầu đột ngột tấn công tế bào beta ở tuyến tụy, tuyến tụy suy giảm chức năng hoặc mất khả năng sản xuất insulin.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?
- Người trên 40 tuổi. Hiện nay bệnh tiểu đường có xu hướng trẻ hóa, số người mắc bệnh trước tuổi 30 ngày một tăng cao.
- Người thừa cân, béo phì; đặc biệt những người thừa mỡ ở vùng bụng do uống rượu, bia nhiều hoặc ngồi nhiều, ít vận động.
- Những người có người thân cùng quan hệ huyết thống trực tiếp như ông bà với cha mẹ, cha mẹ với con cái thì khả năng di truyền bệnh khá cao.
- Người có tiền sử cao huyết áp, mỡ trong máu cao; các bệnh liên quan do việc thừa axit uric trong máu.
- Người có tiền sử sinh con từ 4kg trở lên có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
- Người bị u nang buồng trứng do xuất hiện hiện tượng kháng isulin ở tuyến tụy.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tiểu đường
Chẩn đoán bệnh tiểu đường bằng cách đo nồng độ đường trong huyết tương là phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay:
Trong lúc đói:Xét nghiệm 2 lần, nếu cả 2 lần đều cho kết quả nồng độ glucose trong máu cao hơn 126 mg/dl. Cần chú ý khi kết quả cho nồng độ từ 110 mg/dl đến 126 mg/dl được xem là tiền tiểu đường.
Sau khi ăn: Khi thấy nồng độ glucose cao hơn 200 mg/dl cộng với các biểu hiện như tiểu nhiều, khát nước và vô cùng mệt mỏi thì nguy cơ cao đã mắc bệnh cao đến 90%.
Uống glucose: Với những cách kiểm tra thông thường, các bác sĩ cho rằng vẫn không đủ độ tin cậy, với cách “kiểm tra glucose theo đường uống”, sau khi uống 2 tiếng đồng hồ thì mang đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy nồng độ vẫn cao hơn 200 mg/dl thì được chẩn đoán đã mắc tiểu đường loại 2.
Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả
Theo dõi tình trạng bệnh: Trang bị cho bản thân máy đo huyết áp cá nhân tại nhà để biết được tình trạng bệnh, nếu có bất kỳ dấu hiệu khác thường nào thì liên hệ ngay với bác sĩ để có giải pháp điều trị phù hợp, tránh để tình trạng làm tồi tệ thêm.
Thuốc điều trị:
- Đối với tiểu đường loại 1: Dùng insulin với 3 nhóm như sau:
- Insulin tác dụng chậm: Insulin Protamin kẽm.
- Insulin tác dụng trung bình: Isophane Insulin, Lente Insulin.
- Insulin tác dụng nhanh: Insulin Hydrochloride có nhũ dịch Insulin kẽm.
Với liệu pháp này chỉ áp dụng cho tiểu đường loại 1. Đối tượng tiểu đường loại 2 khi các loại thuốc điều trị, chế độ ăn, luyện tập không hiệu quả mới được phép áp dụng insulin.
Lưu ý: Việc tiêm insulin đem lại không ít phản ứng phụ như: dị ứng, ngứa, đau, căng cứng vùng vừa tiêm; hạ lượng glucose trong máu.
- Đối với tiểu đường loại 2: Dùng dẫn xuất Sulfonyl ure, được giới chuyên môn chia làm 2 nhóm:
- Nhóm thứ 1: Nhóm tác dụng mạnh, gồm: Glibenclamid, Glipizid, Gliclazid.
- Nhóm thứ 2: Nhóm tác dụng yếu hơn, gồm: Tolazamid, Clopropamid, Acetohexamid, Tolbutamid.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tiểu đường
- Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống: Muốn bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt thì người bệnh cần có lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học:
- Giảm cân: Thừa cân béo phì là một trong những nguyên nhân hàng đầu của nhiều bệnh lý khó trị, trong đó có tiểu đường. Chính vì thế giảm cân là điều rất cần thiết đối với người bệnh tiểu đường, nhất là tiểu đường loại 2, ngăn chặn nguy cơ tăng cao của đường huyết, giảm các biến chứng đến tim mạch.
- Lịch làm việc và nghỉ ngơi khoa học: Căng thẳng đầu óc khiến tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường do sản sinh và giải phóng các hormone tuyến yên ACTH, thúc đẩy hormone gây stress từ tuyến thượng thận, tuy ảnh hưởng gián tiếp nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến lượng đường trong máu.
- Ngủ đủ giấc: Cơ thể mỗi người cần 7 – 8 tiếng đồng hồ cho việc ngủ để cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi các chấn thương tế bào do hoạt động quá sức. Đối với người tiểu đường, việc ngủ đủ giấc hạn chế nguy cơ sản sinh hormone gây stress, tăng lượng đường huyết.
- Vận động thường xuyên: Giảm nguy cơ các biến chứng do tiểu đường gây ra, cải thiện sức khỏe, nâng cao khả năng chống lại bệnh tật. Giảm nguy cơ các biến chứng do tiểu đường gây ra, cải thiện sức khỏe, nâng cao khả năng chống lại bệnh tật.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn