Mục lục
Block nhĩ thất là gì?
Block nhĩ thất là sự tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn sự dẫn truyền xung động điện từ tâm nhĩ xuống tâm thất, làm ảnh hưởng đến hệ thống xung điện điều khiển nhịp tim. Tùy vào mức độ tắc nghẽn dẫn truyền xung điện mà người ta chia block nhĩ thất thành 3 mức độ khác nhau:
- Block nhĩ thất độ I: là bệnh lý tại nút nhĩ thất.
- Block nhĩ thất độ II: là bệnh lý của đường dẫn truyền điện học của tim, làm gián đoạn sự dẫn truyền giữa tâm nhĩ và tâm thất
- Block nhĩ thất độ III: hay còn gọi là block nhĩ thất hoàn toàn là bệnh lý của đường dẫn truyền điện học ở trong tim, tại đó những xung động được phát ra từ nút xoang ở tâm nhĩ không dẫn truyền xuống tâm thất được.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của block nhĩ thất
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bệnh nhân có những biểu hiện – triệu chứng khác nhau:
- Block nhĩ thất cấp độ I: Khi ở cấp độ này, người bệnh thường không có biểu hiện gì trên lâm sàng.
- Block nhĩ thất cấp II: Nếu nhẹ thì bệnh nhân cũng không có biểu hiện như cấp độ I. Tuy nhiên nếu nặng thì tần số tim giảm xuống, làm cho lưu lượng tim giảm theo, sinh ra một số triệu chứng như mệt, giác quan sút kém, trí óc chậm chạp, gắng sức kém, có khi ngất.
- Block nhĩ thất cấp độ III: Đây là mức độ nghiêm trọng nhất, bệnh có thể gây ra các triệu chứng như cấp độ II, nhưng sẽ nghiêm trọng hơn. Tim đập rất chậm 30 – 50 nhịp/phút.
Biến chứng có thể gặp khi mắc phải block nhĩ thất
Block nhĩ thất có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm sau nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời:
- Chậm nhịp tim, khoảng 40 nhịp/phút
- Tâm thất co không hoàn toàn, khiến máu không được bơm đủ để tuần hoàn, gây suy tuần hoàn
- Đột tử do tim. Có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng chỉ trong vòng khoảng 1h sau khi khởi phát.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các bệnh lý liên quan đến tim mạch hầu hết đều nguy hiểm do nó thường xảy ra đột ngột và rất khó kiểm soát. Vì vậy, khi bạn phát hiện các triệu chứng trên xảy ra với mình, hãy kịp thời liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến block nhĩ thất
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh block nhĩ thất như:
- Nguyên nhân bẩm sinh: Hội chứng quá mẫn cảm hoặc xoang mạch cảnh có thể làm chậm tốc độ và sự phát triển của block xoang nhĩ thất.
- Nguyên nhân mắc phải: Sử dụng thuốc hoặc tăng kali máu, thiếu dưỡng khí, tăng trương lực phế vị khi ngủ, tập luyện thể thao, thiếu máu cục bộ, xơ hóa, viêm nhiễm, bệnh mạch máu.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải block nhĩ thất?
Bất cứ ai đều có thể mắc phải block nhĩ thất. Trẻ sinh ra có thể bị block tim, phụ nữ cũng có nhiều khả năng mắc block nhĩ thất cấp độ III.
Có nhiều yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh block nhĩ thất như:
- Tuổi tác;
- Huyết áp;
- Cholesterol (giảm HDL, tăng LDL);
- Bệnh tiểu đường;
- Tập thể dục;
- Chất béo (béo bụng hoặc béo phì);
- Gia đình có người thân mắc các bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch;
- Hút thuốc;
- Bệnh động mạch ngoại biên;
- Tiền sản giật;
- Bệnh thận (đặc biệt là suy thận mạn tính);
- Thuốc: Một loạt các loại thuốc, bao gồm cả thuốc trợ tim digoxin, thuốc chẹn canxi (đặc biệt là verapamil và diltiazem), amiodarone, adenosine và thuốc chẹn beta có thể làm giảm lưu lượng máu đến nhĩ thất, đôi khi còn gây ra bệnh block nhĩ thất. Trong hầu hết các trường hợp, block nhĩ thất là do tác dụng phụ của các loại thuốc này gây ra.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán block nhĩ thất
Bác sĩ chẩn đoán bệnh block nhĩ thất dựa trên việc khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng ở người bệnh và thực hiện xét nghiệm như đo điện tâm đồ, đo điện tim.
Phương pháp điều trị bệnh block nhĩ thất hiệu quả
Dựa vào cấp độ bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp. Nếu bạn bị block nhĩ thất ở cấp độ I thì bạn không cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn bị block nhĩ thất ở cấp độ II, hoặc III bạn có thể cần một máy tạo nhịp tim.
Mặc dù vậy, theo tiêu chuẩn Framingham, block nhĩ thất cấp I có nhiều khả năng phát triển thành chứng rung tâm nhĩ và bạn có thể cần máy tạo nhịp tim vì bệnh có nguy cơ gây tử vong.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của block nhĩ thất
Bạn có thể kiểm soát bệnh nếu như tuân thủ những điều kiện dưới đây:
- Chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều trái cây, rau củ quả, hạn chế các sản phẩm chứa nhiều chất béo.
- Thường xuyên vận động tập thể dục, thư giãn tinh thần.
- Giảm cân nếu bạn đang bị thừa cân để cải thiện sức khỏe.
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.