Mục lục
Bụi phổi atbet (amiăng) là gì?
Bệnh bụi phổi atbet (amiăng) là bệnh xơ hoá phổi, có hoặc không kèm theo tổn thương xơ hóa phổi và tạo thành các hạt như hạt silicon. Bệnh bụi phổi atbet hoàn toàn khác bệnh bụi phổi silic, do thở hít bụi atbet hay bụi amiăng. Các tổn thương xơ hoá trong bệnh lý này không tạo thành các hạt trên hình ảnh X-quang và GPBL như trong bệnh bụi phổi silic.
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bụi phổi atbet (amiăng)
Bệnh thường xuất hiện sau 1 thời gian dài tiếp xúc (từ 10 – 20 năm). Các triệu chứng lâm sàng diễn biến từ khó nhận biết đến dễ nhận biết dựa vào mức độ xơ hóa phổi. Các triệu chứng phổ biến có thể thấy là:
- Khó thở: Đây là dấu hiệu cơ bản nhất, bệnh nhân lúc đầu chỉ cảm thấy khó thở khi gắng sức, về sau khó thở liên tục.
- Tức ngực, ho, khạc đờm: triệu chứng này xuất hiện sớm hơn giống như viêm phế quản mạn tính.
- Nghe phổi: Nghe thấy rì rào phế nang giảm hoặc thô, có hoặc không có ran nổ ở đáy phổi. Tuy nhiên dấu hiệu này không điển hình.
Khi phổi đã bị xơ hóa thì dung tích sống của phổi, hay dung tích toàn bộ của phổi đã giảm ở những mức độ khác nhau.
Trên thực tế, không thể dựa vào dấu hiệu lâm sàng để xác định bệnh lý này, vì các dấu hiệu lâm sàng thường không điển hình, và xuất hiện muộn. Để chẩn đoán đúng, cần dựa vào yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp, lâm sàng và cận lâm sàng.
Biến chứng có thể gặp khi bị bụi phổi atbet (amiăng)
Bệnh thường tiến triển chậm, các tổn thương xơ hoá phổi, tổn thương màng phổi là vĩnh viễn không hồi phục và có khuynh hướng phát triển theo thời gian tiếp xúc.
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm:
- Tâm phế mạn: Do xơ hoá phổi lan toả dẫn tới suy tim phải.
- Viêm phế quản và khí thũng: Cũng thường gặp trên bệnh nhân bị xơ hoá phổi do bụi amiăng.
- Giãn phế quản do co kéo của tổ chức xơ.
- Ung thư phổi: Người ta thấy có sự liên quan giữa người bị bệnh bụi phổi amiăng và ung thư phổi. Ở công nhân mắc bệnh này thì tỷ lệ bị ung thư phổi tăng lên.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi có bất cứ triệu chứng nào nêu trên, cũng như việc bạn làm trong môi trường có khả năng cao mắc căn bệnh này (môi trường bị ô nhiễm bụi amiăng), hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn chi tiết. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra bụi phổi atbet (amiăng)
Do nghề nghiệp làm trong môi trường phải tiếp xúc với amiăng như khai thác mỏ, hoặc nghề sản xuất một số sản phẩm mà nguyên liệu là amiăng.
Sự khai thác và công nghiệp amiăng còn có thể làm phân tán bụi amiăng đi khá xa, gây ô nhiễm môi trường và do đó những người sống trong vùng bị ô nhiễm có nguy cơ bị bệnh Bụi Phổi Atbet.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị bụi phổi atbet (amiăng)?
Làm một số ngành nghề công việc sau có thể phải tiếp xúc với amiăng và mắc bệnh:
- Sản xuất vật liệu xây dựng tấm lợp amiăng.
- Khoan, đập phá, khai thác quặng hay đá có amiăng.
- Tán, nghiền, sàng và thao tác khô với quặng hoặc đá có amiăng.
- Chải sợi, kéo sợi và dệt vải amiăng; làm cách nhiệt bằng amiăng.
- Tháo dỡ các công trình xây dựng có sử dụng amiăng
- Thao tác khô với amiăng trong kỹ nghệ chế tạo xi-măng amiăng; chế tạo các loại bộ phận má phanh ôtô, bìa giấy bằng amiăng…
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh bụi phổi atbet (amiăng)
Các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bụi phổi atbet bằng cách:
- Hỏi về tiền sử bệnh lý, tiền sử tiếp xúc và khám thực thể.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp X-quang phổi có thể giúp bác sĩ quan sát hình dạng và những tổn thương do bệnh gây ra.
Phương pháp điều trị bệnh bụi phổi atbet (amiăng) hiệu quả
Không có phương pháp điều trị nào để làm ổn định hoặc ức chế bệnh. Bởi bệnh gây tổn thương xơ hóa lan tỏa không phục hồi ở phổi, do vậy điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng như hít thở ở môi trường không khí trong sạch, điều trị các biến chứng của bệnh như suy tuần hoàn, hô hấp…
Biện pháp cần áp dụng sau khi mắc bệnh là ngừng tiếp xúc với bụi amiăng tại nơi làm việc, tuy nhiên tổn thương xơ hóa vẫn có thể tiếp tục tiến triển sau nhiều năm ngừng tiếp xúc.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh bụi phổi atbet (amiăng)
- Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng bệnh hiệu quả
- Tìm cách thay amiăng bằng nguyên liệu khác.
- Ngăn ngừa tạo thành bụi tại nơi sản xuất, sử dụng, khai thác.
- Thực hiện trong chu trình khép kín, không để phát tán bụi ra ngoài môi trường xung quanh.
- Thông hút gió thường xuyên, làm ẩm không khí, nền nhà
- Đeo mặt nạ hoặc khẩu trang khi lao động để chống bụi xâm nhập qua đường hô hấp.
- Mặc quần áo bảo hộ lao động, thay quần áo khi ra về
- Giám sát vệ sinh môi trường 1 cách chặt chẽ và thường xuyên
- Tổ chức khám sức khỏe định kỳ hằng năm để phát hiện người có sức khoẻ kém để chuyển đổi công việc, những người nghi ngờ bị bệnh phải cách ly xác định, điều trị hoặc chuyển việc.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.