Mục lục
Bụi phổi bông là gì?
Tìm hiểu chung
Bụi phổi bông là bệnh gì?
Bệnh bụi phổi bông là tình trạng bệnh lý của đường hô hấp do tiếp xúc với bụi lông trong môi trường làm việc không đủ điều kiện thông thoáng. Có biểu hiện khó thở cấp tính, kèm theo ho, tức ngực vào một hoặc nhiều ngày trong tuần làm việc, lâu dần dẫn đến hội chứng tắc nghẽn do hít thở bụi lông, gai, lanh, đay. Công nhân đang làm việc trong các ngành công nghiệp sản xuất sợi và vải có nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bụi phổi bông
Bệnh bụi phổi bông là bệnh về đường hô hấp mạn tính do các loại bụi bông, bụi gai, bụi đay. Dấu hiệu của bệnh được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn sớm:
Các dấu hiệu đặc trưng là tức ngực vào ngày lao động, triệu chứng tức ngực xuất hiện vào ngày thứ hai, kéo dài cho đến hết ca lao động và triệu chứng hết ngay sau khi rời vị trí lao động. Ở giai đoạn này, các triệu chứng kéo dài nhưng nhẹ dần vào các ngày cuối tuần. Cuối cùng, người công nhân có biểu hiện bệnh trong tất cả các ngày làm việc và ngay cả khi chuyển nghề không có bụi bông nữa, bệnh không thuyên giảm.
Giai đoạn cuối:
Không phân biệt được với bệnh viêm phế quản mạn, giãn phế quản nang. Do bệnh nhân thường quên đi những triệu chứng sớm, vì vậy bệnh được xác định không phải do nghề nghiệp trừ khi khác thác bệnh lý có triệu chứng đau tức ngực đặc trưng vào ngày lao động đầu tiên.
Không thấy biến đổi đặc hiệu của bệnh bụi phổi bông và cũng không xác định được một hình ảnh bệnh lý nào ở phổi của bệnh nhân đã tử vong do bệnh này trên phim X-quang phổi.
Ngoài các dấu hiệu kể trên, còn có một số triệu chứng khác như ho, khô miệng, mệt mỏi, nhức đầu và đặc biệt là sốt. Các triệu chứng trên xuất hiện và mất đi trong vòng 3 – 6 giờ.
Sau thời gian tiếp xúc từ 8 – 19 năm, bệnh phát triển đến tình trạng suy hô hấp và không hồi phục, bệnh cảnh lâm sàng là giãn phế quản-phế nang.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bụi phổi bông
Người lao động mắc bệnh bụi phổi bông nếu không được chuyển nghề, bệnh có thể tiến triển gây ra những biến chứng với các cơn dữ dội, khạc đờm xám, khó thở tăng, biểu hiện của bệnh viêm phế quản mạn tính và giãn phế nang dẫn đến suy hô hấp và suy tim.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bạn làm việc trong môi trường có bụi bông, đay, gai. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng nêu trên, đặc biệt là chứng đau thắt ngực đặc trưng vào ngày làm việc đầu tiên trong tuần. Hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến bệnh bụi phổi bông
Thành phần trong sợi bông rất phức tạp vì sợi bông mọc ở những nơi khác nhau sẽ bị ảnh hưởng theo một cách riêng và thường bị trộn lẫn với thành phần của thân, lá, vỏ quả bông,…
Thành phần chính của sợi bông: cellulose (chiếm tỉ lệ lớn nhất), SiO2, tanin và các vi sinh vật. Trong đó, tanin và nội độc tố trong vi sinh vật được xem là tác nhân chủ yếu gây bệnh bụi phổi bông.
Ngoài bụi sợi bông, bụi sợi lanh, gai, cây dứa cũng là nguyên nhân. Những loại bụi này chỉ gây bệnh khi dùng phương pháp ngâm để lấy sợi.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi bông?
Bất kì ai cũng có khả năng mắc bệnh bụi phổi bông khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Bệnh phổ biến nhất ở những người tiếp xúc với sợi bông, lanh gai,… thường xuyên, đặc biệt là những người công nhân nhà máy sản xuất bông hoặc vải.
Cơ chế gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ. Nhưng sợi bông nằm trong nhóm những dị nguyên dễ gây dị ứng và kích ứng khi chúng ta hít phải.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bụi phổi bông
- Làm trong tát cả công đoạn phải tiếp xúc và sơ chế sợi bông.
- Làm công nhân nhà máy chế biến bông y tế do quá trình hấp ướt bông nguyên liệu.
- Làm việc tại các cơ sở sử dụng bông tái sinh, do bông bị nhiễm bẩn bởi vi sinh vật rất nặng nề.
- Trong công nghiệp chế biến và kéo sợi lanh – gai, dứa sợi, bụi phát sinh nhiều ở bộ phận làm mềm, chải và kéo sợi.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh bụi phổi bông
Chẩn đoán bệnh phổi bông dựa vào: Yếu tố tiếp xúc và hình ảnh bệnh lý lâm sàng. Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về tiền sử tiếp xúc với bụi sợi bông cũng như quan sát hình ảnh của phổi thông qua các xét nghiệm như chụp X-quang, cắt lớp vi tính.
Phương pháp điều trị bệnh bụi phổi bông hiệu quả
Không có thuốc đặc hiệu điều trị căn bệnh này, nên việc điều trị chủ yếu dựa vào điều trị triệu chứng bằng thuốc giãn phế quản và thuốc kháng histamin nhằm hạn chế cơ thể bị dị ứng.
Ở giai đoạn nặng hơn điều trị chỉ có thể làm giảm các triệu chứng tạm thời.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh bụi phổi bông
- Bạn nên thay đổi môi trường làm việc nếu có thể để hạn chế tiếp xúc với bụi sợi bông.
- Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Các biện pháp phòng ngừa bệnh bụi phổi bông bao gồm:
- Phải có hệ thống thông gió hút bụi, lọc bụi.
- Cần phải giám sát môi trường lao động bằng cách đo trọng lượng bụi để phát hiện các quy trình công nghệ có nguy cơ gây bệnh và để duy trì biện pháp chống bụi.
- Tổ chức khám định kỳ nhằm loại trừ các quy trình sản xuất nhiều bụi bông ở những người mắc bệnh phổi mạn tính không đặc hiệu, lao phổi, hen dị ứng hay bất kỳ một bệnh phổi nào khác có thể gây biến đổi chức năng hô hấp. Khi khám tuyển, phải chụp X-quang, đo chức năng hô hấp, chú ý đo thể tích thở ra tối đa/giây. Những người nghiện thuốc lá, thuốc lào nặng, những người có thể tích thở ra tối đa/giây giảm dưới 60%, không được làm nghề tiếp xúc bụi bông.
- Công nhân cần phải được trang bị và sử dụng khẩu trang.
- Ngoài ra, đối với nơi nào có nồng độ bụi quá cao mà buộc phải tiếp xúc thì nên tổ chức để công nhân làm việc từng giai đoạn ngắn ở đó.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.