Mục lục
Cảm lạnh là gì ?
Tìm hiểu chung
Cảm lạnh là gì?
Cảm lạnh hay còn gọi là viêm mũi họng hay sổ mũi cấp, là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra ở đường hô hấp trên. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến mũi, cổ họng và thanh quản.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của cảm lạnh
Bệnh cảm lạnh mặc dù không gây nguy hiểm nhưng nó lại mang cho người bệnh cảm giác cực kì khó chịu và mệt mỏi. Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thường gặp ở mỗi người có thể khác nhau bao gồm:
- Chảy nước mũi và nghẹt mũi;
- Đau họng;
- Sốt nhẹ;
- Hắt hơi liên tục;
- Đau nhức cơ thể và đau đầu nhẹ;
- Cảm thấy khó chịu trong người.
Biến chứng có thể gặp khi bị cảm lạnh
Các triệu chứng của cảm lạnh nếu kéo dài quá 10 ngày và có dấu hiệu nặng hơn rất có thể dẫn đến các biến chứng thứ cấp. Một số biến chứng có thể xảy ra với người bị cảm lạnh lâu ngày là:
- Viêm tai cấp tính;
- Viêm xoang;
- Viêm phổi;
- Viêm cơ tim.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bệnh có thể tự hết trong vòng 7 – 10 ngày hoặc cũng có thể kéo dài đến tuần thứ 3 tùy theo cơ địa mỗi người. Tuy nhiên bạn nên tham khảo bác sĩ để có phương án điều trị tốt nhất.
Hãy đến gặp bác sĩ khi bạn có các dấu hiệu sau đây:
- Sốt cao hơn 38.5 độ C và kéo dài nhiều ngày hoặc bỗng dưng sốt lại sau nhiều ngày;
- Khó thở hoặc thở khò khè;
- Đau họng, đau đầu;
Với trẻ nhỏ, bạn cần đưa bé đến cơ sở y tế nếu có các triệu chứng sau:
- Sốt cao và kéo dài hơn hai ngày;
- Các triệu chứng ngày càng xấu đi hoặc không cải thiện;
- Thở khò khè;
- Đau tai;
- Rối loạn ý thức, lơ mơ.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến cảm lạnh
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh cảm lạnh nhưng thông thường là do 3 nguyên nhân chính sau đây:
1. Virus:
Có hơn 200 chủng loại virus có thể gây cảm lạnh nhưng chủng Rhinovirus là nguyên nhân phổ biến nhất.
2. Truyền nhiễm:
Virus cảm lạnh thường lây truyền qua đường không khí, khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc đồ vật đã bị nhiễm khuẩn. Những người tiếp xúc với người bệnh lâu dài có khả năng nhiễm bệnh rất cao, đặc biệt là những thành viên trong gia đình.
3. Thời tiết:
Virus cảm lạnh có xu hướng xuất hiện trong thời tiết lạnh và mưa ẩm ướt. Thời tiết lạnh làm hệ thống hô hấp của con người trở nên nhạy cảm hơn và độ ẩm không khí thấp làm cho virus khuếch tán xa hơn và tồn tại lâu hơn.
Ngoài các yếu tố trên, hệ miễn dịch yếu, không bảo vệ được cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây cảm lạnh.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị cảm lạnh?
Cảm lạnh là bệnh rất phổ biến, thông thường thì trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, người già hay những người có hệ miễn dịch suy yếu là những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Để cơ thể chịu lạnh khi đi ra ngoài (đặc biệt là đầu, cổ họng, tay, chân,…).
- Thay đổi thời tiết đột ngột khiến cơ thể không thích nghi kịp.
- Thức khuya quá nhiều khiến cơ thể suy nhược và hệ miễn dịch suy yếu.
- Phụ nữ đang mang thai cũng có nguy cơ cao mắc phải bệnh cảm lạnh.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh cảm lạnh
Dựa vào những dấu hiệu kể trên, bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh của bạn. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chẩn đoán bằng cách kiểm tra cơ thể hoặc thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như xét nghiệm máu.
Phương pháp điều trị cảm lạnh hiệu quả
Để điều trị bệnh, thông thường bạn chỉ cần nghỉ ngơi, giữ ấm cho cơ thể và uống nhiều nước để nâng cao sức đề kháng. Nếu muốn bệnh nhanh chóng thuyên giảm, bạn có thể uống thuốc kháng virus kê theo toa của bác sĩ.
Ngoài ra bạn có thể áp dụng một số phương pháp như xông hơi, uống trà nóng hoặc canh nóng để cho ra mồ hôi. Súc miệng bằng nước muối cũng giúp thông họng và giảm nghẹt mũi cũng như diệt vi khuẩn,…
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh cảm lạnh bạn nên:
- Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.
- Giữ ấm cho cơ thể khi trời trở lạnh, không được ở quá lâu trong môi trường dưới 15 độ C.
- Ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ thống miễn dịch như trái cây, rau củ tươi, các loại thịt chứa nhiều protein như bò, dê,…
Ngoài ra, khi mắc bệnh nên che miệng lại khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên để tránh lây nhiễm cho người khác.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.