Mục lục
Chân tay lạnh là gì?
Chân tay lạnh là biểu hiện rất thường gặp ở cơ thể. Tuy nhiên, ngoài yếu tố nhiệt độ thay đổi thì biểu hiện chân tay lạnh có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh nguy hiểm đang tiềm tàng bên trong.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của chân tay lạnh
- Da chân – tay nhợt nhạt, xanh xao thậm chí chuyển sang màu hơi trắng;
- Da bị ngứa, thô ráp, đen và dày hơn;
- Chân tay bị phù hoặc xuất hiện mụn nước.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Chân tay lạnh không chỉ đơn giản là do cơ thể bị tác động nhiệt từ bên ngoài mà có thể tiềm ẩn một số căn bệnh nguy hiểm. Vì thế, khi cơ thể có dấu hiệu chân tay lạnh thất thường, kéo dài kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, đau nhức khớp, sụt cân, có sự thay đổi bất thường trên da,… thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến chân tay lạnh
Khi nhiệt độ bên ngoài thấp, các mạch máu ngoại biên ở tay chân bị co nhỏ lại và khiến lòng bàn tay, chân của chúng ta tái xanh và lạnh hơn so với nhiệt độ của toàn cơ thể.
Trong trường hợp chân tay lạnh kéo dài mà không phải bởi ảnh hưởng của sự thay đổi nhiệt độ bên ngoài, thì rất có thể là do một trong số các nguyên nhân sau đây:
- Suy tuyến giáp:
Bệnh suy tuyến giáp dẫn đến việc sản sinh hormone không đủ để đáp ứng cho cơ thể, làm cho quá trình trao đổi chất hoạt động kém và cơ thể không có đủ nhiệt lượng để làm ổn định thân nhiệt khiến tay chân bị lạnh; kèm theo tình trạng này là rụng tóc và suy giảm trí nhớ.
- Hiện tượng Raynaud:
Trong môi trường lạnh, cơ thể chúng ta chủ động co các mạch máu nhỏ ở vùng ngoại biên (tay, chân, mũi, vành tai,…) để bảo vệ nhiệt lượng cho những bộ phận trung tâm cơ thể (óc, bụng, phổi,…). Điều này làm cho các bộ phận ngoại biên vì không có đủ nhiệt lượng nên bị lạnh và tái xanh.
Hiện tượng Raynaud là chứng quá mẫn với các thay đổi nhỏ của nhiệt độ bên ngoài, khiến cho chân tay thường trong tình trạng lạnh, đỏ và sưng vì mất nhiệt. Trong tình trạng nhẹ, hiện tượng không gây nguy hiểm, cũng không có biểu hiện bất thường khi được bác sĩ khám. Nhưng hiện tượng Raynaud có thể gây bệnh thứ phát đó là phong thấp.
- Trọng lượng cơ thể thấp:
Người gầy dễ bị chân tay lạnh do lớp mỡ không đủ dày để giữ ấm cơ thể, đồng thời khối cơ bắp cũng không nhiều khiến không đủ để phát nhiệt lượng.
- Thiếu máu:
Thiếu máu do nhiều nguyên nhân gây ra, thường do thiếu sắt, vitamin, folate,… Thiếu máu dù ở tình trạng trung bình hay nặng sẽ làm cho các cơ quan không đủ lượng máu để vận hành tốt và gây ra tình trạng chân tay lạnh.
- Rối loạn giấc ngủ:
Thalamus là vùng điều chỉnh tình trạng thư giãn, tỉnh táo của con người nằm trong não bộ. Thalamus quyết định khả năng thức – ngủ và điều hòa thân nhiệt của chúng ta. Khi vùng này gặp rối loạn, cơ thể sẽ bị chứng rối loạn giấc ngủ, có thể buồn ngủ vào ban ngày và không ngủ được vào ban đêm, đồng thời cũng có thể khiến chân tay bị lạnh.
- Đái tháo đường:
Đái tháo đường ảnh hưởng nhiều đến khả năng tuần hoàn máu. Khi mức đường trong máu tăng lên sẽ làm hẹp các động mạch, giảm lượng máu được truyền đến các mô, các chi; về lâu dài gây tổn thương hệ thần kinh ngoại biên và khiến chúng bị nóng, lạnh thất thường.
- Rối loạn thần kinh:
Khi mắc các bệnh liên quan đến rối loạn thần kinh, một trong những biểu hiện đó là chân tay lạnh.
- Chu kỳ kinh nguyệt
Ở phụ nữ, một số vấn đề về sinh lý như kinh nguyệt, dịch âm đạo, sau quá trình sinh nở,… dễ sinh huyết hư và không thể phát huy khả năng làm ấm. Ngoài ra, hormone trong cơ thể bị thay đổi có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ. Sự nhảy cảm của hệ hệ thần kinh này có thể làm mạch máu dưới da co lại, lượng tuần hoàn máu kém đi và sinh ra chân tay lạnh.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị chân tay lạnh?
Bất kỳ ai cũng có thể bị chân tay lạnh. Trong đó những người thường xuyên tiếp xúc với không khí hoặc nhiệt độ lạnh sẽ có nguy cơ bị nhiều hơn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ chân tay lạnh, bao gồm:
- Sống trong điều kiện có gió lạnh.
- Mặc quần áo bó sát.
- Tay, chân ướt.
- Hút thuốc (giảm lưu thông máu đến tay và bàn chân).
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chân tay lạnh
Chẩn đoán chân tay lạnh chủ yếu là xác định nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý, tiền sử tiếp xúc, một vài câu hỏi về sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân, và kết hợp một số các xét nghiệm chuyên khoa như chụp X-quang, xét nghiệm máu để có thể tìm ra nguyên nhân khiến chân tay lạnh.
Phương pháp điều trị chân tay lạnh hiệu quả
Tùy vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Nếu được xác định bị lạnh có kèm tình trạng tê cứng hay bỏng lạnh, bác sĩ sẽ làm ấm nhanh chóng phần bị lạnh ở trong nước có nhiệt độ hơi cao hơn nhiệt độ cơ thể. Các khu vực bị tê cứng sẽ được rã đông cho đến khi chúng chuyển sang màu hồng, lúc đó nghĩa là máu đã lưu thông trở lại.
Nếu bạn chỉ bị phồng rộp ở đầu ngón tay và ngón chân kèm với một chút sưng và đau thì bác sĩ cũng sẽ cho phép bạn về nhà sau khi đã hướng dẫn về y tế. Nếu bạn có vết phồng rộp màu đen, không sưng hoặc máu không lưu thông ở khu vực được làm ấm thì bạn sẽ phải nhập viện.
Nếu bạn bị bỏng lạnh nghiêm trọng thì cần phải loại bỏ các tế bào chết do thương tổn.
Các loại thuốc có thể được bác sĩ chỉ định là aspirin hoặc ibuprofen, hai thuốc này có thể bảo vệ bạn khỏi các tổn thương do các chất được giải phóng từ những tế bào bị hỏng gây ra. Bạn cũng có thể được sử dụng các loại thuốc khác để giúp lưu thông máu và đảm bảo dinh dưỡng tốt hơn.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của chân tay lạnh
Ngoài việc đến bác sĩ khám để được cho lời khuyên cụ thể, một số giải pháp có thể giúp giảm bớt tình trạng chân tay lạnh bao gồm:
- Vận động: Vận động là cách đơn giản nhất giúp máu lưu thông tốt và giữ ấm cơ thể.
- Mang vớ: Thường xuyên mang vớ chân, đeo găng tay hoặc mang dép bông bằng chất liệu len, cotton có thể giúp giữ ấm cho tay, chân.
- Ngâm nước ấm: Tay, chân của chúng ta có rất nhiều dây thần kinh quan trong. Việc ngâm tay, chân bằng nước ấm không chỉ giúp cơ thể thư giãn mà còn làm máu lưu thông tốt; giúp giữ ấm tay, chân.
- Điều chỉnh nhiệt độ: Ngoại trừ trường hợp nhiệt độ không khí tự nhiên thì chúng ta phải tự bảo vệ cơ thể bằng các vật dụng giữ ấm, nếu là nhiệt độ của máy lạnh thì chúng ta có thể điều chỉnh mức nhiệt độ phù hợp để không làm các mạch máu trong cơ thể bị co lại.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.