Mục lục
Cườm nước là gì?
Tìm hiểu chung
Cườm nước là gì?
Cườm nước (glaucoma) hay còn được gọi là tăng nhãn áp, là một bệnh xảy ra khi áp lực thủy dịch trong nhãn cầu tăng lên khiến tăng áp lực lên mắt. Hiện tượng này làm cho mắt bị mờ và đau đầu. Tình trạng kéo dài có thể dẫn đến tổn thương hệ thần kinh thị giác và sau cùng là bị mù mắt.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của cườm nước
Hiện nay, y học thống kê có khoảng 2 loại cườm nước (tăng nhãn áp). Ở mỗi loại cườm nước khác nhau thì sẽ có những triệu chứng và dấu hiệu khác nhau.
- Cườm nước góc mở: Góc thoát thủy dịch bị tắc nghẽn không hoàn toàn làm tăng áp suất lên mắt và lâu ngày ảnh hưởng đến các dây thần kinh thị giác. Quá trị này diễn ra rất chậm, không gây đau đớn nên thường thì người bệnh không cảm nhận được và rất khó để nhận biết các biến đổi của mắt.
- Cườm nước góc đóng: Góc thoát dịch của mắt bị đóng lại làm gia tăng áp lực lên mắt một cách đột ngột nên cực kì nguy hiểm. Cườm nước góc đóng thường khiến người bệnh đau mắt, đau đầu, buồn nôn, xuất hiện quầng sáng khi nhìn vào bóng đèn.
Các dạng bệnh cườm nước:
- Hội chứng giả bong bao: Gần giống với cườm nước góc mở nhưng có hiện tượng chất màu trắng trên thủy tinh thể và góc thoát dịch bị tích tụ bất thường. Chất này kết hợp với sắc tố từ phía sau mống mắt khiến đường thoát thuỷ dịch bị tắc nghẽn.
- Bệnh tăng nhãn áp sắc tố: Gặp chủ yếu ở trẻ em và người bị cận thị. Các hạt sắc tố từ các tế bào lót mặt sau của mống mắt bị vỡ ra và làm tắc nghẽn đường thoát thủy dịch.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Tăng nhãn áp lâu ngày có thể làm ảnh hưởng đến thị lực, thậm chí gây mù lòa. Vì thế, khi bạn có dấu hiệu đau đầu, đau mắt, mắt mờ hoặc thậm chí khi bạn cảm thấy có những dấu hiệu bất thường ở mắt, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được kiểm tra. Đặc biệt với người đã bị tật khúc xạ hoặc người trên 40 tuổi thì càng nên đi kiểm tra mắt định kỳ 1 – 2 lần/1 năm để tầm soát các vấn đề khác của mắt.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến cườm nước
Tùy vào loại cườm nước sẽ có những nguyên nhân khác nhau gây bệnh.
Cườm nước góc mở và cườm nước hay gặp ở trẻ sơ sinh thường là do di truyền. Trong khi cườm nước góc đóng là do sự tác nghẽn đường thoát thủy dịch làm tăng áp lực lên mắt.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị cườm nước?
Người trên 40 tuổi có khả năng mắc cườm nước cao, và tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới thường cao hơn nam.
Với những người đã từng bị tật khúc xạ mắt như cận thị, từng gặp các chấn thương ảnh hưởng đến mắt, hoặc có tiền sử bệnh trong gia đình cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác.
Khi có các yếu tố này, bạn cần nên chú ý đến đôi mắt của mình nhiều hơn:
- Trên 40 tuổi.
- Trong gia đình từng có người bị tăng nhãn áp.
- Mắc các bện phải sử dụng corticosteroid trong thời gian dài.
- Bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, hồng cầu lưỡi liền.
- Bị cận thị hoặc từng gặp các chấn thương ảnh hưởng đến mắt.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán cườm nước
Chứng bệnh cườm nước có thể được phát hiện khi:
- Kiểm tra thị lực: Giúp đo lường khả năng nhìn thấy sự vật ở những khoảng cách khác nhau.
- Soi cấu trúc mắt: Dùng kính lúp chuyên dụng để kiểm tra võng mạch và hệ thần kinh thị giác.
- Đo áp lực mắt (đo nhãn áp): Đo áp suất bên trong mắt bằng phương pháp Tonometry.
- Đo độ dày giác mạc.
Phương pháp điều trị cườm nước hiệu quả
Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân tránh khỏi nguy cơ bị mù lòa. Tùy vào việc bệnh nhân mắc phải loại cườm nước nào mà bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị thích hợp. Sau đây là những phương pháp dùng trong điều trị cườm nước:
- Phẫu thuật thông thường: Bác sĩ dùng công cụ phẫu thuật để tạo ra lỗ hở dưới kết mạc mắt để thủy dịch có thể chảy ra ngoài và đi vào máu.
- Phẫu thuật bằng laser: Dùng laser argon để tạo ra vùng bè. Trong khi lành vết thương cũng sẽ làm co kéo các sợi collagen vùng bè làm tăng khả năng thoát thủy dịch.
Bên cạnh điều trị cho mắt bị cườm nước, các bác sĩ có thể sẽ tiến hành ngăn chặn tình trạng này xuất hiện ở mắt còn lại. Việc điều trị bằng phẫu thật có thể được kết hợp với dùng thuốc uống và thuốc nhỏ mắt để tăng hiệu quả điều trị và bảo vệ đôi mắt sau phẫu thuật.
Vì cườm mắt không để lại nhiều dấu hiệu bên ngoài nên đôi khi trong điều trị, người bệnh hay bỏ ngang liệu trình điều trị bằng thuốc khiến bệnh có thể tái phát. Bạn nên tuân thủ đúng lịch trình uống thuốc để mắt được khỏi hẳn.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cườm nước
Những thói quen sinh hoạt hợp lý, khoa học có thể giúp bệnh tình của bạn diễn tiến tốt hơn:
- Khám mắt thường xuyên và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khóa.
- Nói với bác sĩ về các căn bệnh bạn đang gặp phải, những loại thuốc bạn đang dùng hay những thành phần thuốc bạn bị dị ứng.
- Dùng kính bảo hộ sau khi phẫu thuật hoặc khi tham gia các môn thể thao mạnh để bảo vệ an toàn cho mắt.
- Gọi bác sĩ khi trong quá trình điều trị xuất hiện những biến chứng khác thường.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.