Mục lục
Cường Aldosterone là gì?
Tìm hiểu chung
Cường Aldosterone là gì?
Tuyến thượng thận là một tuyến nằm sau thận có hình tam giác có kích cỡ bằng đầu ngón tay cái, sản xuất ra hormone aldosterone giúp cơ thể cân bằng muối, kali trong máu.
Tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều aldosterone gây nên một dạng rối loạn được gọi là cường aldosterone, khi đó nồng dộ muối tăng lên trong khi nồng độ kali giảm xuống làm cao huyết áp.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của cường Aldosterone
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở bệnh này đó là cao huyết áp, đồng thời nồng độ kali trong máu xuống thấp. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu khác như:
- Cơ thể yếu;
- Nôn ói;
- Táo bón;
- Cơ bắp co thắt, vọp bẻ;
- Đi tiểu nhiều lần hơn bình thường.
Ở một số người bệnh lại không có bất kì dấu hiệu nào xảy ra để nhận biết bệnh cường Aldosterone.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến cường Aldosterone
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do tuyến thượng thận tiết ra quá nhiều hormone aldosterone.
Có 2 dạng cường aldosterone:
- Cường aldosterone nguyên phát: Thường xảy ra khi xuất hiện khối u ở tuyến thượng thận. Đây là những khối u lành tính, và được gọi là u tuyến.
- Cường aldosterone thứ phát: Thường do những bệnh khác trong cơ thể gây ra như suy tim sung huyết, suy gan, bệnh thận, mất nước, hoặc do một số các loại thuốc như thuốc lợi tiểu hay fludrocortisone gây ra.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc cường Aldosterone?
Đây là căn bệnh không phố biến, đối với nữ giới lẫn nam giới có tỉ lệ mắc bệnh như nhau. Nhưng đối với những người sau đây thì nguy cơ mắc bệnh sẽ có tỉ lệ cao hơn những người bình thường:
- Hút thuốc lá nhiều, nghiện rượu.
- Thừa cân, béo phì.
- Ít vận động hoặc không vận động.
- Bản thân hoặc gia đình có tiền sử cao huyết áp.
- Từ 45 tuổi trở lên.
- Chế độ ăn uống thừa muối nhưng thiếu kali.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cường aldosterone, bao gồm:
- Tiền sử cao huyết áp ở tuổi còn khá trẻ (dưới 30 tuổi).
- Tiền sử gia đình có người đột quỵ khi còn trẻ tuổi.
- Điều trị cao huyết áp mà phải điều trị kết hợp từ 3 loại thuốc trở lên.
- Nồng độ kali trong máu quá thấp.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán cường Aldosterone
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng cách:
- Xét nghiệm sàng lọc: Đây là xét nghiệm để kiểm tra nồng độ renin và aldosterone trong máu. Renin là một loại enzyme có chức năng điều hòa huyết áp. Khi cơ thể có nồng độ aldosterone cao và Renin thấp có thể gây cao huyết áp.
- Xét nghiệm chẩn đoán: Từ xét nghiệm sàng lọc cho thấy bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh cường aldosterone, các bác sĩ sẽ tiếp tục cho bệnh nhân làm các xét nghiệm kiểm tra nồng độ aldosterone sau truyền dịch, ức chế fludrocortisone…
- Xét nghiệm khác: Kiểm tra mạch máu vùng tuyến thượng thận, chụp CT vùng bụng.
Phương pháp điều trị cường Aldosterone hiệu quả
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị cho bệnh nhân; mục đích chung nhất vẫn là tìm được cách ngăn chặn việc sản sinh ra aldosterone nồng độ cao, điều chỉnh nồng độ kali trong máu ở mức cân bằng, giảm thiểu các nguy cơ gây cao huyết áp.
- Khối u ở một tuyến thượng thận:
Uống thuốc: Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng các loại thuốc chặn aldosterone, nhưng nếu ngưng uống thuốc thì nồng độ kali sẽ lại giảm, aldosterone lại tăng, huyết áp lại tăng cao. Vì thế bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo sự chỉ định của các bác sĩ.
Phẫu thuật: Phẫu thuật để loại bỏ tuyến thượng thận có khối u; nồng độ kali và huyết áp sẽ được ổn định, giữ được nồng độ hormone aldosterone ở mức bình thường.
- Điều trị ở 2 tuyến thượng thận:
Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kiểm soát nồng độ kali và huyết áp trong máu, thuốc này đối kháng thụ thể mineralocorticoid hoặc spironolactone. Thuốc này có thể gây ra một số tác dụng như: rối loạn tiêu hóa, kinh nguyệt; giảm ham muốn tình dục, liệt dương,…
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cường Aldosterone
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Tránh xa thuốc lá, rượu bia, các chất có chứa cồn, các chất kích thích.
- Tăng cường vận động cơ thể, tham gia các hoạt động thể dục thể thao; đặc biệt là những hoạt động tốt cho tim mạch huyết áp.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hạn chế ăn quá nhiều muối trong các thức ăn thức uống, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, chủ động bổ sung nguồn kali từ thực phẩm chẳng hạn như chuối. Đa dạng hóa các bữa ăn để bổ sung đầy đủ các dưỡng chất.
- Giảm cân: Khi chỉ số BMI vượt mức 25 là lúc bạn cần nghiêm chỉnh thực hiện việc giảm cân để giảm áp lực lên huyết áp, sức khỏe; hạn chế tối đa ăn các chất mỡ béo động vật.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.