Mục lục
Đau bụng kinh là gì?
Tìm hiểu chung
Đau bụng kinh là gì?
Đau bụng kinh là một trong những triệu chứng diễn ra ở phụ nữ trong những ngày đầu của kỳ kinh nguyệt. Chứng đau bụng sẽ giảm dần hoặc chấm dứt sau 1 – 3 ngày ra kinh, tuy nhiên tình trạng này khiến cho cơ thể khó chịu, mệt mỏi, không thể tập trung tinh thần.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của đau bụng kinh
Đau bụng kinh thường gặp ở phụ nữa trẻ và thường giảm hoặc hết hẳn vài năm sau đó. Tùy vào cơ địa mỗi người mà đau bụng kinh có thể nhẹ hay nặng. Sau đây là một vài dấu hiệu thường gặp khi đau bụng kinh:
- Đau nhói hoặc đau ẩm ỉ ở phần bụng dưới, vùng thắt lưng và phía xương chậu.
- Đau trước kỳ kinh 1 ngày và kéo dài từ 1 – 3 ngày trong thời gian ra kinh.
- Xảy ra kèm theo một số triệu chứng khác như đau đầu, mệt mỏi, đầy bụng, buồn nôn/ nôn, tiêu chảy, toát mồ hôi, lạnh người, hoa mắt, đau đến không thể tập trung làm việc.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đau bụng kinh là triệu chứng thông thường của kinh nguyệt. Nhưng nếu đau bụng kinh không phải do kỳ kinh nguyệt gây ra mà xuất phát do cơ thể đang mắc các căn bệnh nghiêm trọng thì rất nguy hiểm đến sức khỏe. Vì thế, khi cơn đau quặng bụng xảy ra dữ dội, bất thường, đau đột ngột hoặc kéo dài khiến bạn mất sức và không thể làm được việc gì thì nên đến bác sĩ khám bệnh để tìm hiểu nguyên nhân và để được thực hiện các phương pháp làm giảm đau hiệu quả.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến đau bụng kinh
Những nguyên nhân có thể dẫn đến đau bụng kinh:
- Cơ trơn tử cung co thắt quá mức để đẩy máu ra ngoài.
- Tử cung co thắt đè lên các mạch máu xung quanh gây thiếu oxy lưu thông đến tử cung.
- Tử cung tiết ra prostaglandin gây ra cơn đau. Hormone này càng nhiều thì cơn đau càng nặng.
- Cổ tử cung quá hẹp.
- Tử cung nằm ở vị trí bất thường.
- Các tác nhân khác: vận động mạnh, ăn nhiều đồ lạnh, để cơ thể ngấm nước, tiếp xúc không khí ô nhiễm,…
Ngoài các nguyên nhân trên, đau bụng kinh có thể bắt nguồn do một số bệnh ở cơ quan sinh sản gây ra như:
- U xơ tử cung.
- Viêm dính tử cung.
- Lạc nội mạc tử cung/ Lạc nội mạc trong tử cung.
- Nhiễm trùng vùng chậu.
Trong đó, u xơ tử cung và lạc nội mạc tử cung là hai căn bệnh khá nghiêm trọng, nếu hông được phát hiện để điều trị sớm sẽ có khả năng gây vô sinh và tử vong.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị đau bụng kinh?
Đau bụng kinh là chứng rối loạn kinh nguyệt thường gặp nhất so với các triệu chứng kinh nguyệt khác. Có khoảng 20% – 90% phụ nữa trong độ tuổi sinh sản đều có dấu hiệu đau bụng kinh. Thông thường, nó xuất hiện ở những bạn gái mới bước vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên và sẽ kéo dài đến vài năm sau đó thì có dấu hiệu thuyên giảm.
Với những phụ nữ bị rong kinh, kinh nguyệt không đều, có kinh sớm (trước 12 tuổi) thường có nguy cơ mắc chứng đau bụng kinh nhiều hơn ở những phụ nữ khác.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau bụng kinh
Việc chẩn đoán của bác sĩ về nguyên nhân gây đau bụng kinh có thể dựa vào chu kỳ kinh nguyệt và các triệu chứng mà bạn thường gặp trong kỳ kinh nguyệt đó. Đồng thời kết hợp với các phương pháp khác như khám vùng xương chậu; kiểm tra, siêu âm vùng âm đạo, tử cung, buồng trứng,… để tìm ra các bất thường trong cơ quan sinh sản, giúp phát hiện bệnh kịp thời.
Phương pháp điều trị đau bụng kinh hiệu quả
Cơn đau bụng kinh thật sự không quá đáng sợ như chúng ta nghĩ, nhưng nó cũng khiến chúng ta khó có thể tập trung hoàn toàn vào công việc và học tập. Để hạn chế cơn đau xảy ra, một số phương pháp sau đây bạn có thể cân nhắc để áp dụng:
- Dùng thuốc giảm đau: Các loại thuốc đặc trị đau bụng kinh bạn có thể dễ dang tìm thấy ở nhà thuốc. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả và tránh mang lại những tác hại không tốt cho sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thời điểm và liều lượng nên dùng.
- Tập thể dục: Khi tập luyện thể dục, ngoài việc làm chúng ta quên đi tình trạng đau bụng kinh mà nó còn giúp cơ thể sản sinh endorphin giúp giảm đau. Mỗi ngày dành ra khoảng 30 phút luyện tập là cách tốt để bạn duy trì sức khỏe.
- Chườm nóng: Theo quan niệm dân gia, dùng chai/túi chứa nước nóng và chườm lên phần bụng dưới bị đau có thể làm ấm cơ thể và giảm cảm giác.
- Tắm nước ấm: Nước ấm có thể làm giải tỏa căng thẳng, giúp cơ thể thư giãn, giảm đau và dễ ngủ hơn.
- Xoa bóp: Dành 5 phút mỗi ngày để xoa bóp vùng bụng dưới để máu lưu thông tốt, giúp kinh nguyệt dễ dàng ra ngoài và sẽ giúp bạn hạn chế cơn đau do tử cung co thắt quá mức. Ngoài ra, bạn có thể day phần nguyệt đạo ở giữa ngón cái và ngón trỏ trên lòng bàn tay cũng giúp bạn giảm đau hiệu quả.
- Dùng các loại thực phẩm tốt: Những ngày kinh nguyệt bạn nên dùng các loại thức ăn, nước uống có chứa kẽm, magie, omega 3 và các loại vitamin E, B1, B6. các loại dưỡng chất này sẽ làm giảm lượng hormone gây chứng đau bụng và hạn chế sự căng cơ.
- Ngưng dùng đồ uống kích thích: Những loại nước uống có thành phần caffeine, chocolate, hay trà, nước uống có ga,… đều sẽ làm cơn đau bụng kinh nặng hơn. Cách tốt hơn là bạn nên uống một cốc sinh tố trái cây và uống thật nhiều nước để thay thế cho các loại đồ uống gây hại đó.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.