Mục lục
Đau đầu gối là bệnh gì?
Trong tất cả các khớp tham gia hoạt động của cơ thể, khớp gối đóng vai trò quan trọng nhất. Đau đầu gối là triệu chứng của nhiều bệnh lý xương khớp làm khớp gối sưng đỏ lên, hạn chế khả năng co gập gối, di chuyển. Trong đó có hai loại bệnh gây đau đầu gối phổ biến nhất hiện nay.
- Thoái hóa khớp: Đây là tình trạng tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn làm giảm thiểu lượng dịch khớp. Thoái hóa khớp làm khớp kêu răng rắc, gây đau mỏi đầu gối
- Viêm đa khớp dạng thấp: Là bệnh tự miễn, thường gặp ở phụ nữ trung niên, gây cứng khớp gối, sưng đau các khớp.
- Gout: Với bệnh nhân bị gout, acid uric lắng đọng ở các khớp xương chèn ép dây thần kinh cảm giác, gây ra cơn đau khớp gối.
Bệnh đau đầu gối gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt ở người già, vận động viên và những người phải lao động chân tay nặng. Nếu không kịp thời chữa trị sẽ để lại nhiều di chứng sau này, thậm chí là tàn phế.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của đau đầu gối
Chứng đau đầu gối thường xuất hiện với những dấu hiệu, triệu chứng sau:
- Thường xuyên cảm thấy đau ê ẩm ở đầu gối kéo dài nhiều ngày liền (kể cả không vận động);
- Đau nhói đầu gối lúc mang vác nặng, đứng lên hoặc ngồi xuống hoặc lúc ngồi yên;
- Nhức mỏi một trong hai bên đầu gối, di chuyển khó khăn;
- Cảm giác như có kiến bò trong đầu gối;
- Phát ra tiếng động lạo xạo ở khớp gối khi di chuyển.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu gặp các trường hợp trên kéo dài một thời gian dài mà không giảm thì bạn có nguy cơ mắc bệnh đau đầu gối. Vì vậy, hãy đến bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị. Bạn không nên để bệnh lâu mới đến gặp bác sĩ, vì đau đầu gối ảnh hưởng trực tiếp đến việc di chuyển và có thể gây các biến chứng khác. Nếu không có sự can thiệp kịp thời từ bác sĩ sẽ để lại nhiều di chứng đáng tiếc sau này.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến đau đầu gối
Theo các chuyên gia, các nguyên nhân dẫn đến bệnh đau đầu gối bao gồm:
- Thừa cân: Do trọng lượng cơ thể quá lớn dẫn đến các khớp gối bị tăng áp lực và dẫn đến đau đầu gối.
- Tuổi tác, giới tính: Theo nghiên cứu, phụ nữ trên 65 tuổi thường dễ dàng bị đau đầu gối hơn cả.
- Tai nạn: Các tai nạn ảnh hưởng trực tiếp đến đầu gối đều ít nhiều để lại di chứng sau này, đặc biệt khó tránh khỏi căn bệnh đau đầu gối.
Ngoài ra, các bệnh lý sau đâu cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh đau đầu gối:
- Viêm khớp gối: Lớp sụn bọc đầu xương bị mòn, xù xì làm cho người bệnh đau đầu gối khi có sự va chạm giữa các khớp xương.
- Thoái hóa khớp gối: Khi thay đổi thời tiết, bệnh thoái hóa khớp gối khiến người bệnh đau đầu gối, đi lại khó khăn.
- Các vấn đề ở dây chằng khớp gối: Khi bị ngoại lực tác dụng, các dây chằng này dễ bị giãn hoặc rách gây sưng đau khớp gối, hạn chế vận động.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị đau đầu gối?
Bệnh đau khớp gối xảy ra ở mọi đối tượng. Đặc biệt thường xuất hiện với người có một trong các yếu tố sau:
- Người già, phụ nữ trên 65 tuổi. Lúc này các khớp gối dễ bị suy thoái dẫn đến đau đầu gối.
- Các bất thường về cấu trúc chân như chân ngắn, đầu gối thẳng, bàn chân phẳng,… cùng gây đau đầu gối.
- Một số môn thể thao cần sử dụng nhiều đến chức năng của khớp gối.
- Cơ bắp thiếu linh hoạt và bị yếu làm cơ dễ cứng và không có khả năng xoay sở khi gặp vấn đề cần hoạt động khớp gối nhiều.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau đầu gối
Bác sĩ sẽ dựa vào những triệu chứng lâm sàng và có thể tiến hành một số các xét nghiệm như:
- Chụp X-quang: Không tốn nhiều thời gian nhưng có thể cho một kết quả chính xác nhất hình dạng bên ngoài khớp gối.
- Chụp CT scan: Chụp vi tính cắt lớp giúp tạo ra hình ảnh đầu gối ở dưới góc độ khác nhau; có thể giúp chẩn đoán các bệnh về xương và cơ quan.
- Chụp MRI: Sử dụng sóng radio tạo hình ảnh 3D bên trong khớp gối, nhằm phát hiện chấn thương ở các mô mềm như dây chằng, gân, cơ, sụn.
Phương pháp điều trị đau đầu gối hiệu quả
Ở trường hợp nhẹ:
Một trong những phương pháp đơn giản và phổ biến nhất đó là điều trị bằng thuốc:
- Thuốc tây:
Các dạng thuốc như bôi, xịt, uống hoặc tiêm trực tiếp vào đầu gối có tác dụng giảm đau, chống viêm, giảm sưng. Tuy nhiên, không nên lạm thuốc vì sẽ bị nhờn và khiến bệnh nặng hơn. Đặc biệt, hãy sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không nên bỏ ngang.
- Thuốc nam:
Nếu thuốc tây không có tác dụng với bạn thì hãy thử dùng thuốc nam. Thuốc nam là những bài thuốc ‘cây nhà lá vườn’ do người xưa truyền lại; tiêu biểu như: lá ngải cứu, củ gừng, rễ cây mắc cỡ…
Ở trường hợp nặng:
Bác sĩ sẽ tiến hành sử dụng phương pháp dao dịch thể hoặc phương pháp dao châm He – ne. Để các phương pháp trên hiệu quả nhanh hơn, các bác sĩ sẽ kết hợp vật lý trị liệu như: bấm huyệt, châm cứu, chườm nóng lạnh, sử dụng tia hồng ngoại…
Ngoài ra, những bài tập phục hồi vận động xương khớp cũng được bác sĩ hướng dẫn để tăng tính hiệu quả cho các phương pháp điều trị trên.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh đau đầu gối.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Bạn nên để chân được nghỉ ngơi, không mang vác các đồ vật nặng hay tập thể dục ở cường độ cao gây tác động đến đầu gối.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Cần uống thuốc đúng liều lượng, không được sử dụng những loại thuốc khác khi bác sĩ chưa cho phép.
- Chườm lạnh: Dùng đá lạnh chườm lên khớp gối bị đau có thể giúp ngăn chặn cơn đau tức thời.
- Nâng gối: Đỡ khớp gối lên cao bằng cách chèn một vật mềm phía dưới như gối nằm để khớp gối không bị tích tụ dịch, giảm sưng sau khi bị chấn thương.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Chú ý giữ trọng lượng cơ thể ở mức bình thường, tránh béo phì gây áp lực lên đầu gối.
- Tập thể dục thường xuyên và ở mức độ vừa phải. Bạn không nên cốc gắng tập, nhất là những bài tập cần nhiều hoạt động của khớp gối.
- Khi có dấu hiệu đau đầu gối, bạn hãy giúp nó thư giãn. Nếu đau trong thời gian dài, bạn nên đến bác sĩ kiểm tra. Không nên chịu đựng cơn đau vì chúng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.