Mục lục
Dị ứng thực phẩm là gì?
Tìm hiểu chung
Dị ứng thực phẩm là bệnh gì?
Dị ứng thực phẩm là phản ứng của hệ miễn dịch xảy ra ngay sau khi ăn một loại thực phẩm nhất định. Thực phẩm gây dị ứng có thể là bất kỳ loại nào mà hệ miễn dịch lầm tưởng là gây hại cho cơ thể. Dù bạn ăn một lượng lớn hay một lượng nhỏ thức ăn cũng có thể gây dị ứng và tạo ra các dấu hiệu – triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, phát ban và sưng đường hô hấp.
Dị ứng thực phẩm hay bị nhầm với tình trạng không dung nạp thức ăn, do cũng tạo sự khó chịu với người bệnh với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, chuột rút và tiêu chảy. Tuy nhiên, tình trạng không dung nạp thức ăn ít nghiêm trọng hơn và nó không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể.
Dị ứng thực phẩm tác động tới khoảng 6 – 8% tổng số trẻ dưới 3 tuổi và hơn 3% tổng số người lớn. Chúng có thể là bệnh cấp tính hoặc mãn tính. Với dị ứng cấp tính thì có thể gây ra bệnh nghiêm trọng hoặc thậm chí là đe dọa tính mạng trong trường hợp bị sốc phản vệ.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng thực phẩm
Các triệu chứng cho thấy cơ thể đang bị dị ứng thường xuất hiện chỉ sau vài phút đến 2 giờ sau khi bạn ăn thực phẩm gây dị ứng. Một số dấu hiệu điển hình giúp bạn nhận biết dị ứng thực phẩm, bao gồm:
- Ngứa ran hoặc ngứa trong miệng;
- Phát ban, nổi mề đay, Eczema gây ngứa ngáy khó chịu;
- Sưng môi, mặt, lưỡi và cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể;
- Thở khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở;
- Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa;
- Chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu;
Các phản ứng dị ứng thực phẩm có thể chỉ gây khó chịu với người này nhưng cũng là mối nguy hiểm đe dọa tính mạng của người khác nếu như bị sốc phản vệ. Trong trường hợp này cần phải được điều trị khẩn cấp để tránh hôn mê hoặc tử vong. Các triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:
- Cổ họng bị sưng;
- Đường hô hấp bị thu hẹp và thắt lại;
- Giảm huyết áp nghiêm trọng;
- Mạch đập nhanh;
- Chóng mặt, choáng váng hoặc bất tỉnh.
Khi ăn thực phẩm gây dị ứng và sau đó luyện tập thể dục cũng có thể làm bạn cảm thấy ngứa và đầu óc quay cuồng. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây ra sốc phản vệ. Vì thế, bạn không nên ăn trước khi tập thể dục trong khoảng vài giờ hoặc không sử dụng các thực phẩm dễ gây dị ứng để tránh gặp phải tình trạng này.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dị ứng thực phẩm, đặc biệt là phản ứng dị ứng cấp tính có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm cho tính mạng nên bạn không nên chủ quan khi gặp hiện tượng này. Bạn nên đến bác sĩ khám ngay khi có những triệu chứng nêu trên xảy ra để được thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ miễn dịch nhầm lẫn một loại thực phẩm cụ thể hoặc chất có trong thực phẩm đó là gây hại cho cơ thể. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ phóng thích ra một loại kháng thể gọi là IgE đặc hiệu (mỗi IgE sẽ tương thích với một chất gây dị ứng riêng biệt) để trung hòa thực phẩm gây dị ứng hoặc chất trong thực phẩm gây dị ứng.
Lần sau, kể cả khi bạn ăn một lượng nhỏ thực phẩm đó hoặc ăn những gì có chất gây dị ứng đó thì IgE sẽ phát tín hiệu đến hệ miễn dịch để tiết ra histamin và một số các chất trung gian hóa học khác. Những chất này dẫn đến hiện tượng phát ban gây ngứa, sổ mũi, ho và các hiện tượng dị ứng khác.
Phần lớn trường hợp dị ứng thực phẩm thường là phản ứng với protein có trong:
- Động vật có vỏ như tôm, tôm hùm và cua;
- Đậu phộng;
- Các loại hạt cây, như quả óc chó và quả hồ đào;
- Cá;
- Trứng.
Đối với trẻ em thì thường bị dị ứng bởi protein có trong các thực phẩm sau:
- Trứng;
- Sữa;
- Đậu phộng;
- Hạt cây;
- Lúa mì.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ dị ứng thực phẩm?
Dị ứng thực phẩm là tình trạng rất phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh ảnh hưởng tới khoảng 6 – 8% tổng số trẻ dưới 3 tuổi và hơn 3% tổng số người lớn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Tuổi tác: Trẻ em có nguy cơ dị ứng cao hơn người lớn do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Trẻ thường bị dị ứng tôm cua, sữa bò, trứng, đậu phộng, hạt cây, lúa mì.
- Di truyền: Nếu bố mẹ đồng thời bị dị ứng thức ăn thì con cái của họ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ khác.
- Môi trường: Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, môi trường sống có bệnh truyền nhiễm,… cũng là tác nhân gây ra di ứng thực phẩm ở một số người.
- Thói quen ăn uống thiếu khoa học hay sinh hoạt không điều độ.
- Có tiền sử bị dị ứng thực phẩm lúc còn nhỏ.
- Mắc bệnh dị ứng khác: Nếu bạn bị sốt cỏ khô hay eczema thì cũng có nguy cơ mắc cả dị ứng thực phẩm.
- Bệnh hen suyễn: Những người dị ứng thực phẩm cũng thường có bệnh hen suyễn. Khi 2 bệnh này xuất hiện cùng nhau thì triệu chứng thường nặng hơn.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán dị ứng thực phẩm
Để chẩn đoán bệnh dị ứng thực phẩm và loại trừ các bệnh có triệu chứng gần giống với dị ứng thực phẩm, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và làm một vài xét nghiệm, bao gồm:
- Kiểm tra triệu chứng: Bạn sẽ được yêu cầu trình bày về các triệu chứng mà bạn đã gặp cũng như thời gian chúng xuất hiện.
- Kiểm tra chế độ sinh hoạt: Bao gồm thói quen ăn uống, các loại thuốc bạn đã dùng. Bạn có thể được yêu cầu loại bỏ một số thực phẩm bị nghi ngờ gây dị ứng trong khoảng 2 tuần, sau đó thêm lại các loại thực phẩm này vào bữa ăn rồi ghi chép nhật ký. Việc này giúp bác sĩ biết thực phẩm nào gây ra triệu chứng. tuy nhiên phương pháp này khá mất thời gian và cho kết quả không rõ ràng.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra lượng kháng thể immunoglobulin E (IgE) giúp đo lường phản ứng của hệ miễn dịch.
- Kiểm tra da: Bác sĩ sẽ đặt thức ăn nghi ngờ gây dị ứng trên da cánh tay hoặc lưng. Sau đó dùng kim chích để một lượng nhỏ chất đi vào trong da. Nếu bị dị ứng với chất đó, da sẽ có phản ứng hoặc biểu hiện sưng tấy.
Phương pháp điều trị dị ứng thực phẩm hiệu quả
Để không bị dị ứng thực phẩm, quan trọng nhất là bạn cần tránh các loại thực phẩm dễ gây các dấu hiệu dị ứng. Bên cạnh đó có thể sử dụng một số loại thuốc như:
- Thuốc không kê toa hoặc các thuốc kháng histamin (như chlopheniramin, alimerazin, cyclizin, meclizin, terfenadin, astemizol…): Giảm triệu chứng nhanh chóng trong những trường hợp nhẹ. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng thuốc dưới sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
- Thuốc giãn phế quản (như salmeterol, salbutamol dạng hít): Giảm tình trạng co thắt phế quản, giúp người bệnh dễ thở hơn.
- Thuốc corticoid (dạng hít: beclomethazon, fluticazon; dạng xịt: mometason, budesonide): Giúp kháng viêm, giảm phù nề, giảm các cơn co thắt ở phế quản.
- Thuốc Epiephrin: Chống suy tim mạch cấp, nâng huyết áp đối với trường hợp bị suy hô hấp, hạ huyết áp. Thuốc thường được dùng trong các triệu chứng nghiêm trọng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của dị ứng thực phẩm
- Bạn nên nắm rõ các thực phẩm dễ làm bạn dị ứng để tránh sử dụng. Hoặc cần biết rõ thành phần của sản phẩm để xem có nguyên liệu gây dị ứng cho bạn hay không.
- Khi nghi ngờ về loại thực phẩm có thể gây dị ứng, bạn không nên sử dụng nó.
- Cần nấu chín kỹ thực phẩm trước khi sử dụng, không ăn đồ sống vì có nguy cơ chứa nhiều vi khuẩn.
- Rửa tay sạch sẽ khi chế biến thức ăn và trước bữa ăn.
- Không nên tập thể dục sau khi ăn ít nhất 1 giờ để tránh hiện tượng dị ứng thực phẩm kết hợp tập thể dục.
- Nếu con bạn bị dị ứng, hãy nói với người chăm trẻ hoặc cô giáo ở trường về tình trạng của bé, họ sẽ giúp bạn chú ý đến tình trạng của trẻ và không để trẻ ăn các thực phẩm gây dị ứng.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.