Mục lục
Dị ứng thuốc là gì?
Tìm hiểu chung
Dị ứng thuốc là bệnh gì?
Dị ứng thuốc là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch trước một loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Chúng gây ra các biểu hiện ngoài da như ngứa, nổi mề đay, sốt. Hơn thế, dị ứng thuốc có thể dẫn đến sốc phản vệ gây nguy hiểm tính mạng. Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều lượng thuốc bạn sử dụng và cũng không phải do tác dụng phụ của thuốc.
Triệu chứng thường gặp
Dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng thuốc
Các phản ứng dị ứng nhanh thường xảy ra trong vòng 1 giờ kể từ sau lần dùng thuốc cuối cùng, biểu hiện lâm sàng là:
- Ngứa, nổi sẩn, mề đay trên da;
- Sốt;
- Phù;
- Khó thở, thở khò khè;
- Sổ mũi;
- Chảy nước mắt.
Các phản ứng dị ứng muộn xảy ra sau hơn 1 giờ hoặc cho đến vài tuần kể từ lần dùng thuốc cuối cùng. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là:
- Sốt, đau khớp, phát ban, phù và buồn nôn;
- Suy giảm các tế bào hồng cầu gây thiếu máu dẫn đến mệt mỏi, rối loạn nhịp tim, khó thở và các triệu chứng khác;
- Số lượng bạch cầu tăng cao gây phù khắp người, sưng hạch bạch huyết và tái phát bệnh viêm gan;
- Viêm thận, có thể gây sốt, máu trong nước tiểu, phù toàn thân và các triệu chứng khác.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dị ứng thuốc có thể gây sốc phản vệ và một số triệu chứng khác nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, bạn cần được cấp cứu khi có các triệu chứng sau đây:
- Tim đập nhanh hoặc loạn nhịp;
- Cảm giác bị nghẹn ở cổ họng, gây khó thở;
- Lo âu;
- Chóng mặt;
- Bất tỉnh.
Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến dị ứng thuốc
Dị ứng thuốc xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức với một chất hóa học trong thuốc mà bạn đang sử dụng. Theo đó, hệ miễn dịch nhầm tưởng chất hóa học trong thuốc là chất độc hại nên tạo ra các kháng thể để tấn công nó.
Thuốc gây dị ứng có thể là loại trước đây bạn đã từng sử dụng 1 lần, tuy nhiên do lần đầu tiếp cận, các phản ứng hệ miễn dịch vẫn còn chưa đủ mạnh để tạo ra triệu chứng hoặc có ít nên không được chú ý. Từ lần thứ 2 bạn sử dụng loại thuốc có chứa chất hóa học gây dị ứng, hệ miễn dịch sẽ tấn công mạnh hơn và dẫn tới các triệu chứng dị ứng thuốc.
Tất cả các loại thuốc đều có thể dẫn đến dị ứng, song có một số loại được cho là thường gây dị ứng hơn như:
- Thuốc kháng sinh như penicillin;
- Aspirin và các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs);
- Thuốc hóa trị trong điều trị ung thư;
- Thuốc điều trị bệnh tự miễn, như viêm khớp dạng thấp;
- Kem corticosteroid;
- Thuốc điều trị HIV/AIDS;
- Thuốc cản quang được sử dụng trong xét nghiệm hình ảnh;
- Thuốc thuộc họ thuốc phiện để điều trị đau;
- Thuốc gây tê tại chỗ;
- Các sản phẩm phấn hoa;
- Hoa cúc dại – một loại thảo dược dùng để điều trị cảm lạnh thông thường.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ dị ứng thuốc?
Người có cơ địa dị ứng với bất cứ thành phần hóa học nào trong thuốc cũng có nguy cơ bị dị ứng. Tiếc rằng hiện nay vẫn chưa có phương pháp giúp kiểm tra xem cơ thể bị dị ứng với loại thuốc nào. Vì vậy trong hầu hết các trường hợp, bạn chỉ nhận ra mình bị dị ứng khi đã uống thuốc và xuất hiện các triệu chứng sau đó.
Tuy nhiên, một số yếu tố sau đây sẽ giúp bạn xác định bạn có nằm trong nhóm người có nguy cơ dị ứng thuốc hay không. Bao gồm:
- Người có cơ địa, tiền sử dị ứng: Bạn đã từng bị dị ứng thuốc hoặc có bệnh dị ứng (viêm mũi dị ứng, hen, dị ứng thức ăn, hoá chất, dị ứng tiêm chủng…).
- Nữ giới thường dễ mắc bệnh hơn nam giới, độ tuổi từ 20 – 40.
- Sử dụng thuốc không đúng chỉ định, dùng nhiều loại thuốc cùng lúc, dùng thuốc kéo dài; kết hợp nhiều loại một lần, không biết chúng có thể mẫn cảm chéo, tương tác, tương kỵ, phản chỉ định với nhau đều có thể bị dị ứng thuốc.
- Tiền sử gia đình có bố/mẹ hoặc cả bố mẹ bị dị ứng.
- Nhiễm HIV hoặc virut Epstein-Barr.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán dị ứng thuốc
Để chẩn đoán dị ứng thuốc, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng và tiến hành một vài xét nghiệm, bao gồm:
- Kiểm tra triệu chứng: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn nêu các triệu chứng bạn đã gặp phải và các loại thuốc bạn đã và đang sử dụng.
- Kiểm tra chế độ sinh hoạt: Bao gồm cả việc ăn uống để loại trừ trường hợp bị dị ứng thực phẩm.
- Xét nghiệm máu: Đây là phương pháp được dùng phổ biến hiện nay để kiểm tra một số chất nghi ngờ gây di ứng có tồn tại trong máu không và kiểm tra mức độ của IgE trong huyết thanh người bệnh. Ở người bình thường, mức độ IgE chỉ đạt mức <100 U/ml, nhưng với người bị dị ứng, kháng thể IgE vượt ngưỡng con số này.
- Xét nghiệm da: Đưa chất nghi ngờ gây dị ứng lên da và kiểm tra phản ứng của da. Nếu dị ứng với chất đó, da thường có biểu hiện sưng tấy.
Phương pháp điều trị dị ứng thuốc hiệu quả
Điều trị dị ứng thuốc bao gồm làm giảm triệu chứng dị ứng và giúp người bệnh làm quen với loại thuốc đó để không bị dị ứng trong những lần sử dụng sau.
Điều trị giảm triệu chứng:
- Ngừng sử dụng thuốc gây dị ứng.
- Dùng thuốc chống dị ứng (thuốc kháng histamine) để làm giảm triệu chứng.
- Dùng corticosteroid để điều trị viêm trong trường hợp nặng.
- Tiêm epinephrine ngay khi đến bệnh viện để ổn định huyết áp và phòng suy hô hấp.
Giúp cơ thể làm quen với thuốc gây dị ứng:
Sau khi xác định được loại thuốc (hoặc chất hóa học có trong thuốc) khiến bạn bị dị ứng, bác sĩ sẽ cho bạn thử dùng thuốc đó với một lượng rất nhỏ, rồi sau đó tăng liều lên dần sau mỗi 15 đến 30 phút, vài giờ hoặc vài ngày cho đến khi cơ thể bạn thích ứng với thuốc đó và không còn phản ứng dị ứng. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng cho bạn biết ở liều lượng nào thì thuốc sẽ không gây dị ứng.
Điều quan trọng là bạn cần nhớ loại thuốc khiến bạn bị dị ứng và liều lượng phù hợp của nó, để khi cần sử dụng thuốc, bạn hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết về tình trạng của mình để họ kê đơn phù hợp hoặc dùng một loại thuốc thay thế không gây dị ứng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của dị ứng thuốc
- Không tự điều trị, chỉ dùng thuốc theo toa của bác sĩ, không được dùng thuốc theo chỉ dẫn của người khác, không dùng đơn thuốc của người khác hoặc đưa đơn thuốc của mình cho người khác sử dụng.
- Không dùng thuốc mất nhãn, chuyển màu, có vật lạ, kết tủa trong ống thuốc, quá thời hạn sử dụng, tránh mua thuốc ở những nơi không đáng tin cậy.
- Phải đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc. Để thuốc xa tầm tay, tầm nhìn của trẻ em và người cao tuổi.
- Thận trọng dùng thuốc khi đang có thai, cho con bú và trạng thái bệnh lý khác, thông báo những vấn đề này cho bác sĩ trước khi kê đơn.
- Khi có những dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc cần đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Cần mang theo bệnh án (nếu có) để bác sĩ nắm rõ hơn tình hình bệnh.
- Mang theo bút tiêm epinerphrine bên mình để dùng trong trường hợp khẩn cấp.
- Dùng prednisone hay các thuốc kháng histamine khi xảy ra dị ứng.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.