Mục lục
Dị vật trong tai là gì?
Tìm hiểu chung
Dị vật trong tai là gì?
Dị vật trong tai là các vật thể khác lạ ở ngoài xâm nhập vào tai, gây thương tích, đau đớn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tai mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng khác cho cơ thể.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của dị vật trong tai
Dị vật khác nhau sẽ gây ra những triệu chứng khác nhau. Trên lâm sàng chia thành hai loại chính:
- Dị vật bất động: Các vật thể không thể di chuyển được, thường là các loại hạt hay vật có kích thước nhỏ có thể dễ dàng nằm trong lỗ tai (hạt bắp, hạt thóc, hạt châu, ráy tai tăm bông, bút chì…). Loại dị vật này về bản chất không gây nguy hiểm, khi vào tai có thể gây tắc ống tai, ù tai, nghe kém, gây đau hoặc ho.
- Dị vật di động: Các vật thể có khả năng tự động di chuyển vào tai, thường là các con vật nhỏ như ruồi, bọ, kiến,… Loại dị vật này khi vào tai thì tự cơ thể có thể cảm nhận được thông qua âm thanh vo ve, sột soạt, và ngứa ống tai. Nếu nó tiến vào sâu và cắn vào màng nhĩ thì sẽ có nguy cơ bị rách màng nhĩ, gây đau rát, chóng mặt. Trường hợp nặng có thể gây thủng màng nhĩ.
- Các triệu chứng khi thủng màng nhĩ: Đau, khó chịu, cảm giác đầy trong tai, chóng mặt, và chất lỏng hoặc máu chảy ra khỏi tai. Thông thường màng nhĩ bị thủng sẽ tự khỏi trong vòng hai tháng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dị vật trong tai không được xếp vào hàng nghiêm trọng và thường không ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Khi phát hiện, bạn có thể xử lý tại nhà nếu biết cách, hoặc đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ. Tuy nhiên, khi có các dấu hiệu sau, bạn cần đến bệnh viên để được bác sĩ xử lý:
- Ống tai bị sưng, đau, tiết dịch, chảy máu, chóng mặt, mất khả năng nghe.
- Biết có dị vật trong tai nhưng không thể nhìn thấy nó.
- Dị vật là vật sắc nhọn, có khả năng gây sát thương cao.
- Dị vật có chứa hóa chất độc hại.
- Dị vật là các loại thấm nước, có thể nở ra trong môi trường ẩm (hạt đậu).
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến dị vật trong tai
Nguyên nhân dẫn đến dị vật trong tai là do trẻ em thường đặt những vật nhỏ vào tai của mình hoặc do có một loại côn trùng nào đó bò vào tai khi chúng ta đang ngủ.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị dị vật trong tai?
Ai cũng có thể bị dị tật trong tai, nhất là các loại dị vật di động. Khi chúng ta nằm ngủ, chúng có thể bò, bay vào lỗ tai mà chúng ta không thể kiểm soát được. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng dễ mắc phải các dị vật vì thường không biết đến độ nguy hiểm của nó và hay cho vào tai, khiến chúng kẹt vào bên trong.
Yếu tố làm tăng nguy cơ bị dị vật trong tai
Khi phát hiện dị vật trong tai, nên tránh các hành động khiến dị vật gây nguy hiểm đến lỗ tai như:
- Không cố gắng dùng ngón tay hoặc tăm bông ngoáy vào lỗ tai. Động tác này không thể khiến dị vật chui ra mà còn đẩy sâu nó vào bên trong ống tai.
- Không bơm nước rửa tai vào vì cũng có thể làm dị vật bị đẩy vào sâu hơn hoặc nếu đây là dị vật dạng thấm nước thì nó sẽ phình to hơn.
- Không dùng thuốc nhỏ tai cho đến khi bạn biết dị vật là gì. Vì nếu dị vật đã gây thủng màng nhĩ của bạn thì thuốc nhỏ tai chỉ làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán dị vật trong tai
Nếu cần thiết phải đưa đến bệnh viện, để bác sĩ biết rõ nguyên nhân gây đau hoặc tìm được phương pháp điều trị hiệu quả, khi đến khám, bạn cần thực hiện các bước sau:
- Thu thập thông tin cần thiết: ví dụ như dị vật trong tai bạn là gì, thời gian dị vật nằm trong tai là bao lâu, có những triệu chứng nào xuất hiện.
- Đối với trẻ em, bạn cần chú ý hoặc hỏi trẻ đã chơi, cầm, nắm những gì.
- Bạn đã thực hiện những gì hoặc dùng những hành động nào đối với lỗ tai khi phát hiện có dị vật bên trong, kết quả dẫn đến thế nào.
Sau khi nắm được thông tin từ bạn cung cấp và kiểm tra bằng những phương pháp soi tai cơ bản, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán và thực hiện một số các phương pháp để lấy dị vật ra ngoài, cũng như điều trị vết thương.
Phương pháp điều trị dị vật trong tai hiệu quả
Điều trị tại nhà:
Dị vật có thể được xử lý tại nhà nếu nó không gây nguy hiểm và không có dấu hiệu bất thường. Phương pháp bạn có thể thực hiện là lắc tai cho dị vật rơi ra: nghiêng đầu sao cho phái tai có dị vật hướng xuống đất, nắm lấy thành tai kéo ra để khiến lỗ tai mở rộng hơn rồi lắc mạnh đẩy dị vật ra ngoài.
Lưu ý không đập, đánh vào đầu vì có thể gây thêm tổn thương.
Điều trị tại bệnh viện:
Các phương pháp có thể đực bác sĩ áp dụng để lấy dị vật ra khỏi tai:
- Rửa ống tai: Dùng ống bơm nước ấm vào thành trên ống tai, tia nước sẽ đi theo thành trên ống tai ra phía sau dị vật và đẩy dị vật từ trong ống tai ra ngoài. Việc này không nên thực hiện tại nhà vì nếu không có phương pháp sẽ khiến dị vật trôi vào sâu bên trong hơn.
- Dùng nhíp (kẹp forcep) gắp dị vật: Dùng phễu soi tai để soi sáng và thăm dò ống tai, sau đó dùng nhíp chuyên dụng gắp dị vật ra ngoài mà không gây tổn thương đến cấu trúc nhạy cảm của lỗ tai. nếu dị vật bằng kim loại, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ có từ tính để hít dị vật ra dễ dàng hơn.
- Dùng giác hút: Đây là một ống nhỏ được đặt vào gần dị vật, sau đó dùng lực hút mạnh của nó để hút dị vật ra ngoài. Phương pháp này dùng khi dị vật là vật cứng, có dạng hạt như khuy áo, hạt trang sức, vật hữu cơ hay côn trùng.
- Dùng thuốc an thần: Dùng kết hợp với các phương pháp trên khi đối tượng là trẻ nhỏ hoặc trẻ vừa mới biết đi vì trẻ thường quấy khóc, không giữ yên tư thế. Nếu trẻ nhỏ là người mắc dị vật, bạn cần cho trẻ nhịn ăn trong vòng 8 tiếng trước khi đến gặp bác sĩ. Ngoài ra, bạn cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh gây biến chứng cho trẻ.
- Dùng kháng sinh: Nếu bị thủng màng nhĩ do dị vật tấn công, bác sĩ sẽ khuyên bạn dùng kháng sinh để ngăn chặn nhiễm trùng. bạn cũng cần phải giữ tai sạch và khô ráo trong quá trình điều trị. màng nhĩ có thể tự chữa lành sau hai tháng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của dị vật trong tai
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Không nên để trẻ dùng ngón tay thọc, ngoáy vào tai vì có thể làm tổn thương tai.
- Không để các vật dụng nhỏ, hạt đậu gần vị trí của trẻ.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Tránh đi bơi hoặc để tai ngâm nước 7 – 10 ngày, bịt tai bằng dầu khoáng hoặc bông gòn khi tắm.
- Thường xuyên tái khám đến khi tai lành hẳn.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.