Mục lục
Giãn phế quản là gi?
Bệnh giãn phế quản là một tình trạng gây ho và có đờm ở phổi. Tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự giãn nở bất thường ở các đường thở phế quản (phổi). Thường thì chỉ một bên phổi bị ảnh hưởng, tuy nhiên ở vài trường hợp bệnh nặng thì tình trạng giãn nở đường thở xảy ra ở cả hai phổi.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của giãn phế quản
Ho có đờm là dấu hiệu điển hình nhất của giãn phế quản. Những cơn ho sẽ nghiêm trọng hơn bình thường và bệnh nhân sec kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi
Triệu chứng thường gặp nhất của giãn phế quản là ho có đờm. Cơn ho có thể nghiêm trọng hơn và bệnh nhân có thể bị sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi trộm, mệt mỏi, đờm biến đổi về màu và số lượng, đây được gọi là đợt kịch phát của bệnh giãn phế quản. Bên cạnh đó là những triệu chứng khác bao gồm.
- Thở gấp, hụt hơi hoặc khó thở.
- Sụt cân không chủ ý.
- Ho ra máu.
- Tức ngực hoặc đau thắt ngực.
Các triệu chứng này thường phát triển trong nhiều năm và theo thời gian nếu không được chữa trị thì tình trạng bệnh sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Biến chứng có thể gặp khi mắc phải giãn phế quản
Nếu không được chữa trị sớm, giãn phế quản có thể gây ra các biến chứng sau đây:
- Viêm phổi thùy, phế quản phế viêm, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi.
- Lao phổi, áp xe não, bệnh xương khớp phì đại do phổi.
- Ho ra máu thường gặp; có thể đờm dính máu hay ho ra máu toàn số lượng nhiều.
- Suy hô hấp, suy tim phải, thoái hoá dạng tinh bột ở gan thận .
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra giãn phế quản
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh giãn phế quản, tuy nhiên có 4 nguyên nhân chính bao gồm:
- Do bị các bệnh di truyền như rối loạn vận động lông chuyển nguyên phát và xơ nang.
- Gặp các vấn đề về miễn dịch trong quá khứ.
- Từng có tiền sử nhiễm trùng phổi trước đây.
- Việc hít phải hoặc làm thức ăn, chất lỏng rơi vào phổi cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giãn phế quản.
Trong trường hợp những nguyên nhân dẫn đến giãn phế quản không được xác định (khoảng 40%) thì được gọi là tình trạng giãn phế quản nguyên phát.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ giãn phế quản?
Những đối tượng sau đây sẽ co nguy cơ cao mắc bệnh giãn phế quản bao gồm:
- Những bệnh nhân bị viêm phế quản hoặc viêm phổi từ nhỏ.
- Những bệnh nhân mắc bệnh về đường hô hấp trong nhiều năm hoặc bị các chứng về xoang.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán giãn phế quản
Bác sĩ có thể sử dụng một số phương pháp để xác định bệnh và tìm ra nguyên nhân gây giãn phế quản. Các phương pháp bao gồm:
- Chụp X-quang phổi
- Chụp phế quản cản quang
- Soi phế quản
- Chụp cắt lớp vi tinh
- Các xét nghiệm khác:
- Các xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn, nấm, tìm trực khuẩn kháng cồn, kháng toan (AFB).
- Khám tai mũi họng.
- Làm điện tâm đồ để phát hiện sớm tâm phế mạn.
Phương pháp điều trị bệnh giãn phế quản hiệu quả
Điều trị nội khoa: Dẫn lưu đờm mủ phế quản: hướng dẫn bệnh nhân cách ho khạc đờm và vỗ rung lồng ngực kết hợp với dẫn lưu theo tư thế.
Điều trị bội nhiễm phế quản:
- Lựa chọn kháng sinh ban đầu, dùng đường uống hay đường tiêm tuỳ theo mức độ nhiễm trùng.
- Thay đổi kháng sinh dựa theo đáp ứng lâm sàng và kết quả kháng sinh đồ nếu có.
- Thời gian dùng kháng sinh: tuỳ theo từng trường hợp. Thời gian dùng kháng sinh thông thường là 1-2 tuần. Những trường hợp giãn phế quản nặng, vi khuẩn kháng thuốc, thường cần dùng kháng sinh dài ngày hơn, hoặc bội nhiễm do trực khuẩn mủ xanh, hoặc tụ cầu vàng: thời gian dùng kháng sinh có thể tới 3 tuần.
- Nếu có hội chứng xoang phế quản (GPQ và viêm đa xoang mạn tính): Cho bệnh nhân uống erythromycin 10 mg/kg/ngày, chia 2 lần, kéo dài từ 6 – 24 tháng.
- Không dùng đồng thời với theophylin hoặc các thuốc cùng nhóm xanthin do nguy cơ gây rối loạn nhịp tim: xoắn đỉnh.
Điều trị triệu chứng:
- Thuốc giãn phế quản khi nghe phổi có ran rít, ran ngáy.
- Thở oxy trong đợt cấp khi có thiếu oxy máu.
- Uống đủ nước, truyền dịch để làm loãng đờm.
Điều trị ho máu: Tùy vào mức độ năng nhẹ của triệu chứng mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị riêng cho từng trường hợp.
Điều trị ngoại khoa: Cắt thùy phổi hoặc cắt 1 bên phổi.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả
Các phương pháp phòng ngừa bệnh giãn phế quản bao gồm:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh môi trường có nhiều bụi khói.
- Vệ sinh răng miệng, tai – mũi – họng.
- Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng, các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản cấp, áp xe phổi.
- Tiêm phòng cúm hàng năm để đề phòng những đợt bội nhiễm của giãn phế quản.
- Điều trị sớm lao sơ nhiễm ở trẻ em.
- Đề phòng và lấy sớm dị vật phế quản.
- Rèn luyện thân thể thường xuyên để tăng sức đề kháng của cơ thể. Giữ ấm cổ ngực, đề phòng các đợt bội nhiễm khi đã bị giãn phế quản.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.