Mục lục
Giãn tĩnh mạch thực quản là gì?
Giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng các tĩnh mạch ở thực quản bị giãn ra do lưu lượng máu đến gan bị chặn lại bởi cục máu đông hoặc sẹo trong mạch máu chính, buộc máu đi theo đường mạch máu khác như tĩnh mạch thực quản (vốn không được thiết kế để truyền một lượng máu lớn) để đến gan.
Giãn tĩnh mạch thực quản thường xảy ra ở những người có bệnh gan nghiêm trọng, gây các triệu chứng như nôn ra máu, choáng váng, mất ý thức,… Tình trạng này khi không được xử lý kịp thời có thể làm vỡ mạch máu, nơi phải tải một lượng máu lớn và gây đe dọa tính mạng. Bệnh có thể điều trị bằng thuốc và thắt lại mạch máu bằng thun chuyên dụng.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch thực quản
Giãn tĩnh mạch thực quản thường không gây ra triệu chứng, trừ khi mạch máu bị vỡ và gây chảy máu.
Khi bị chảy máu, bạn có thể sẽ kèm theo các triệu chứng:
- Nôn hoặc nôn ra máu;
- Phân đen;
- Xây xẩm, choáng và sốc nếu trong tình trạng nghiêm trọng;
- Mất ý thức (trong trường hợp nặng);
- Có thể đi kèm với các triệu chứng của bệnh gan như vàng da, vàng mắt, cổ trướng, dễ bị chảy máu.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh giãn tĩnh mạch thực quản
Khi các mạch máu nhỏ không đủ kích thước để truyền dẫn lượng máu lớn đến gan thì khả năng chúng bị rò rỉ và vỡ là rất cao. Nếu không đi kèm xơ gan, mức độ tử vong từ 5 – 10%. Nếu kèm theo xơ gan, tỷ lệ tử vong lên tới 40 – 70%.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có một trong các triệu chứng nếu trên, bạn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra trong thời gian sớm nhất. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến giãn tĩnh mạch thực quản
Tĩnh mạch cửa là đường truyền máu chính dẫn máu từ dạ dày và ruột về gan. Khi bị xơ gan hoặc có cục máu đông tại tĩnh mạch cửa, chúng sẽ ngăn cản dòng chảy của máu đến gan, làm máu bị ứ đọng và gây tăng áp tĩnh mạch cửa. Lúc này, máu buộc phải tìm kiếm một mạch máu khác để truyền máu về gan, chẳng hạn tĩnh mạch thực quản. Vốn dĩ tĩnh mạch thực quản có vách mỏng, không được thiết kế để truyền lượng máu lớn nên khi máu truyền qua sẽ làm tăng áp lực trong tĩnh mạch thực quản, gây phình mạch máu và có thể bị vỡ dẫn đến chảy máu.
Giãn tĩnh mạch thực quản thường là hệ quả của xơ gan; do cục máu đông hoặc do ký sinh trùng gây nên.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị giãn tĩnh mạch thực quản?
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch thực quản bao gồm:
- Xơ gan hoặc suy gan.
- Áp lực trong tĩnh mạch cửa tăng.
- Các tĩnh mạch lớn bị giãn.
- Uống rượu trong thời gian dài.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán giãn tĩnh mạch thực quản
Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng mà bạn gặp phải, khám lâm sàng và thực hiện thêm một số xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán.
Xét nghiệm dùng phổ biến nhất trong tình trạng này đó là nội soi thực quản. Dùng ống đưa vào thực quản để tìm kiếm tĩnh mạch bị giãn. Nếu tìm thấy được tĩnh mạch bị giãn, bác sĩ sẽ xác định kích thước tĩnh mạch và tìm dấu hiệu của vệt đỏ trên tĩnh mạch đó (dấu hiệu chỉ ra nguy cơ chảy máu). Trong khi nội soi, bác sĩ cũng có thể tiến hành điều trị.
Dùng chụp cắt lớp vi tính (CT scan) vùng bụng, siêu âm màu tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch lách có thể giúp phát hiện giãn tĩnh mạch thực quản.
Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thực quản hiệu quả
Phương pháp điều trị có thể bao gồm:
Sử dụng thuốc huyết áp để giảm áp lực trong tĩnh mạch.
Nếu tĩnh mạch thực quản có nguy cơ chảy máu, bác sĩ sẽ đề nghị thắt vòng thun để ngăn chảy máu. Nội soi và bọc tĩnh mạch bị giãn bằng thun chuyên dụng. Phương pháp này có thể gây sẹo ở thực quản.
Nếu tĩnh mạch bị rò rỉ và chảy máu thì phải ngăn chảy máu cấp bằng các phương pháp sau:
- Sử dụng thun thắt tĩnh mạch chảy máu.
- Sử dụng thuốc để làm chậm lưu lượng máu vào tĩnh mạch cửa.
- Chuyển lưu lượng máu từ tĩnh mạch cửa qua tĩnh mạch cảnh. Đây chỉ là phương pháp tạm thời, được dùng khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả.
- Truyền máu để cầm máu.
- Ngăn ngừa nhiễm trùng khi chảy máu bằng cách dùng kháng sinh.
- Ghép gan trong trường hợp bạn bị bệnh gan nặng hoặc bị chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản tái phát.
Tùy vào thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh giãn tĩnh mạch thực quản
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Tuyệt đối không nên sử dụng rượu hoặc các chất có cồn.
- Giảm lượng chất béo đưa vào cơ thể. Thay vào đó là dùng nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt
- Tập thể dục để lượng máu lưu thông ổn định và để duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
- Không nên sử dụng nhiều hóa chất trong sinh hoạt như thuốc xịt côn trùng, chất tẩy rửa,… vì những loại độc tố này khi hít vào gây hại cho gan.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.