Mục lục
Gút là gì?
Thứ tư ngày 11/04/2018
Tìm hiểu chung
Gút là gì?
Bệnh gút (bệnh gout) hay còn gọi là thống phong, là một loại viêm khớp, bệnh đang có dấu hiệu nhân rộng do những yếu tố về môi trường và thực phẩm gây ra. Bệnh gút gây đau nhức các khớp và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gút
Những dấu hiệu sau đây sẽ báo hiệu cho bạn về tình trạng bệnh gút sớm nhất để bạn có biện pháp ngăn chặn và chữa trị kịp thời.
- Các khớp có cảm giác nóng, đau, sưng tấy và có hiện tượng yếu dần đi, nhất là khớp chân. Cơn đau thường bắt đầu vào ban đêm, nhiều đến mức có khi chỉ một cử động nhẹ hoặc một vật gì đó chạm rất nhẹ cũng khiến đau đến không chịu nổi.
- Đau gút xuất hiện đột ngột, nhất là sau những buổi tiệc tùng, ăn uống. Chu kỳ của những cơn đau do gút sẽ kéo dài trong khoảng 2 – 7 ngày và giảm dần sau đó.
- Da ở các vùng bị gút thường rất đỏ, nhìn giống như bị nhiễm trùng và thường có dấu hiệu bong tróc, ngứa ngáy.
- Các cử động ở khớp bị gút bị hạn chế, không thể linh hoạt được.
- Trong giai đoạn cấp tính, bệnh nhân còn có thể bị sốt cao, có một vài dấu hiệu như cổ cứng, nôn. Các cơn đau sẽ lan rộng ra các khớp khác, hình thành cục tophi (xuất hiện các u cục tại vị trí các khớp), sưng túi dịch đệm ở đầu gối, khuỷu tay khiến sự vận động luôn bị cản trở, hạn chế.
- Ở giai đoạn muộn, gút sẽ tái phát ở nhiều vị trí cùng lúc có thể đối xứng hoặc bất đối xứng. Bệnh diễn ra liên miên không theo từng đợt, rất dễ bị nhầm với các loại viêm khớp khác nên rất khó để phòng ngừa và điều trị đúng cách.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các trường hợp trên chỉ là những dấu hiệu đã được biểu hiện ra bên ngoài hoặc do người bệnh tự cảm nhận thấy. Nếu muốn biết cơ thể có đang bị bệnh gút hay không, chúng ta nên đến các trung tâm y tế để được tiến hành các xét nghiệm. Nhất là khi cơ thể bắt đầu có những dấu hiệu đau nhức các khớp và khó khăn trong việc di chuyển.
Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến bệnh gút
Nguyên nhân phát bệnh là do lượng acid uric trong máu tăng cao. Đây là hậu quả của việc cơ thể tăng sinh tổng hợp lượng acid uric trong máu nhưng thận lại giảm bài tiết lượng chất này, khiến cho nó bị ứ lại một lượng lớn trong cơ thể và kết tinh thành tinh thể muối urat đọng lại trong các khớp gây bệnh gút.
Lượng acid uric ở người bình thường:
- Nam: 5 ± 1 mg/dl
- Nữ: 4,0 ± 1 mg/dl
Lượng acid uric ở người bị gút:
- Nam > 7,0 mg/dl (> 420 mmol/l)
- Nữ > 6 mg/dl (> 360 mmol/l)
Nguy cơ mắc phải
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút
Tác nhân xúc tiến lượng acid uric trong máu tăng cao là do cơ thể chúng ta nạp quá nhiều các loại thực phẩm như thịt đỏ, hải sản, gia cầm, nội tạng động vật, đậu đỗ, bia, cà phê, rượu, chè… Trong đó, rượu là loại thức uống làm giảm khả năng bài tiết acid uric ra khỏi cơ thể khiến lượng chất này ngày càn tích tụ nhiều trong người gây bệnh gút.
Ngoài ra, người có tiền sử gia đình bị bệnh gút, béo phì, dùng thuốc lợi tiểu, aspirin, cyclosporrin cũng có khả năng mắc bệnh cao hơn những người khác.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh gút
Nguyên nhân dẫn đến bệnh gút xuất phát từ việc các tinh thể muối urat bị lắng đọng ở các khớp, nên khi làm siêu âm khớp, thận, và đối chiếu với X-quang mà thấy có hiện tượng xuất hiện của tinh thể urat thì có thể kết luận là đã mắc bệnh.
Phương pháp điều trị bệnh gút hiệu quả
Nếu có kết luận cơ thể đã bị gút, người bệnh cần hiểu rõ đây là loại bệnh rất khó điều trị dứt điểm. Chúng ta chỉ có thể hòa hoãn vối căn bệnh bằng cách thay đổi lỗi sống.
Các loại thuốc dùng trong hỗ trợ điều trị bệnh gút:
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Dùng để giảm đau, kháng viêm trong các cơn gout cấp tính.
- Kháng viêm steroid: Hãy cẩn thận với các thuốc này và tham vấn ý kiến bác sĩ về cách dùng và thời gian dùng. Điều trị kéo dài có thể gây các biến chứng như viêm loét và xuất huyết dạ dày – tá tràng.
- Dùng colchicin hoặc tiêm cortisone thẳng vào khớp, đồng thời dùng các biện pháp điều trị ngăn ngừa nhằm hạ lượng acid uric trong máu với cơn gút cấp tính.
Theo một nguồn tin cho biết, nếu phát hiện bệnh sớm, lượng tinh thể muối urat lắng đọng trong các khớp còn ít thì việc làm tan các tinh thể muối này sẽ dễ dàng hơn những người bị gút mãn tính. Nếu có thể phục hồi các rối loạn chuyển hóa, đồng thời làm sạch hết tinh thể muối urat thì cũng có thể xem là hết bệnh gút. Tuy nhiên, điều trị gút là một quá trình lâu dài và cần nhiều thời gian để phục hồi, nên dù có điều trị khỏi hẳn hay không, người bệnh gút cũng cần nên tuân thủ các chế độ sinh hoạt khoa học, ăn uống lành mạnh và bổ sung thêm các dưỡng chất có khả năng ngăn cản các tinh thể muối urat lắng đọng nhiều hơn, hoặc cản trở sự phát triển của bệnh ra các khớp khác.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh gút
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Tập luyện thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe. Trong thời kỳ bệnh tái phát thì bạn nên nghỉ tập.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Chế độ dinh dưỡng:
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gút:
- Người bệnh nên dùng các loại thực phẩm:
- Uống đủ nước: 2-2,5 lít/ ngày, nên uống nước khoáng, nước rau.
- Sử dụng thức ăn như ngũ cốc, các loại hạt, bơ, mỡ, đường, trứng, sữa, phomat, rau quả.
- Sữa, oliu, trái anh đào, rau xanh, quả chín, ngũ cốc (gạo, ngô, khoai…) có thể sử dụng với tỉ lệ nhiều hơn bình thường một chút.
- Duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý, nếu người thừa cân và béo phì không nên giảm cân quá nhanh mà nên giảm cân từ từ.
- Tăng cường đào thải acid uric qua thận bằng uống nhiều nước, không ăn thức ăn có vị chua (quả chua, dưa chua, cà muối…).
- Sử dụng các loại dược phẩm có thành phần chứ các chất làm tan lượng tinh thể muối urat.
- Người bệnh nên kiêng:
- Hạn chế thức ăn chứa nhiều acid uric như: thịt, cá, hải sản, gia cầm, óc, gan, bầu dục, đậu đỗ.
- Tuyệt đối không uống rượu, bia, cà phê, chè vì nó làm giảm khả năng bài tiết acid uric qua thận hậu quả là làm tăng lactat máu.
- Không ăn uống thực phẩm (rau quả) có vị chua vì làm tăng acid máu.
- Không ăn phủ tạng động vật, nước luộc thịt, nước sườn, cá hộp, thịt hộp.
- Không ăn chế phẩm có cacao, chocolate.
- Giảm lượng đạm trong khẩu phần: tổng lượng thịt hoặc cá… (đạm động vật, đậu đỗ khoảng 150 g/ngày.
Thực đơn mẫu cho bệnh nhân bị gút cấp tính:
Tổng năng lượng đưa vào: 1.600 kcal/ngày, cho người nặng 50 kg.
Đạm (protein): 10% tổng năng lượng = 40 g = 160 kcal.
Đường bột: 75% tổng năng lượng = 300 g = 1.200 kcal.
Chất béo: 15% tổng năng lượng = 27g = 240 kcal.
Rau quả ăn tùy ý (nhưng không ăn loại rau quả có vị chua – như cà muối).
Đối với bệnh nhân gút mạn tính:
Có thể áp dụng chế độ ăn thông thường nhưng cần lựa chọn thức ăn: hạn chế thức ăn nhiều purin, protein không quá 1 g/kg cân nặng. Như vậy, đạm động vật và đậu đỗ không nên quá 100 g/ngày. Đồng thời kết hợp uống các loại thực phẩm bổ sung để điều hòa bệnh trong cơ thể và ngăn chặn sự tích tụ nhiều hơn tinh thể muối urat.
Có những người sau khi điều trị tưởng rằng đã hết nên quay lại lối sống bình thường và không có những đề phòng về bệnh gút. Tuy nhiên, bệnh gút thường có những cơn đau tái phát sau khoảng vài năm, tùy vào lối sống và thể trạng từng người, nhưng thường là từ 1 – 3 năm bệnh có khả năng quay lại. Vì vậy, những người bị gút và có tiền sử bị gút đều phải thận trọng trong việc chọn lọc thức ăn và nên uống thực phẩm chức năng để được hỗ trợ phòng bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.