Mục lục
Hẹp môn vị phì đại là bệnh gì?
Môn vị thực chất là một lớp cơ vòng, nơi nhận thức ăn từ dạ dày và chuyển lượng thức ăn đó xuống ruột non khi đã sẵn sàng. Nói một cách khác, môn vị là phần giao nhau giữa dạ dày và phần đầu ruột non.
Hẹp môn vị phì đại là tình trạng môn vị bị tổn thương, thành môn vị dày lên khiến phần không gian trong môn vị bị thu hẹp, làm cho thức ăn khó di chuyển từ dạ dày xuống ruột non. Bệnh có triệu chứng nôn ói, táo bón, tiểu ít, thường gặp ở trẻ em sơ sinh từ 3 tuần đến 6 tháng tuổi. Bệnh có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật mở môn vị.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp môn vị phì đại
Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Nôn ói;
- Táo bón;
- Nước tiểu vàng đậm;
- Mất nước có thể đi kèm với các dấu hiệu mắt trũng, da nhăn nheo, lờ đờ, niêm mạc khô, má hóp;
- Sụt cân do thiếu nước và thiếu dinh dưỡng;
- Bụng mềm, xẹp;
- Khi rờ khu vực gần rốn có thể phát hiện cục u ôn vị.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi mất nước và không được tiếp nước kịp thời có thể dẫn đến mất các chất điện giải và khoáng chất trong cơ thể; đồng thời gây sụt cân nhanh chóng dẫn đến kiệt sức và rất khó để phục hồi trở lại. Vì vậy, khi bạn phát hiện cơ thể xuất hiện các triệu chứng trên hay; đặc biệt khi nó xảy ra với con bạn, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến hẹp môn vị phì đại
Các nguyên nhân gây hẹp môn vị phì đại cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ nhưng những yếu tố di truyền đóng vai trò rất lớn.
- Khi cha mắc bệnh thì nguy cơ đối với con trai là 5,5% và con gái là 2,4%.
- Khi mẹ mắc bệnh thì nguy cơ đối với con trai là 19% và con gái là 7%.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải hẹp môn vị phì đại?
Trẻ sơ sinh từ 3 tuần đến 6 tháng tuổi có khả năng mắc bệnh cao nhất. Tuy nhiên bệnh cũng có thể gặp ở người trưởng thành.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp môn vị phì đại, bao gồm:
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc phải cao hơn nữ.
- Lịch sử gia đình: 1/10 trẻ em bị hẹp môn vị khi có người trong gia đình từng mắc phải.
- Sử dụng thuốc kháng sinh trong tuần đầu tiên sau khi sinh ra hay có mẹ trong thời kì mang thai dùng thuốc kháng sinh.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh hẹp môn vị phì đại
Bác sĩ sẽ xem xét triệu chứng, khám lâm sàng để kiểm tra có cục u ở khu vực quanh rốn hay không và kết hợp với một số xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán. Các xét nghiệm bao gồm:
- Siêu âm: Cho phép nhận dạng và đo được đường kính của u cơ môn vị.
- Chụp X-quang nuốt barium: Giúp chẩn đoán hẹp môn vị và xác định vị trí tâm vị; chẩn đoán được các trường hợp lạc chỗ tâm vị, phình dạ dày hoặc thoát vị kẽ kèm theo.
Ngoài ra cần phải chẩn đoán phân biệt với các bệnh có triệu chứng tương tự như:
- Các loại tắc ruột.
- Trào ngược dạ dày – thực quản.
- Co thắt môn vị.
- Nôn có nguồn gốc bệnh não; thức ăn hoặc nhiễm trùng.
Phương pháp điều trị bệnh hẹp môn vị phì đại hiệu quả
Bệnh chủ yếu là điều trị ngoại khoa, cho đến nay thì phương pháp phẫu thuật mở môn vị chính là lựa chọn hàng đầu để điều trị bệnh.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ điều trị nội khoa cho trẻ trước như truyền dịch bổ sung nước và chất điện giải, dùng kháng sinh chống bội nhiễm, truyền máu hoặc truyền đạm để chuẩn bị tốt cho phẫu thuật.
Phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng là thủ thuật mở môn vị ngoài niêm mạc. Đây là thủ thuật đơn giản, nhanh chóng, thực hiện bằng một đường mổ nhỏ ở dưới bờ sườn phải, đường giữa hoặc đường vòng quanh rốn.
Phương pháp này thường đem lại hiệu quả rất tốt và không tái phát bệnh.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh hẹp môn vị phì đại
Sau khi mổ khoảng 6 tiếng, đặc biệt trẻ nhỏ có thể hoạt động lại bình thường. Phụ huynh nên lưu ý một số vấn đề trong việc chăm sóc trẻ sau mổ:
Cho trẻ uống nước bình thường, nếu còn nôn ói thì tạm hoãn việc uống.
3 – 4 thìa dung dịch glucose 10% (2 giờ/1 lần).
Sau 24 giờ cho uống sữa mẹ pha loãng với 5 – 6 thìa nước mỗi 2 giờ.
Ngày thứ ba cho bú sữa mẹ số lượng ít khoảng 3 giờ/1lần.
Ngày thứ tư cho bú mẹ như bình thường.
Trường hợp trẻ nôn ít vẫn tiếp tục duy trì chế độ như trên.
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Những phương pháp phòng bệnh hiệu quả
- Trong thời gian mang thai, người mẹ không nên tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc kháng sinh để tánh gây biến chứng lên thai nhi.
- Hãy chú ý đến biểu hiện của trẻ, nếu có bất kì dấu hiệu nào kể trên hoặc thấy trẻ nôn vọt nhiều lần thì phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.