Mục lục
Herpes sinh dục là gì?
Tìm hiểu chung
Herpes sinh dục là gì?
Herpes sinh dục hay còn gọi là mụn rộp sinh dục là dạng bệnh xã hội lây nhiễm qua đường sinh dục ảnh hưởng đến cả hai giới. Bệnh khiến bệnh nhân ngứa, khó chịu ở vùng cơ quan sinh dục và những vị trí như quanh môi, lỗ mũi, má… do mụn rộp.
Bệnh có nguy cơ tái phát cao ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Vì thế cần phòng tránh lây nhiễm cho bản thân và cả đối phương.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị Herpes sinh dục
Qua các trường hợp thăm khám, hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng đặc biệt. Tuy nhiên có thể phát hiện bệnh dựa vào một số biểu hiện như:
- Sau 4 – 7 ngày tiếp xúc với nguồn lây nhiễm có xuất hiện những vết loét sinh dục sần, viêm và mụn mủ trên bề mặt ngoài của bộ phận sinh dục.
- Triệu chứng ở nam giới: Có các tổn thương ở trên quy đầu dương vật, thân dương vật hoặc các phần khác của bộ phận sinh dục như dương vật, bìu, mông, hậu môn hay đùi hoặc bên trong niệu đạo, các kênh bên trong dương vật dẫn đến bàng quang.
- Triệu chứng ở nữ giới: Bướu nhỏ màu đỏ, mụn nước hoặc lở loét xuất hiện trên hoặc gần xương mu, ở môi nhỏ, âm vật, âm hộ, mông hay hậu môn.
- Một số những triệu chứng khác: Đau, ngứa, rát, và nóng như bị đốt ở vùng sinh dục, tiểu khó.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các biểu hiện viêm nhiễm Herpes sinh dục sau khi quan hệ như: đau, sưng tấy và ngứa ở bộ phận sinh dục… thì nên đến ngay cơ sở chuyên khoa để được xét nghiệm và tìm ra nguyên nhân. Bệnh có nguy cơ tái phát cao nên cần được theo dõi, điều trị sớm và quan sát lâu dài.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến Herpes sinh dục
Virus HSV (Herpes simplex) lây truyền khi bạn quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh. Vì thế quan hệ tình dục không an toàn với đối tác mang bệnh là con đường lây nhiễm chủ yếu nhất (kể cả qua đường âm đạo, hậu môn hay miệng).
Virus gây bệnh mụn rộp sinh dục có trong dịch nhầy, mủ, máu của người bệnh nên virus sẽ được lây lan nếu có sự tiếp xúc trực tiếp giữa vết thương của người lành và vết thương hở của người bệnh.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị Herpes sinh dục?
Bệnh lý có thể xảy ra với bất kỳ ai, vì thế cần lưu ý quan hệ tình dục lành mạnh để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc bệnh như:
- Quan hệ không an toàn với người mang virus HSV.
- Người có hệ thống miễn dịch yếu.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm Herpes sinh dục
Để chẩn đoán bệnh bác sĩ chủ yếu dựa vào lâm sàng và tiến hành nhiều xét nghiệm khác nhau.
Cách chính xác nhất đó là lấy mẫu vết thương và quan sát sự phát triển của virus trong một dung dịch đặc biệt. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì có thể xác định bệnh. Nhưng với kết quả âm tính thì vẫn không loại trừ khả năng nhiễm Herpes.
Nhiều trường hợp bệnh nhân cần phải thử máu thêm để kiểm tra kháng thể mà cơ thể tạo ra để chống lại virus, xem cơ thể có bị nhiễm mới hoặc tái phát lại bệnh không.
Phương pháp điều trị Herpes sinh dục hiệu quả
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị hoàn toàn bệnh lý, đồng thời bệnh có nguy cơ tái phát cao, nên mục đích điều trị của bệnh Herpes sinh dục là kéo dài thời gian tái phát và hạn chế sự lan tỏa của bệnh.
Bệnh nhân có thể được bác sĩ kê đơn dùng thuốc ức chế virus như Acyclovir (Zovirax), Famciclorvir (Famvir) và Valacyclovir (Valtrex) giúp vết loét lành nhanh chóng hơn cũng như hạn chế tái phát. Ngoài ra các thuốc này còn có thể phòng ngừa vào đợt tiếp theo.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Herpes sinh dục
Với bệnh nhân đang mắc Herpes sinh dục cần lưu ý:
- Giảm căng thẳng, lo âu.
- Tăng cường dinh dưỡng.
- Tránh các loại thức ăn có nồng độ arginine cao (arginine là 1 loại amino acid cần thiết cho chu kỳ tái sinh của virus herpes) như: Dừa, đậu nành, đậu phộng, cà-rốt…
- Tránh quan hệ tình dục cho đến khi vết loét lành hẳn.
- Giữ vết loét sạch sẽ, khô ráo.
- Tránh đụng chạm đến vết loét, và rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc, vệ sinh vết loét.
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Có một chế độ sống lành mạnh sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh:
- Nên quan hệ tình dục chung thủy với một bạn tình an toàn. Cần có biện pháp phòng tránh khi quan hệ.
- Không dùng chung kim tiêm hay các vật dụng có chứa máu, dịch nhầy, mủ.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân, đặc biệt là các đồ dùng tiếp xúc trực tiếp với thân thể.
- Vệ sinh bồn tắm, bồn cầu… trước khi sử dụng ở nơi công cộng hay khi vực dùng chung.
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Đi khám phụ khoa định kỳ để được phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn, phòng tránh cho cả bản thân và phối ngẫu.
- Nếu bạn tình có các biểu hiện của bệnh mụn rộp sinh dục hãy đề nghị họ đi khám.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.