Mục lục
Hội chứng thận hư là gì?
Thận khỏe mạnh sẽ lọc và loại bỏ các chất độc cơ thể theo nước tiểu ra ngoài, mỗi quả thận có đến một triệu bộ lọc để làm sạch máu đi nuôi cơ thể. Quả thận khỏe mạnh sẽ lọc và giữ lại protein cần thiết để chữa lành và phát triển tế bào.
Tình trạng thận bài tiết quá nhiều protein cùng với nước tiểu ra ngoài cơ thể gọi là hội chứng thận hư. Hội chứng này có thể gây phù ở bàn chân hoặc mắt cá chân, dẫn đến nhiều bệnh lý khác.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng thận hư
Hội chứng thận hư thường không có biểu hiện đau nhưng có sự tích nước diễn ra trong người gây ra nhiều áp lực, căng thẳng và cực kỳ khó chịu. Ban đầu vùng quanh mắt và mắt cá chân sẽ sưng lên, sau đó đến da sưng căng ra, bụng trướng to. Vì tích nước nên nước tiểu ít đi đồng thời nước tiểu có bọt khí lạ.
Ngoài ra còn có các dấu hiệu triệu chứng khác như: suy nhược cơ thể, biếng ăn, cảm giác như đang bệnh, lượng cholesterol trong máu cao hơn bình thường.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu phát hiện các dấu hiệu, triệu chứng trên xảy ra hãy đến ngay bệnh viện để kiểm tra, thăm khám; tuyệt đối không thờ ơ với bất kì sự khác thường nào của cơ thể vì như thế bệnh sẽ nặng hơn và có thể không chữa trị kịp thời.
Cơ địa và tình trạng bệnh của mỗi người là khác nhau, lắng nghe những hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ là cách tốt nhất để điều trị bệnh nhanh chóng nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng thận hư
Các tổn thương của tiểu cầu của thận là nguyên nhân chính gây ra hội chứng thận hư. Các tiểu cầu này có chức năng lọc máu khi máu đi qua thận, lọc và giữ lại các protein trong máu để đưa đi nuôi cơ thể. Do các tổn thương xảy ra nên các tiểu cầu này không thể giữ protein và lọc luôn ra ngoài theo cùng với nước tiểu.
Các bệnh lý khác về thận cũng có thể trở thành nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư, phổ biến nhất là bệnh viêm cầu thận, tiểu đường.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc hội chứng thận hư?
Bất kỳ lứa tuổi hay giới tính nào cũng có thể mắc hội chứng thận hư. Tuy nhiên bệnh này có tỉ lệ trẻ em mắc phải là cao nhất.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng thận hư, bao gồm:
- Mắc một số bệnh nhiễm trùng như: viêm gan B, viêm gan C, sốt rét hoặc HIV.
- Sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng viêm không steroid.
- Mắc các bệnh lý về thận: tiểu đường, bệnh cầu thận, lupus, thoái hóa dạng bột.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng thận hư
Bác sĩ chẩn đoán hội chứng thận hư bằng cách:
- Xét nghiệm nước tiểu: Để biết mức độ protein cao như thế nào.
- Xét nghiệm máu: Để đánh giá hoạt động, chức năng của thận.
- Khám lâm sàng: Xem xét các triệu chứng như sưng chân, mắt cá chân, hay sưng vùng quanh mắt, vùng mặt.
- Trong trường hợp chưa rõ nguyên nhân, các bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết thận bằng cách lấy mảnh nhỏ của mô thận đem nghiên cứu ở phòng thí nghiệm.
Phương pháp điều trị hội chứng thận hư hiệu quả
Quá trình điều trị bắt đầu hiệu quả sau khi điều trị bằng các loại thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống. Các bác sĩ có thể dùng các loại thuốc sau đây:
- Thuốc lợi tiểu để giảm bớt sưng phù ở chân, và thuốc này phải uống liên tục từ 3 tháng trở lên.
- Thuốc ức chế miễn dịch như cyclophosphamide và prednisone để hỗ trợ điều trị viêm thận.
- Thuốc chống đông tụ để ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông ở chân hoặc mắt cá chân.
- Thuốc hạ lượng cholesterol máu để giảm bớt các nguy cơ gây ra các bệnh lý khác.
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE) để giảm sự đào thải protein ra khỏi cơ thể.
Tùy cơ địa và tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ có sự điều chỉnh về thuốc và liều lượng thuốc.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng thận hư
- Tích cực vận động chân tay để cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa đông tụ máu ở chân.
- Chế độ ăn uống lành mạnh với ít chất béo, đường và muối.
- Không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc về uống mà không hỏi qua bác sĩ.
- Uống thuốc đúng liều , đúng giờ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.