Mục lục
Lão thị là gì?
Tìm hiểu chung
Lão thị là gì?
Lão thị là một tật khúc xạ của mắt thường gặp ở người lớn tuổi. Đây là tình trạng mắt không thể nhìn rõ được các vật ở cự li gần, gây cảm giác khó chịu cho người bệnh, nhất là khi đọc sách hay làm việc. Lão thị là sản phẩm của quá trình lão hóa tạo ra. Người bệnh có thể dùng kính để thích ứng với chứng này hoặc có thể nghĩ đến phương pháp phẫu thuật để chữa lành hẳn.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của lão thị
- Khó nhìn vật ở cự li gần, phải đưa vật ra xa mới có thể nhìn thấy;
- Đau đầu;
- Nhức mỏi mắt sau khi đọc sách hoặc làm việc.
Chứng lão thị thường khó nhận thấy ở người bị cận thị trước đó vì người cận thị chỉ nhìn thấy được vật ở gần mà không thấy được vật ở xa. Khi bị lão thị, người cận thị chỉ cần bỏ kính ra là có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, thời gian sau đó, người bị cận thị vẫn phải dùng kính để nhìn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Lão thị không gây nguy hiểm cho người bệnh. Nó chỉ tạo cảm giác khó chịu và thường khiến người bệnh cảm thấy nhức đầu khi phải tập trung nhìn vào vật nào đó. Vì thế, để có thể nhìn được bình thường, người bệnh nên đến các cơ sở chuyên khoa mắt để bác sĩ khám và tư vấn về phương pháp điều trị lão thị thích hợp.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến lão thị
Ở mắt bình thường, xung quanh thủy tinh thể có một cơ vòng, giúp thủy tinh thể co giãn linh hoạt để điều chỉnh tầm nhìn của mắt, khiến mắt có thể nhìn thấy rõ ràng. Khi mắt nhìn vật ở xa, cơ vòng sẽ làm thủy tinh thể giãn ra và ngược lại, khi mắt nhìn vật ở gần, cơ vòng sẽ làm thủy tinh thể co lại. Tuy nhiên, khi cơ thể bước vào giai đoạn lão hóa, thủy tinh thể sẽ dày và cứng lên, khiến cơ vòng rất khó để thay đổi độ cong của nó, dẫn đến tình trạng lão thị do hình ảnh thu nhập được bị rơi vào phía sau võng mạc thay vì rơi đúng ở đó.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị lão thị?
Những ai từ độ tuổi 40 trở đi đều có khả năng bị lão thị. Bệnh phát triển rõ nhất vào giai đoạn từ 45 đến 65 tuổi. Tùy vào độ tuổi và độ dày của thủy tinh thể mà mỗi người sẽ có khả năng mắc bệnh nặng nhẹ khác nhau. Nhưng hầu hết ai cũng chịu ảnh hưởng của lão thị ở một mức độ nào đó.
Ngoài vấn đề tuổi tác, một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến lão thị là:
- Thuốc: Một số loại thuốc có khả năng ảnh hưởng đến thị lực bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin, thuốc lợi tiểu.
- Người uống nhiều bia rượu.
- Bệnh: Người mắc bệnh tiểu đường, đa xơ cứng, tim mạch, đau mắt.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lão thị
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp:
- Thực hiện kiểm tra thị lực để biết khả năng nhìn của mắt đối với các vật ở cự li gần.
- Nhỏ thuốc giãn đồng tử và thực hiện soi nhãn cầu giúp tìm ra những thay đổi ở phần thủy tinh thể cũng như chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác.
- Hỏi tiền sử bệnh lý của bệnh nhân và có thể tiến hành các xét nghiệm khác để biết căn nguyên gây lão thị.
Phương pháp điều trị lão thị hiệu quả
Mục tiêu của việc điều trị lão thị là giúp mắt cân bằng thị lực, có thể nhìn rõ các vật ở xa lẫn ở gần. Hiện nay có 3 phương pháp dùng trong việc điều chỉnh tầm nhìn của bệnh lão thị là dùng kính chỉnh thị lực, phẫu thuật chỉnh thị và cấy ghép thấu kính.
Dùng kính chỉnh thị:
Đây là phương pháp phổ biến nhất để điều chỉnh các tật khúc xạ của mắt. Đeo kính chỉnh thị sẽ tiện lợi hơn và an toàn khi sử dụng, không gây bất cứ khó khăn nào. Nếu trước khi bị lão thị, mắt bạn khỏe mạnh thì chỉ cần đo kính lão thị. Nếu đã mắt tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, bạn nên thông báo với bác sĩ để được kê loại kính phù hợp với mắt bạn.
Dùng kính áp tròng:
Phương pháp này giúp bạn không cần phải đeo kính vì kính sẽ được áp thẳng vào tròng mắt. Tuy nhiên dùng kính áp tròng gây phiền toái cho người lớn tuổi trong việc đưa kính vào mắt. Quan trọng hơn, với những người bị các bệnh về mắt như nhiễm trùng, có tiền sử chấn thương mắt, bệnh về mi mắt,… thì tuyệt đối không nên sử dụng.
Phẫu thuật chỉnh thị:
Là phương pháp làm thay đổi hình dạng của giác mạc hoặc giúp cải thiện tầm nhìn của mắt với những đối tượng ở gần. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, bạn vẫn có khả năng phải đeo kính khi đọc sách hoặc làm việc nếu trước đó bạn đã bị cận thị hoặc loạn thị. Không có một phương pháp phẫu thuật nào giúp một mắt của bạn hoàn thiện tầm nhìn cả ở gần hoặc ở xa.
Cấy ghép thấu kính:
Phương pháp này loại bỏ thấu kính trong mắt và thay bằng một thấu kính mới có khả năng nhìn rõ đồng thời vật ở gần và ở xa. Tuy nhiên, điểm yếu của loại hình này là có thể khiến bạn khó thích nghi với loại thấu kính mới, và có thể nhìn không được sắc nét, nhất là khi lái xe hay đi vào ban đêm.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của lão thị
- Nên bổ sung các loại vitamin tốt cho mắt như vitamin A có trong các loại rau củ quả có màu đỏ, omega 3 trong dầu cá, các loại đậu hoặc bạn có thể bổ dung bằng thực phẩm chức năng bổ mắt có thành phần tổng hợp các loại vi chất tốt cho mắt.
- Không nên nhìn máy tính, màn hình tivi nhiều có thể gây mỏi mắt.
- Đeo kính bảo hộ sau khi phẫu thuật mắt.
- Massage mắt, để mắt nghỉ ngơi nhiều.
- Khi có bất cứ biểu hiện bất thường nào xảy ra sau khi phẫu thuật mắt hoặc khi dùng kính áp tròng, bạn nên thông báo ngay với bác sĩ.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Bạn nên bảo vệ đôi mắt trước khi có dấu hiệu về lão thị bằng các phương pháp:
- Ăn nhiều rau củ bổ sung vitamin cho mắt.
- Khi có vấn đề về đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, bạn cần bổ sung các loại thực phẩm chức năng có thành phần chống oxy hóa nhằm hạn chế tiến triển của gốc tự do.
- Đeo kính và sử dụng nón khi ra trời nắng để tránh tia cực tím làm tổn thương mắt và đẩy nhanh quá trình oxy hóa.
- Kiểm soát các bệnh có khả năng ảnh hưởng đến mắt như tiểu đường, xơ cứng, cao huyết áp.
- Sử dụng loại ánh sáng tốt cho mắt, đặc biệt khi đọc sách và làm việc.
- Đi khám mắt định kì 6 tháng/1lần.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.