Mục lục
Liệt nửa người là gì?
Tìm hiểu chung
Liệt nửa người là gì?
Liệt nửa người là tình trạng bệnh nhân đột ngột bị mất vận động chủ động nửa bên cơ thể: tay chân cùng một bên, có thể kèm theo nửa mặt cùng bên do tổn thương vùng não khi bị đột quỵ. Người mắc phải có khả năng cử động nhẹ bên liệt hoặc hoàn toàn không thể cử động. Liệt nửa người thường là di chấn hoặc bị ảnh hưởng bởi các căn bệnh khác. Bệnh có thể gặp ở bất cứ ai và lứa tuổi nào. Khi phát hiện bệnh, bạn cần điều trị sớm để mau chóng phục hồi các chức năng và giảm thiểu nguy cơ bị liệt vĩnh viễn.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của liệt nửa người
Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân:
- Vụng về, khó đi lại;
- Mệt mỏi;
- Các cơ co cứng hoặc mềm nhão;
- Mí mắt rũ xuống, méo miệng;
- Nói khó, khó khăn khi nghe hiểu nghĩa từ;
- Bí tiểu;
- Mất cảm giác nửa bên người;
- Trí nhớ suy giảm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn gặp khó khăn khi vận động nửa bên cơ thể và có các biểu hiện nêu trên thì nên đến bệnh viện để khám và xét nghiệm sớm tránh các biến chứng không đáng có. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến liệt nửa người
Nguyên nhân có thể phục hồi hoàn toàn:
- Migraine.
- Hạ đường huyết.
- Máu tụ dưới màng cứng.
- Liệt Todd sau cơn động kinh.
- Viêm động mạch.
- Huyết khối đang hình thành.
- Dị dạng mạch máu não.
- Chấn động não.
- Xơ não tủy rải rác.
- Rối loạn phân ly…
Nguyên nhân có thể phục hồi còn để lại di chứng:
- Nhồi máu não cấp hoàn toàn.
- Ổ máu tụ nội sọ.
- U thần kinh đệm não hoặc cầu não.
- Bệnh hồng cầu lưỡi liềm.
- Lymphoma não.
- Các dị dạng đặc biệt của vỏ não.
- Bệnh Moyamoya…
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị liệt nửa người?
Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi và giới tính. Cần lưu ý các biểu hiện và sớm điều trị để không để bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Liệt nửa người thường là biểu hiện của một số căn bệnh. Vì vậy, người bệnh có nguy cơ mắc bệnh cao khi có tiền sử:
- Tai biến mạch máu não.
- Nhồi máu não.
- Xuất huyết trong não.
- Khối u não.
- Nhiễm trùng thần kinh trung ương.
- Áp-xe.
- Viêm não.
- Chấn thương sọ não.
- Máu tụ ngoài màng cứng.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán liệt nửa người
Chẩn đoán bệnh nhân thông qua thăm khám và quan sát triệu chứng. Ngoài ra bác sĩ cũng cần khám lâm sàng để xác định dạng yếu cơ hoặc liệt để tìm ra nơi tổn thương trong thần kinh.
Các xét nghiệm cần thiết:
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ.
- Xét nghiệm sinh hóa máu.
- Chụp CT, MRI sọ não.
- Điện não đồ.
- Chụp mạch máu não là các xét nghiệm chẩn đoán hữu ích nhất để xác định nguyên nhân.
Phương pháp điều trị liệt nửa người hiệu quả
Vì liệt phần lớn là biểu hiện bị tổn thương gây ra bởi nhiều căn bệnh khác nhau nên kèm theo liệt có thể là một số triệu chứng nguy hiểm khác. Điều trị liệt đầu tiên phải xác định đúng nguyên nhân và điều trị nguyên nhân bệnh cùng các triệu chứng liên quan.
Ngoài ra:
- Chăm sóc phần cơ thể bị liệt.
- Luôn đặt chi ở tư thế sinh lý.
- Xoa bóp, tập vận động sớm.
- Đề phòng bị loét, mục bằng cách thay đổi tư thế nằm liên tục (nằm đệm nước hoặc đệm không khí có ngăn).
- Đề phòng nhiễm khuẩn thứ phát (đường hô hấp, tiết niệu…).
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của liệt nửa người
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh có dấu hiệu tái phát.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Người bị liệt thường bị hạn chế các cử động vì thế rất khó khăn trong vấn đề sinh hoạt. Người nhà bệnh nhân có thể đồng hành hoặc tìm người giúp đỡ bệnh nhân trong vấn đề này.
- Người chăm sóc bệnh nhân có thể học các bài tập cho người bị liệt để hỗ trợ người bệnh trong việc vận động các khớp.
Chế độ dinh dưỡng:
- Năng lượng đạm nên chiếm 20-25% và tinh bột chiếm 50%.
- Cần cung cấp thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin C (trong cam, bưởi, dâu…), vitamin E (hạt dẻ, đậu phộng…).
- Nên dùng dạng thức ăn mềm, dễ tiêu: cháo, súp, sữa, nước hoa quả tươi.
- Tránh thức ăn to, cứng, nóng dẫn đến khó nuốt hoặc dễ bị hóc, sặc.
- Kiêng thức ăn chứa nhiều chất béo và chất kích thích, caffeine (rượu, bia, chè đặc, cà phê).
- Bệnh nhân hạn chế dùng muối khi đã ổn định (7 – 14 ngày sau tai biến).
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Kiểm soát nguyên nhân gây đột quỵ.
- Kiểm soát huyết áp, giữ ở mức không cao quá 140/90 mmHg.
- Không để cơ thể quá béo, tập thể dục đều đặn, ăn nhiều hoa quả, rau tươi.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.