Mục lục
Nghiến răng khi ngủ là gì?
Tìm hiểu chung
Nghiến răng khi ngủ là gì?
Nghiến răng (tên y học là bruxism) là tình trạng hai hàm răng cắn hoặc ghì chặt vào nhau tạo nên tiếng ken két. Đây là một hành động vô thức của cơ thể, ở một số người có thể diễn ra vào ban ngày, nhưng chủ yếu xuất hiện khi cơ thể đi vào giấc ngủ. Vì thế, với những người có tật nghiến răng thường ít khi tự nhận biết được mình có tật này.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của nghiến răng khi ngủ
Vì tật nghiến răng thường diễn ra vào ban đêm khi ngủ, nên có thể chúng ta không biết và cũng không thể nắm bắt các triệu chứng rõ ràng. Điều tốt nhất bạn có thể chính là sau khi thức dậy, tự kiểm tra một số dấu hiệu ở hàm răng hoặc đến khám nha khoa để bác sĩ có những chẩn đoán sớm về tình trạng răng của bạn. Một số dấu hiệu sau đây có thể làm căn cứ để xác định tình trạng nghiến răng:
- Chính bạn hoặc người thân nằm cạnh nghe được tiếng ken két ở răng khi ngủ;
- Cơ hàm, quai hàm bị đau âm ỉ, mỏi và có khi căng cứng. Đau nhất vào lúc nhai thức ăn;
- Đau ở vùng đầu, tai, thái dương (mặc dù các bộ phận này không liên quan trực tiếp đến hàm);
- Độ nhạy cảm của răng tăng cao, đặc biệt khi dùng đồ nóng, lạnh hoặc bị ê buốt khi chải răng;
- Có vết lõm trên lưỡi hoặc vết thương bên trong má (do nghiến răng cắn phải má);
- Bị mòn men răng hoặc răng có hiện tượng nứt vỡ, hoặc lung lay;
- Viêm nướu răng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nghiến răng trong vô thức, đặc biệt khi ngủ gần giống với hiện tượng ngáy và ngưng thở khi ngủ. Đây đều là các chứng rối loạn giấc ngủ.
Trong trường hợp nhẹ, nghiến răng không đem lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nên không cần điều trị. Nhưng bệnh này có thể tiến triển nặng hơn và thường xuyên hơn ở một số người gây các chứng bệnh liên quan đến răng, xương hàm, đau đầu và các vấn đề khác.
Cần tham khảo ngay ý kiến nha sĩ nếu hàm răng có những biểu hiện sau:
- Đau nhức âm ỉ vùng xương hàm, mặt và tai.
- Người thân nghe thấy tiếng ồn lúc bạn nghiến răng khi ngủ.
- Hàm bị nhức đến mức không thể mở to hoặc ngậm lại hoàn toàn.
- Răng nhạy cảm khi tiếp xúc với bàn chải, các đồ nóng/lạnh.
Nếu tình trạng này xuất hiện ở trẻ, cần đưa chúng đến bác sĩ nha khoa để được tư vấn và hạn chế các vấn đề gây tổn thương răng.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến nghiến răng khi ngủ
Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây nên tình trạng nghiến răng:
Nhóm thần kinh:
- Lo lắng, căng thẳng dẫn đến stress.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Thường xuyên đau đầu hoặc bị tổn thương não bộ.
- Người có tính khí hiếu động, hung hăng, phấn khích.
Nhóm thuộc về hình thể:
- Răng và xương hàm bị lệch dẫn đến răng hàm trên và răng hàm dưới không thể tương tác ăn ý với nhau.
- Mất răng nhưng không điều trị sớm khiến răng bị xô lệch.
- Rang hỗn hợp (có ở trẻ trong giai đoạn thay răng).
- Hệ thái dương hàm bị rối loạn dẫn đến co thắt cơ.
- Phì đại amidam.
- Thở miệng.
Nhóm thuộc về thuốc và các chất kích thích:
- Sử dụng chất kích thích như caffeine, thuốc lắc, thuốc lá,…
- Tác dụng phụ khi dùng các loại thuốc như thuốc an thần, thuốc chống suy nhược.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị nghiến răng khi ngủ?
Tật nghiến răng sẽ giảm dần khi tuổi tăng dần. Trẻ em là đối tượng có khả năng mắc bệnh nhiều nhất. Theo các thống kê về nguy cơ mắc bệnh ở các đối tượng:
- Trẻ em: 14 – 20%.
- Người từ 18 – 29 tuổi: 13%.
- Người từ 30 tuổi trở lên: 9%.
- Người trên 65 tuổi: 3%.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nghiến răng khi ngủ
Dựa vào các triệu chứng của bệnh nhân cộng với tình trạng hao mòn mặt nhai của răng và quai hàm của người bệnh, bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán về bệnh.
Phương pháp điều trị nghiến răng khi ngủ hiệu quả
Khi bệnh ở tình trạng nhẹ, chúng ta có thể áp dụng các phương pháp sau đây để điều trị bệnh tại nhà:
- Tập thư giãn cho hàm: Nghiến răng thường làm cho hàm căng cứng, thư giãn quai hàm và đặt lưỡi chính giữa hàm vào ban ngày là cách tập cho hàm không có thói quen siết lại với nhau.
- Giảm căng thẳng và tập ngủ sâu giấc: Khi có điều phiền muộn và căng thẳng, não không thể đi vào giấc ngủ sâu nên gây ra tình trạng nghiến răng. Cách tốt nhất là giữ cho tinh thần luôn sảng khoái, nhẹ nhàng bằng cách nghe nhạc, tắm với nước ấm, tập luyện thể dục nhẹ, mát xa vùng đầu và cổ trước khi ngủ để có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ sâu, giảm nguy cơ nghiến răng.
- Hạn chế sử dụng chất kích thích: Không nên dùng các chất và các loại thuốc chứa thành phần gây kích thích như trà, cà phê, thuốc lá, rượu bia sau bữa ăn tối.
- Cung cấp canxi và magie: Đây là hai thành phần tốt cho sự hoạt động của cơ và hệ thần kinh. Cung cấp đủ hai chất này vào khẩu phần ăn giúp giảm căn thẳng, mệt mỏi gây ra bệnh nghiến răng.
- Khám răng định kỳ: Khám răng là cách tốt nhất để xác định bệnh nghiến răng. Nha sĩ có thể dễ dàng nhìn thấy các dấu hiệu gây ra bệnh nghiến răng khi khám trong miệng và hàm của bạn.
Ở một số người bệnh nặng, thường xuyên nghiến rang khi ngủ, tùy vào tình trạng diễn tiến của bệnh mà nha sĩ sẽ đưa ra lời khuyên để bạn có cách điều trị phù hợp. Dưới đây là một vài phương pháp bạn có thể nghĩ đến:
- Thuốc giãn cơ: Liệu pháp này ít được dùng đến nhưng các loại thuốc giãn cơ (muscle relaxants) và thuốc chống nhăn (botox) có thể giúp cho cơ hàm và 2 hàm răng của bạn thả lòng, không còn nghiến chặt vào nhau khi ngủ.
- Bọc mão răng hoặc hàn onlay: Hai phương pháp này hiện nay được ứng dụng trong việc thẩm mỹ răng. Khi răng cạ vào nhau trong thời gian dài sẽ gây ra hiện tượng răng bị lệch, hàm răng không được thẳng hàng nữa. Việc áp dụng 2 phương pháp này có thể giúp răng phục hồi hình dáng bên ngoài, không chỉ giúp răng đẹp hơn mà còn dễ dàng trong việc nhai nuốt.
- Láp máng nhai: Máng sẽ được đo theo ni răng của người bệnh và được bọc vào hàm trước khi đi ngủ. Dụng cụ này tránh gây ra tiếng ồn và những tổn thương trực tiếp đến răng khi hai hàm cạ sát vào nhau.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng, stress.
- Khám định đình kỳ là cách tốt nhất để sàng lọc tật nghiến răng khi ngủ.
- Nhờ người ngủ cùng phòng với bạn để ý xem bạn có bị nghiến răng khi ngủ hay không.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.