Mục lục
Ngứa là gì?
Tìm hiểu chung
Ngứa là gì?
Ngứa là tình trạng da bị khó chịu, thường phải có tác động động cơ học như cào, gãi da thì hiện tượng này mới giảm đi. Ngứa có thể gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do cơ thể mắc phải các bệnh về da. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà ngứa có thể đi kèm với một số triệu chứng khác như bong vảy, sần da, phát ban đỏ, nổi mụn mủ,… Ngứa thường được điều trị bằng thuốc chống ngứa, liệu pháp ánh sáng và kết hợp với việc tìm hiểu nguyên nhân để hạn chế cơn ngứa tái phát.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của ngứa
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ngứa bao gồm:
- Ngứa trên một hoặc một số khu vực của da, thường là ở cánh tay, chân, cổ;
- Tùy vào nguyên nhân mà ngứa có thể xuất hiện đơn độc hoặc đi kèm các triệu chứng khác như phát ban, sần da, nổi mụn mủ, bong vảy, dày da, khô da,…
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Ngứa có thể xuất hiện đột ngột và hết hẳn sau đó, hoặc có thể phát thành từng đợt và kéo dài dai dẳng. Nếu trường hợp tình trạng ngứa chỉ diễn ra một lần và không thấy có dấu hiệu gì thì bệnh không đáng lo. Nhưng nếu ngứa kèm theo những vấn đề sau đây thì bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được kiểm tra:
- Ngứa dai dẳng, kéo dài trên 1 tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm kể cả khi dùng thuốc chống ngứa.
- Ngứa dữ dội và phát tán rộng ra toàn cơ.
- Không thể tập trung làm việc và học tập.
- Mất ngủ, sụt cân.
- Ngứa kèm theo bong da, sần da, dày da, mụn mủ,…
Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị tại nhà có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến ngứa
- Các bệnh lý về da: Nếu bạn mắc phải các bệnh về da thì hầu hết đều sẽ có triệu chứng ngứa. Một số loại bệnh da liễu phổ biến gây ngứa là: viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, mày đay, vảy nến,…
- Các bệnh hệ thống: Mắc các bệnh về gan, suy thân, u lympho, các bệnh về tuyến giáp, đa xơ cứng, bệnh zona, đái tháo đường, ung thư và các bệnh về máu cũng có thể gây ngứa và thường không đi kèm với phát ban.
- Thay đổi nội tiết tố sau khi sinh, thời kì tiền mãn kinh.
- Miễn dịch quá mẫn: Một số tác nhân bên ngoài có thể làm miễn dịch quá mẫn và gây dị ứng, sinh ngứa. Tùy vào cơ địa của mỗi người sẽ bị kích ứng hoặc dị ứng với những loại tác nhân khác nhau, thường là: thực phẩm, lông thú nuôi, cao su, phấn hoa, mùi hương, nọc độc côn trùng, bụi bẩn, nấm móc, chất hóa học,…
- Thuốc: Một số loại thuốc cũng có khả năng gây ngứa như thuốc gây mê, aspirin, thuốc an thần như morphine, barbiturate
- Da khô: Nếu ngứa không đi kèm với các triệu chứng khác thì có thể do thời tiết và nhiệt độ làm da bị khô dẫn đến ngứa. Sống trong thời tiết lạnh hoặc tắm ngâm người trong nước nóng sẽ kích thích da bị ngứa nhiều hơn.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị ngứa?
Ngứa là bệnh phổ biến, do nguyên nhân gây bệnh khá rộng nên bệnh có thể làm ảnh hưởng đến bất kì ai. Vì thế, nếu bạn không muốn bị ngứa thì có thể hạn chế các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Yếu tố làm tăng nguy cơ ngứa, bao gồm:
- Tiếp xúc với các chất dễ gây dị ứng.
- Độ tuổi: Tuổi tác càng lớn thì dễ bị ngứa hơn.
- Vệ sinh thân thể kém.
- Sống trong môi trường nhiều ô nhiễm.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ngứa
Bác sĩ sẽ chẩn đoán thông qua:
- Quan sát các biểu hiện trên da để tìm các biểu hiện đi kèm với ngứa.
- Hỏi bệnh sử để tìm hiểu các bệnh lý nào có thể liên quan đến việc da bị ngứa.
- Nếu nghi ngờ ngứa có liên quan đến bệnh lý, bác sĩ có thể tiến hành thực hiện các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu toàn bộ, xét nghiệm men, kiểm tra chức năng tuyến giáp và chụp X-quang để tìm các nguyên nhân tiềm ẩn.
Phương pháp điều trị ngứa hiệu quả
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngứa và mức độ ngứa của bệnh nhân mà bác sĩ có thể kê những loại thuốc khác nhau để điều trị. Trong điều trị ngứa thường tuân thủ nguyên tắc vừa dùng thuốc cắt cơn ngứa, vừa phải loại bỏ nguyên nhân gây ngứa và bệnh nhân cần phối hợp để điều chỉnh lại lối sống. Một số phương pháp có thể điều trị ngứa bao gồm:
Dùng thuốc:
- Nếu ngứa kéo dài có thể dùng corticosteroid để điều trị. Tuy nhiên nếu dùng thuốc này phải có sự hướng dẫn của bác sĩ. Không được tự ý sử dùng vì dược tính của thuốc mạnh có thể làm ảnh hưởng ngược lại đến sức khỏe.
- Nếu chỉ ngứa trong phạm vi nhỏ có thể dùng tacrolimus và pimecrolimus.
- Một số loại thuốc phổ biến để làm giảm cơn ngứa là các loại thuốc kháng histamin không gây buồn ngủ như cetirizin hay loratadin; còn dyphenhydramin có thể dùng trong trường hợp ngứa dẫn đến mất ngủ.
Ngoài các loại thuốc chống ngứa trên, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc đi kèm để điều trị nếu ngứa là biểu hiện của những bệnh lý khác trong cơ thể.
Điều trị tại nhà:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Cắt móng tay thường xuyên, nhất là trẻ em để tránh cào gãi gây nhiễm trùng da.
- Nếu dùng kem dưỡng ẩm để làm da bớt khô khi bị ngứa thì bạn nên sử dụng loại kem dịu nhẹ, không màu, không mùi.
- Dùng nước pha loãng với giấm theo tỉ lệ 1:1 để tắm hoặc dùng khăn sạch nhúng nước đắp lên vùng da khi bị ngứa.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Tình trạng ngứa có thể diễn ra với bất kì ai, kể cả khi bạn không có những yếu tố nguy cơ thì bệnh vẫn có khả năng xảy ra. Để phòng chống bệnh, bạn nên thực hiện các phương pháp sau:
- Không gãi.
- Dùng bột giặt loại nhẹ.
- Không trực tiếp tiếp xúc với các chất tẩy rửa, chất hóa học, nên đeo vật dụng bảo hộ như găng tay, ủng trước khi tiếp xúc.
- Hạn chế những tác nhân nằm trong danh sách dễ gây kích ứng, dị ứng da như: cao su, xi măng, phấn hoa, mùi hương, lông thúc nuôi, bụi bẩn, nấm mốc,…
- Nên mặc quần áo thoáng mát, không gây bó ép người.
- Lựa chọn các loại vải thấm hút mồ hôi.
- Giữ gìn về sinh cả nhân và môi trường sống xung quanh.
- Thường xuyên giặc giũ chăn mền để không tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Nếu ngứa kéo dài, bạn nên đến ngay bệnh viện để được kiểm tra.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.