Mục lục
Nhiễm Escherichia coli là gì?
Tìm hiểu chung
Nhiễm Escherichia coli là gì?
Escherichia coli (gọi tắt là nhiễm E.coli) là một loại vi khuẩn đại tràng chuyên ký sinh trong đường ruột tiêu hóa của người và động vật máu nóng. Vốn ban đầu loại vi khuẩn này có nhiều loại có lợi và cần thiết cho hệ tiêu hóa đường ruột. Tuy nhiên, có một vài vi khuẩn E.coli lại gây thiếu máu nặng hoặc suy thận, gây nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng khác và có thể dẫn đến tử vong.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng do nhiễm Escherichia coli
Các triệu chứng cơ bản khi bị nhiễm khuẩn E.coli:
- Tiêu chảy ra máu, đau thắt bao tử và nôn ói;
- Da xanh xao;
- Cảm lạnh;
- Xuất hiện những vết thâm tím trên người;
- Cảm thấy yếu cơ;
- Đi tiểu rất ít nước tiểu;
- Thân nhiệt có thể hơi sốt;
- Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể sốt cao, mỏi mệt, chân tay co quắp, đổ mồ hôi.
Nhiều người bị nhiễm E.coli mà không có bất kỳ triệu chứng. Do đó, khi bạn thấy cơ thể không được khỏe hãy tới cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra cụ thể.
Tác động do nhiễm Escherichia coli đối với sức khỏe
Các loại vi khuẩn E.coli gây hại thường có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng nặng nề như:
- Viêm đại tràng xuất huyết
- Suy thận cấp
- Tiêu chảy cấp
- Rối loạn máu
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bệnh có thể gây tử vong nên trong trường hợp các triệu chứng kể trên tăng nặng hay không thuyên giảm sau vài ngày điều trị tại nhà, hoặc khi xuất hiện tình trạng mất nước, ói mửa, đau bụng liên tục trên 12 giờ, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm Escherichia coli
Nhiễm Escherichia coli do vi khuẩn Escherichia coli gây ra đặc biệt là chủng O157: H7 có các yếu tố bám dính và sinh ra độc tố mạnh. Nhiễm khuẩn E.coli thường do nhiễm khuẩn kế phát với bệnh hen và bệnh cầu trùng. E.coli gây ra bệnh nhiễm trùng huyết và bệnh hô hấp cũng có thể nhiễm cùng lúc với E.coli.
Đây là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường phân – tay – miệng. Bạn có thể bị nhiễm Escherichia coli thông qua:
Dùng thực phẩm bẩn, bao gồm:
- Giết mổ, chế biến thịt của các loài gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh.
- Ăn thực phẩm sống, chưa được nấu chín kỹ.
- Uống sữa chưa được tiệt trùng.
- Ăn thức ăn bị hư hỏng do không được bảo quản đúng cách.
- Không rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn.
- Sử dụng chén đĩa, dụng cụ nhà bếp dơ bẩn, đã bị nhiễm khuẩn.
Dùng nguồn nước bẩn: Uống nước chưa được đun sôi hoặc bơi trong hồ nước bị ô nhiễm.
Lây từ người sang người: Khi bạn chăm sóc, tiếp xúc hoặc sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người nhiễm E.coli.
Chăn nuôi: Tiếp xúc với động vật bị nhiễm khuẩn E.coli.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ nhiễm Escherichia coli?
Bất cứ ai cũng có khả năng bị nhiễm khuẩn E.coli. Trong đó, phụ nữ có khả năng mắc bệnh nhiều hơn nam giới và người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người già sẽ dễ mắc bệnh hơn những đối tượng khác.
Một số yếu tố tăng nguy cơ nhiễm khuẩn:
- Thời gian dễ mắc bệnh nhất là từ tháng 6 đến tháng 9 trong năm.
- Đang dùng thuốc làm giảm nồng độ axit dạ dày.
- Có hệ miễn dịch suy yếu như người già, trẻ em, người bị bệnh AIDS hoặc đang dùng thuốc điều trị ung thư.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm Escherichia coli
Sau khi khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng, nếu nghi ngờ người bệnh bị nhiễm khuẩn thì bác sĩ sẽ gửi mẫu phân của người bệnh đến phòng thí nghiệm để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn E.coli trong phân. Các vi khuẩn có thể được nuôi cấy để chẩn đoán và xác định các độc tố cụ thể chẳng hạn như những độc tố do E.coli O157: H7.
Phương pháp điều trị nhiễm Escherichia coli hiệu quả
Hiện nay đối với các bệnh gây ra do E.coli O157: H7 vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Mọi phương pháp có thể chữa trị chỉ là điều trị các nhiễm trùng, làm giảm triệu chứng hoặc ngăn chặn các biến chứng. Khi người bệnh được xác định là nhiễm khuẩn E.coli cần phải nghỉ ngơi và uống nhiều nước để hạn chế tình trạng mất nước và mệt mỏi. Nếu mất nước nghiêm trọng có thể phải truyền dịch đường tĩnh mạch.
Không nên dùng thuốc chống tiêu chảy vì điều này làm giảm hoạt động của hệ thống tiêu hóa, ngăn chặn cơ thể loại bỏ các độc tố.
Với những trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà, bệnh thường khỏi sau khoảng 1 tuần. Những trường hợp người bệnh là người có miễn dịch yếu, có nhiều triệu chứng nặng thì cần phải điều trị và theo dõi tại bệnh viện để xử lý kịp thời khi cần thiết.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm Escherichia coli
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Không nên sử dụng các loại thực phẩm có thành phần sữa, chất béo, nhiều chất xơ hoặc thực phẩm khô vì chúng có thể làm cho các triệu chứng trở nên nặng hơn.
- Phân và chất thải của người bệnh phải được đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, Cloramin B… vào nhà tiêu để sát khuẩn.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Hiện tại chưa có vắc xin phòng ngừa tiêu chảy cấp do khuẩn E.coli gây ra. Do đó, để tránh những trường hợp nhiễm khuẩn E.coli, bạn cần các biện pháp phòng ngừa cho bản thân và gia đình như:
- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Mỗi gia đình nên có một nhà tiêu hợp vệ sinh, không nên đi tiêu bừa bãi.
- Chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Thực hiện việc ăn chín uống sôi.
- Không ăn rau sống chưa được rửa kĩ và uống nước lã.
- Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch
- Nguồn nước uống phải được bảo vệ sạch sẽ.
- Không đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người bệnh, xác súc vật và rác xuống ao, hồ, sông, giếng gây ô nhiễm môi trường nước.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.