Mục lục
Nhiễm giun tóc là gì?
Tìm hiểu chung
Nhiễm giun tóc là bệnh gì?
Bệnh nhiễm giun tóc là một bệnh kí sinh trùng do loại giun có tên khoa học là Trichuris trichiura gây ra. Giun tóc thường lây qua đường ăn uống, khi người khỏe mạnh ăn phải thức ăn có ấu trùng hoặc trứng giun. Giun tóc là thường ký sinh tại đường ruột của người. Do đặc tính gần giống với giun đũa nên những nơi thường xuất hiện giun đũa cũng sẽ có giun tóc; bệnh phát triển phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Giun tóc ký sinh trong cơ thể sẽ gây rối loạn tiêu hoá, thiếu máu và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị nhiễm giun tóc
Người bệnh khi nhiễm giun tóc, với số lượng chỉ vài con sẽ không có triệu chứng rõ ràng.
Triệu chứng chỉ xảy ra rõ ràng khi người nhiễm giun tóc với số lượng nhiều như:
- Đau bụng;
- Mót rặn, tiêu chảy;
- Trướng bụng, đầy bụng;
- Buồn nôn hoặc nôn;
- Sụt cân;
- Sa trực tràng và đi ngoài ra máu hoặc mất máu vi thể mạn tính cũng có thể xuất hiện thường gặp nhất ở trẻ nhỏ suy dinh dưỡng;
- Một số trường hợp bị nổi mẩn dị ứng.
Biến chứng có thể gặp khi bị nhiễm giun tóc
Mỗi ngày giun tóc có thể sinh sản hàng nghìn trứng. Vì vậy khi không phát hiện và điều trị kịp thời, cơ thể người bệnh có thể chứa rất nhiều trứng giun và lâm vào các tình trạng sau:
- Tổn thương ngay tại vị trí giun khu trú: Các bệnh về tiêu hóa có thể gặp phải là đau bụng, đại tiện nhiều lần, phân ít và có thể lẫn máu trong phân.
- Sa trực tràng và nhiễm trùng thứ phát do sa và loét trực tràng gây ra.
- Chậm phát triển tâm thần, vận động.
- Thiếu máu mạn tính.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bạn phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng kể trên thì cần đến gặp các bác sĩ để được xét nghiệm. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun tóc
Giun trưởng thành ký sinh chủ yếu ở manh tràng và ruột kết. Khi đi vào cơ thể trong khoảng 60 – 70 ngày, giun tóc cái sẽ đẻ trứng. Mỗi ngày, giun tóc có thể đẻ từ 3.000 – 20.000 trứng. Trứng chưa có phôi sẽ theo đường phân ra bên ngoài, gặp điều kiện khí hậu và đất ẩm sẽ phát triển thành trứng có ấu trùng. Đây là giai đoạn có khả năng lây nhiễm.
Khi người nuốt phải trứng chứa ấu trùng trong thức ăn hay nước uống, vào đến dạ dày, dịch vị và men tiêu hóa sẽ làm tiêu vỏ trứng, phóng thích ấu trùng, ấu trùng di chuyển xuống ruột non. Sau đó ấu trùng di chuyển đến manh tràng và đại tràng phát triển thành con trưởng thành bám vào niêm mạc ruột. Từ lúc trứng vào cơ thể người cho đến khi trở thành giun trưởng thành mất khoảng 30 – 90 ngày và giun tóc có thể sống trong cơ thể người 5 – 10 năm.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị nhiễm giun tóc?
Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm giun tóc khi nuốt phải ấu trùng hoặc trứng giun. Trong đó, trẻ em thường dễ gặp nhất.
Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm giun tóc, bao gồm:
- Xử lý phân, nước thải, rác không đúng quy trình, sử dụng phân tươi để tưới cây trồng.
- Bệnh dễ gặp ở khu vực khí hậu nóng ẩm.
- Tập quán sinh hoạt lạc hậu, tình trạng vệ sinh cá nhân và môi trường sống chưa hợp vệ sinh.
- Dân ở nông thôn có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn dân ở thành thị.
- Ăn uống không hợp vệ sinh, người bị nhiễm giun tóc do ăn uống phải trứng giun tóc đã phát triển ở ngoại cảnh tới giai đoạn ấu trùng.
- Tiếp xúc với môi trường có trứng giun tóc.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhiễm giun tóc
Cơ thể thường không biểu hiện rõ các triệu chứng nhiễm giun tóc trừ trường hợp bệnh nặng. Chẩn đoán xác định thường phải xét nghiệm phân để tìm trứng giun tóc.
Ngoài ra, một số dấu hiệu có thể được phát hiện ở người nhiễm giun tóc là:
- Đại tiện phân lỏng, thường vào ban đêm.
- Hội chứng lỵ, chỉ gặp ở cơ thể có từ 200 con giun trở lên.
- Sa trực tràng, đau bụng thành từng cơn.
- Thiếu máu, suy nhược cơ thể.
Chẩn đoán phân biệt: Cần phân biệt với các bệnh lỵ amip, thiếu máu, viêm dạ dày ruột,…
Các xét nghiệm thường dùng:
- Xét nghiệm phân: Đây là cách tìm ra trứng giun nhanh và chính xác nhất. Trứng giun tóc có hình oval và hai đầu trong suốt.
- Soi trực tràng: Có thể tìm thấy giun trưởng thành ở niêm mạc trực tràng.
- Xét nghiệm máu: Thấy bạch cầu eosin tăng ở các mô bị ảnh hưởng.
Phương pháp điều trị bệnh nhiễm giun tóc hiệu quả
Bệnh nhân khi phát hiện nhiễm giun tóc sẽ được bác sĩ kê thuốc chống ký sinh trùng.
Đối với trường hợp bệnh nhân nhiễm giun nhẹ không có triệu chứng thì không cần phải điều trị chuyên môn. Trường hợp nhiễm giun nặng hơn hoặc có triệu chứng, điều trị mebendazol, albendazol hoặc oxantel.
Do nhiễm giun tóc thường có tình trạng đi kèm giun móc nên khi điều trị trường hợp này sẽ được điều trị bằng thuốc albendazole hoặc mebendazole.
Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm giun tóc
- Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Hãy tham khảo bác sĩ khi bạn muốn sử dụng thuốc bổ máu và các loại thực phẩm chức năng để tăng cường dinh dưỡng do bị thiếu máu và suy nhược cơ thể.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Một số biện pháp phòng ngừa:
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn, uống nước và nên ăn thức ăn đã nấu chín, rửa rau sạch dưới vòi nước.
- Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và tẩy giun đúng cách. Khi xác định có triệu chứng của nhiễm giun lươn cần phải điều trị ngay.
- Sử dụng hố xí hợp lý.
- Ủ phân kỹ trước khi bón cho hoa màu, tránh sử dụng phân tươi.
- Hướng dẫn và giáo dục trẻ em vệ sinh cá nhân, đặc biệt tạo thói quen cho trẻ không bỏ tay vào miệng hoặc cắn móng tay.
- Cắt móng tay thường xuyên.
- Điều trị cho những người thân có nguy cơ mắc bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.