Mục lục
Nhiễm khuẩn sau sinh là gì?
Tìm hiểu chung
Nhiễm khuẩn sau sinh là gì?
Nhiễm khuẩn sau sinh hay còn gọi là nhiễm khuẩn hậu sản là bệnh nhiễm khuẩn xảy ra ở sản phụ sau khi vượt cạn. Đây là bệnh tai biến thường gặp trong sản khoa, do các loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể lúc gặp điều kiện thuận lợi (như thăm khám đỡ đẻ, làm các thủ thuật sản khoa mà tay và dụng cụ không tiệt khuẩn…) gây ra.
Một số hình thái nhiễm khuẩn sau sinh bao gồm:
- Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo: Vùng tầng sinh môn có biểu hiện viêm tấy, đỏ, đau, trường hợp nặng có mủ.
- Viêm nội mạc tử cung: Tử cung co hồi chậm; sản dịch hôi, có thể có mủ lẫn máu.
- Viêm cơ tử cung: Sản dịch hôi thối, ra máu lẫn mủ; tử cung to mềm và nắn đau.
- Viêm dây chằng và phần phụ: Sốt, mệt mỏi; tử cung co hồi chậm, sản dịch hôi; nắn thấy khối u cạnh tử cung đau, bờ không rõ.
- Viêm phúc mạc tiểu khung: Đau âm ỉ hạ vị; tiểu buốt, tiểu rát, hội chứng giả lỵ; tử cung to, đau, di động kém.
- Viêm phúc mạc toàn thể: Nôn; ỉa chảy, phân thối; bụng chướng; tử cung to, ấn đau.
- Nhiễm khuẩn máu: Sốt cao, mặt hốc hác; da xanh; tụt huyết áp.
Hiện nay với công nghệ ngày càng hiện đại, áp dụng các phương pháp vô khuẩn và khử khuẩn trong ca sinh nên tỷ lệ nhiễm khuẩn sau sinh đã giảm hẳn. Tuy nhiên bệnh vẫn còn khá phổ biến, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm khuẩn sau sinh
Tùy vào hình thái bệnh mà có các biểu hiện khác nhau. Thông thường, sau khi sinh từ 3 – 4 ngày sản phụ có các triệu chứng thường gặp như:
- Sốt, rét run, mệt mỏi, khó chịu;
- Vết thương ở tầng sinh môn, âm hộ âm đạo: sưng, đỏ, đau, mưng mủ;
- Sản dịch ra nhiều, hôi, lẫn máu và mủ;
- Bụng chướng;
- Cổ tử cung hé mở, tử cung to, co hồi chậm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu sau khi sinh con sản phụ có các biểu hiện lạ trong cơ thể như đau ở âm đạo, sưng và mưng mủ, sản dịch hôi, bụng chướng kèm với các triệu chứng sốt cao và mệt mỏi… thì nên báo ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị ngay.
Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn sau sinh
Tất cả các vi khuẩn thông thường: liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn E.Coli, vi khuẩn yếm khí… đều có thể gây bệnh. Chúng luôn có mặt ở môi trường xung quanh và chờ yếu tố thuận lợi để xâm nhập. Sau khi chuyển dạ, môi trường tổn thương ở âm hộ, âm đạo và vùng rau bám ở đáy tử cung rất tiềm năng cho các loại vi khuẩn này sinh sôi phát triển. Từ đó dẫn đến nhiều yếu tố khác nhau tác động đến nhiễm khuẩn sau sinh có thể kể đến như:
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị không đảm bảo vô khuẩn.
- Các chỉ định và kỹ thuật can thiệp không đúng thời điểm (trường hợp đang nhiễm khuẩn).
- Chăm sóc trước, trong và sau sinh không đảm bảo quy trình.
- Các nhiễm khuẩn ở đường sinh dục không được xử trí tốt trước khi sinh.
- Chuyển dạ kéo dài, ối vỡ non, ối vỡ sớm.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ nhiễm khuẩn sau sinh?
Mọi sản phụ đều có nguy cơ mắc phải nhiễm khuẩn sau sinh. Tuy nhiên nguy cơ cao hơn xuất hiện ở các sản phụ sinh ở những nơi kém vệ sinh, chất lượng chăm sóc kém.
Tỷ lệ mắc nhiễm trùng là khác nhau giữa các phương pháp sinh:
- 1 – 3% khi sinh thường.
- 5 – 15% khi mổ lấy thai trước khi chuyển dạ.
- 15 – 20% khi mổ lấy thai sau khi chuyển dạ.
Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn sau sinh, bao gồm:
- Sản phụ bị thiếu máu.
- Mắc nhiễm khuẩn âm đạo, nhiễm trùng lây qua đường tình dục.
- Thời gian chuyển dạ kéo dài.
- Chậm trễ khi vỡ ối và sinh.
- Có vi khuẩn liên cầu nhóm B trú ở âm đạo.
- Sinh ở nơi có trang thiết bị kém, không đảm bảo vô khuẩn.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm khuẩn sau sinh
Nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn sau sinh, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử và khám thực thể. Kèm theo đó là một số xét nghiệm giúp cho việc chẩn đoán và điều trị:
- Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC).
- Xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP).
- Cấy máu, cấy sản dịch.
- Đo tốc độ lắng máu.
- Xét nghiệm đo thời gian Prothrombin.
Phương pháp điều trị nhiễm khuẩn sau sinh hiệu quả
Tùy thuộc vào hình thái nhiễm khuẩn mà sẽ có những nguyên nhân khác nhau. Từ nguyên nhân đó bác sĩ sẽ chỉ định sản phụ được dùng kháng sinh toàn thân, thuốc co tử cung, bồi phụ nước và điện giải. Một số trường hợp bất khả kháng, sản phụ có thể được chỉ định cắt tử cung bán phần.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm khuẩn sau sinh
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
- Hạn chế vận động mạnh để tránh làm tổn thương các vùng bị nhiễm trùng.
- Nghỉ ngơi và cân bằng dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Nếu bạn cần uống thuốc kháng khuẩn, cần chắc chắn loại thuốc bác sĩ kê đơn cho bạn không ảnh hưởng đến việc cho con bú.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Bệnh có thể được phòng ngừa nếu bạn thực hiện tốt các thao tác sau:
- Đảm bảo điều kiện vô khuẩn khi đỡ đẻ, khi tiến hành thăm khám, khi thực hiện các thủ thuật phẫu thuật sản phụ khoa.
- Xử trí tốt các tổn thương sinh dục khi sinh.
- Phát hiện sớm, điều trị tích cực các trường hợp nhiễm khuẩn sinh dục trước, trong và sau khi chuyển dạ.
- Sản phụ kiêng quan hệ tình dục sau sinh do sức khỏe của sản phụ chưa phục hồi.
- Thay quần lót thường xuyên để giữ vùng kín luôn sạch sẽ và khô thoáng. Dùng băng gạc vô trùng để thấm dịch chảy ra từ âm đạo.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.