Mục lục
Quai bị là gì?
Tìm hiểu chung
Quai bị là bệnh gì?
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus thuộc họ Paramyxovirus gây ra. Chúng làm sưng tuyến nước bọt và gây đau cho người bệnh. Mặc dù là bệnh lành tính nhưng quai bị rất dễ lây, thời điểm bệnh có khả năng lây truyền cao nhất là từ 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện cho đến 6 ngày sau khi các triệu chúng đã hết. Quai bị thường gặp ở trẻ từ 2 – 14 tuổi. Bệnh thường kéo dài từ 12 đến 24 ngày. Nếu không phát hiện và điều trị có thể gây ra các biến chứng ở trẻ nhỏ.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi mắc bệnh quai bị
Triệu chứng phổ biến nhất của người bị quai bị là sốt, có khi lên đến 39 độ C. Sau vài ngày sốt thì tuyến nước bọt bị sưng lên, gây đau. Hiện tượng này kéo dài từ 1 – 3 ngày. Ngoài ra còn có các triệu chứng như:
- Đau khi hoạt động bằng miệng như nuốt, nói, nhai hoặc khi uống nước có axit;
- Chán ăn;
- Sốt, đôi khi rét;
- Đau họng và đau góc hàm;
- Sưng mặt và hai bên má;
- Tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong 1 tuần;
- Ở nam giới có thể kèm theo đau tinh hoàn và sưng bìu.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh quai bị
Biến chứng của quai bị thường gây nguy hiểm đối với nam giới. Đó là gây vô sinh do viêm tinh hoàn. Một số biến chứng khác của quai bị như:
- Nhồi máu phổi;
- Viêm tuỵ;
- Viêm buồng trứng;
- Viêm não;
- Sảy thai, sinh con dị dạng;
- Viêm cơ tim;
- Viêm tuyến giáp;
- Viêm thần kinh thị giác;
- Rối loạn chức năng gan.
Người lớn thường ít bị quai bị hơn trẻ nhỏ nhưng nếu mắc bệnh thường nặng và có nhiều biến chứng hơn trẻ em.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên thì bạn cần liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra, đặc biệt khi các triệu chứng xuất hiện ở trẻ em. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến quai bị
Bệnh quai bị do virus Paramyxovirus gây ra với dấu hiệu ban đầu là viêm tuyến nước bọt. Virus quai bị rất dễ lây truyền bằng đường hô hấp. Khi người bệnh hắt hơi, nói chuyện, ho… vi khuẩn sẽ đi theo dịch của người bệnh bay ra không khí và đi vào cơ thể người hít phải chúng. Bạn cũng sẽ dễ mắc bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung ly, chén đũa với người bệnh.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh quai bị?
Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan rất cao. Bất cứ ai cũng có khả năng mắc quai bị. Bệnh lây trực tiếp bằng đường hô hấp, có khả năng bùng phát thành dịch ở trẻ em, thanh thiếu niên.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh quai bị, bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
- Người có hệ miễn dịch yếu.
- Trẻ em từ 2 – 14 tuổi, đặc biệt là những trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh.
- Dùng chung những vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, quần áo,… với người bệnh.
Bệnh quai bị thường gặp ở trẻ em nhưng không có nghĩa là người lớn không mắc bệnh, tuy nhiên tỉ lệ người lớn mắc bệnh quai bị không cao.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh quai bị
Để xác định người bệnh có mắc quai bị hay không dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và tiền sử miễn dịch xem đã từng bị quai bị hay chưa. Các phương pháp được sử dụng để xét nghiệm hệ miễn dịch của người bệnh.
- Xét nghiệm vật liệu di truyền của virus (RT-PCR).
- Xét nghiệm kháng thể IgM và IgG.
- Nuôi cấy virus.
Phương pháp điều trị bệnh quai bị hiệu quả
Bệnh quai bị không có thuốc điều trị đặc hiệu. Thuốc chỉ có tác dụng giảm triệu chứng. Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng acetaminophen hoặc ibuprofen để giúp làm giảm sốt và giảm đau.
Bệnh quai bị có thể tự khỏi trong 7 – 10 ngày, nhưng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bạn có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Điều trị người bệnh theo các nguyên tắc:
- Hạn chế vận động tối đa, an thần và chăm sóc bệnh nhân tốt, nhất là trong thời gian toàn phát.
- Điều trị chống viêm tinh hoàn, buồng trứng, viêm tụy, viêm màng não.
- Chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn theo đúng chỉ định.
- Với các thể nặng có thể dùng globulin miễn dịch kết hợp.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh quai bị
- Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Người bệnh phải được cách ly trong 2 tuần và hạn chế đến những nơi đông người để tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
- Kiêng nước lạnh, kiêng gió và nhớ đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác để phòng tránh việc lây nhiễm bệnh.
- Uống nước nhiều hơn.
- Không dùng thực phẩm có tính axit cao và cứng.
- Chườm lạnh lên vùng mặt bị sưng hoặc dùng khăn ấm đắp lên trán để hạ sốt.
- Chú ý nghỉ ngơi, tránh vận động căng thẳng hoặc quá sức.
- Sử dụng thức ăn và đồ uống dưới sự giám sát của bác sĩ để tránh các trường hợp làm bệnh trở nên nặng hơn.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Các biện pháp phòng ngừa bệnh:
- Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh quai bị tốt nhất, có thể tiêm từ khi trẻ 9 tháng tuổi.
- Tuyên truyền giáo dục cộng đồng về tác hại của bệnh quai bị.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân.
- Thường xuyên vệ sinh môi trường sống, làm thông thoáng nhà ở.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.