Mục lục
Rối loạn khớp thái dương hàm là gì?
Tìm hiểu chung
Rối loạn khớp thái dương hàm là gì?
Khớp thái dương hàm là hai khớp ở gần tai, khớp này cùng với các cơ và dây chằng hoạt động giúp cho hàm mở – đóng khi nói, ăn, nuốt.
Tình trạng đau khớp thái dương hàm được gọi là rối loạn khớp thái dương hàm, thường đi kèm với các cơn đau quanh khớp hàm.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm
Triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh này là các cơn đau âm ỉ ở dọc xương hàm bên dưới và hai bên thái dương; đau khi nhai, nuốt thức ăn, không thể mở hàm ra hoàn toàn như bình thường.
Bên cạnh đó còn có các triệu chứng khác như: nhức đầu, ù tai, đau ê mặt,…
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu xuất hiện các cơn đau ở hàm và hai bên thái dương hoặc không thể mở hàm hoàn toàn thì hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất để thăm khám và điều trị, không để bệnh tiến triển nặng nề hơn.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn khớp thái dương hàm
Bệnh rối loạn khớp thái dương hàm cũng có nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là:
- Do thói quen nghiến răng, cắn chặt hàm, đặc biệt trong lúc ngủ mê hoặc căng thẳng.
- Tiền sử chấn thương đầu, cổ, hàm.
- Răng mọc chệch, răng mọc không khớp nhau.
Ở một số ít bệnh nhân còn có những nguyên nhân khác dẫn đến bệnh.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc rối loạn khớp thái dương hàm?
Đối với bệnh này thì cả nam và nữ đều có nguy cơ mắc bệnh ngang nhau. Tuy vậy, tỉ lệ sẽ cao hơn ở nữ giới đang trong độ tuổi dậy thì và mãn kinh.
Chưa có một nghiên cứu nào đưa ra chính xác yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn khớp thái dương hàm.
Tuy nhiên, dựa vào số ca mắc bệnh thì nhận thấy người mắc phải thường là nữ giới trong độ tuổi 20 – 40 tuổi, một số trường hợp khác có đi kèm hàm bị biến dạng bẩm sinh.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn khớp thái dương hàm
Bệnh nhân có thể được khám tổng quát bằng việc kiểm tra hàm, mặt và chụp X-quang, các bác sĩ sẽ dựa trên kết quả mà đưa ra các chẩn đoán chính xác nhất. Tùy trường hợp mà bệnh nhân có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như chụp MRI và nội soi khớp.
Phương pháp điều trị rối loạn khớp thái dương hàm hiệu quả
Ở một số người các triệu chứng xuất hiện và tự biến mất nên không cần phải điều trị bằng bất cứ phương pháp nào.
Nếu cần điều trị thì các phương pháp sau có thể được áp dụng:
- Dùng thuốc:
- Thuốc giảm đau.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng.
- Thuốc giãn cơ.
- Thuốc corticosteroid.
- Phẫu thuật: Nếu các biện pháp khác hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị bạn phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế các phần khớp.
Nếu căng thẳng thường xuyên là nguyên nhân gây bệnh thì hãy sử dụng các liệu pháp tâm lý để chữa bệnh.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn khớp thái dương hàm
- Nên ăn những thức ăn mềm, dễ nuốt để tránh sử dụng quá mức cơ quai hàm.
- Không nên nhai kẹo cao su và các thực phẩm dai, dính.
- Thư giãn tinh thần và cơ bắp là một trong những cách tuyệt vời để giúp giảm bớt các triệu chứng. Bạn hãy tham khảo bác sĩ về các bài tập giúp làm giảm đau khớp thái dương hàm.
- Thường xuyên xoa bóp vùng dưới hàm.
- Chườm nhiệt, chườm lạnh có thể giúp giảm đau nhanh.
- Dùng thuốc và các phương pháp điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi thuốc có tác dụng phụ hoặc không hiệu quả.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.