Mục lục
Sa sinh dục là gì?
Tìm hiểu chung
Sa sinh dục là gì?
Sa sinh dục hay còn gọi là sa tử cung, đây là bệnh lý phổ biến ở Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn. Bệnh là hiện tượng tử cung sa xuống thấp trong âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ, trong nhiều trường hợp còn sa cả ra thành trước âm đạo và bàng quang, hoặc sa cả ra thành sau âm đạo kèm theo trực tràng.
Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và lao động hằng ngày.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sa sinh dục
Tùy theo từng người mà có các biểu hiện khác nhau, thường là thấy khó chịu, cảm giác tức nặng vùng cửa mình, ở bụng dưới, nhất là khi đứng, nhưng khi nằm thì sẽ hết.
- Giai đoạn sớm, người bệnh thấy có khối phồng ở vùng âm hộ, nó xuất hiện không thường xuyên, chỉ thấy khi ngồi xổm hoặc khi ho rặn đi cầu.
- Càng ngày khối phồng càng sa ra ngoài nhiều hơn và thường xuyên hơn.
- Giai đoạn nặng, khối sa thường trực nằm ở ngoài âm hộ không đẩy vào trong âm đạo được nữa.
Nếu kèm theo sa bàng quang thì có dấu hiệu: tiểu khó, tiểu rắt, són tiểu khi cười to, khi ho mạnh hay khi bị rùng mình.
Nếu kèm theo sa trực tràng thì đại tiện có cảm giác vẫn còn chưa hết phân ở trực tràng, có thể bị táo bón.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bất cứ khi nào phụ nữ nhận thấy biểu hiện bất thường như khối phồng xuất hiện ở vùng âm hộ thì nên đến cơ sở chuyên khoa uy tín để tiến hành thăm khám ngay, tránh để nặng sẽ gây biến chứng ảnh hưởng lâu dài.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến sa sinh dục
Sự thay đổi tư thế tử cung hay sự thay đổi các tổ chức của đáy chậu sẽ dẫn đến sa sinh dục. Từ đó các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này có thể kể đến như:
- Đẻ quá nhiều, đẻ dày, đẻ không an toàn, không đúng kỹ thuật và rách tầng sinh môn nhưng không được khâu lại.
- Lao động quá nặng hay quá sớm sau đẻ làm áp lực ổ bụng tăng lên khi cơ thể còn yếu, chưa trở lại bình thường.
- Rối loạn dinh dưỡng ở những người bị bệnh mãn tính, suy dinh dưỡng, lớn tuổi.
- Cơ địa bẩm sinh ở phụ nữ chưa đẻ lần nào, ở phụ nữ có sự thay đổi giải phẫu và chức năng của cơ quan sinh dục.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh sa sinh dục?
Bệnh thường mắc phải ở phụ nữ làm việc nặng, sinh đẻ nhiều, đẻ không an toàn nên thường gặp ở vùng nông thôn hơn. Độ tuổi 40 – 50 tuổi trở lên có số lượng bệnh nhân mắc phải cao hơn.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sa sinh dục
- Chẩn đoán xác định: Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng.
- Bệnh thường gặp ở người từ 40 – 50 tuổi trở lên, tiến triển chậm, có thể từ vài năm đến hàng chục năm.
- Tiền sử bệnh nhân thường đẻ nhiều, đẻ dày, không được đỡ đẻ an toàn, sau đẻ lao động nặng sớm.
- Triệu chứng cơ năng: khối sa vùng âm hộ, tức nặng bụng dưới, kèm theo có thể có rối loạn đại, tiểu tiện.
- Khám thực thể xác định kích thước, mức độ, nội dung khối sa; tình trạng tầng sinh môn; đánh giá vùng tiểu khung có khối u, có dính hay không.
- Chẩn đoán phân biệt: Cần chú ý tới hai bệnh dễ nhầm với sa sinh dục, đó là:
- Lộn tử cung.
- Cổ tử cung dài và phì đại đơn thuần.
Phương pháp điều trị sa sinh dục hiệu quả
Điều trị nội khoa
- Phục hồi chức năng, đặc biệt là ở tầng sinh môn
- Vòng nâng đặt trong âm đạo.
- Điều trị bằng Estrogen (ovestin, colpotrophine).
Điều trị ngoại khoa:
Phẫu thuật nhằm phục hồi hệ thống nâng đỡ tử cung, nâng bàng quang, làm lại thành trước, thành sau âm đạo, khâu cơ nâng hậu môn và tái tạo tầng sinh môn.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sa sinh dục
- Trước mổ:
- Theo dõi đại, tiểu tiện
- Chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, hợp khẩu vị và hợp với độ tuổi người bệnh.
- Chế độ vệ sinh tốt, tránh bội nhiễm.
- Tránh căng thẳng, lo lắng quá mức.
- Sau mổ
- Theo dõi đặc biệt trong 24 giờ sau phẫu thuật.
- Chế độ ăn sớm, vận động sớm sau mổ.
- Những ngày sau sinh cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chất dễ tiêu, uống đủ nước.
- Vệ sinh bộ phận sinh dục theo chỉ định y tế.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Sinh ít, từ 1 đến 2 con.
- Nên sinh con trong độ tuổi 22 – 29, khi các bộ phận trong cơ thể chưa bị thoái hóa, dễ phục hồi.
- Khi sinh nên đến cơ sở y khoa uy tín, có chuyên môn và trang thiết bị đầy đủ, không để chuyển dạ kéo dài, cần lưu ý khâu tầng sinh môn nếu bị rách khi sinh.
- Lao động vừa sức, tránh lao động nặng nhọc liên tục và phải ở tư thế đứng hoặc phải đi lại nhiều.
- Sau khi sinh cần được nghỉ ngơi đủ thời gian cho các cơ và dây chằng vùng đáy chậu co trở lại. Không lao động sớm trước ba tháng.
- Ăn uống đầy đủ, sinh hoạt điều độ, rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.