Mục lục
Sảy thai là gì?
Tìm hiểu chung
Sảy thai là bệnh gì?
Sảy thai là hiện tượng thai bị tống ra khỏi buồng tử cung trước tuổi thai có thể sống được, tuổi thai được tính từ khi thụ tinh cho đến khi 28 tuần. Thông thường các trường hợp sảy thai trước 12 tuần được gọi là sảy thai sớm, còn sảy thai từ tuần thứ 12 đến tuần thứ 20 của thai kì thì gọi là sảy thai muộn.
Đây là biến chứng thường gặp trong giai đoạn mang thai, và chiếm tỷ lệ khoảng 20% sản phụ. Sảy thai được chia làm 2 loại là sảy thai tự nhiên và sảy thai liên tiếp (sảy thai tự nhiên từ 3 lần liên tiếp trở lên) theo tuổi thai. Hoặc theo lâm sàng cũng được chi thành 2 loại: sảy thai hoàn toàn (tuổi thai ≤ 6 tuần) và sảy thai không hoàn toàn (tuổi thai ≥ 7 tuần).
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị sảy thai
- Sảy thai tự nhiên: Thường gồm 2 giai đoạn doạ sảy và sảy thai thực sự
- Doạ sảy thai: Đau bụng dưới hoặc mỏi lưng, ra máu âm đạo.
- Sảy thai thực sự: Chậm kinh, ra huyết đỏ hay đen, đau và tức bụng dưới.
- Sảy thai liên tiếp: Khi sảy thai tự nhiên từ 3 lần trở lên.
- Sảy thai sót nhau: Có thể phát hiện một mảnh mô được tống ra khỏi âm đạo, tuy nhiên ra máu âm đạo vẫn tiếp diễn và vẫn còn đau bụng âm ỉ.
- Sảy thai băng huyết: Ra máu âm đạo nhiều, máu tươi,có thể biểu hiện tình trạng shock mất máu.
- Sảy thai nhiễm khuẩn: Ra máu âm đạo kéo dài kèm theo hội chứng nhiễm trùng: sốt, mạch nhanh, người mệt mỏi, lờ đờ.
Khi bị sảy thai, các dấu hiệu của thai kỳ như nôn ói, căng ngực sẽ không còn nữa. Thai cũng không còn chuyển động, nếu cảm nhận được các bất thường này sản phụ nên đến gặp bác sĩ ngay.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bất cứ khi nào sản phụ thấy có biểu hiện như xuất hiện cơn co bất thường, ra máu âm đạo, đau bụng và chuột rút… thì nên đến gặp bác sĩ ngay để tránh các biến chứng không đáng có như:
- Băng huyết, chảy máu.
- Sót nhau, sót thai.
- Sảy thai tự nhiên, nếu không được chăm sóc hợp lý lần mang thai tiếp mẹ rất dễ bị sảy thai tiếp và chửa ngoài dạ con.
- Vô sinh.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến sảy thai
- Do bất thường gen hoặc nhiễm sắc thể:
- Trứng hỏng xảy ra khi trứng thụ tinh phát triển một nhau thai và màng nhưng không có phôi.
- Bào thai trong tử cung chết: phôi thai đã qua đời trước khi có bất kỳ triệu chứng của sảy thai biểu hiện.
- Mang thai trứng: Là bệnh lý hiếm gặp.
- Tình trạng sức khỏe của người mẹ cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến sảy thai:
- bệnh tim mạch, bệnh nội tiết, bất đồng nhóm máu.
- Sang chấn, nhiễm trùng cấp tính.
- Thiếu nội tiết, giảm Estrogen và Progesteron.
- Tử cung hoặc các vấn đề cổ tử cung.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ sảy thai?
Mọi sản phụ trong giai đoạn mang thai đều có nguy cơ mắc phải tình trạng này. Tuy nhiên sản phụ cũng có thể chú ý các yếu tố sau đây để phòng tránh sảy thai:
- Tự ý sử dụng thuốc mà không hỏi ý kiến của bác sĩ, nhất là trong 3 tháng đầu.
- Vận động mạnh.
- Hút thuốc, sử dụng rượu bia, chất kích thích.
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại.
- Ăn uống bừa bãi không theo chế độ khoa học.
- Có tiền sử sảy thai.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp dùng để xét nghiệm và chẩn đoán sảy thai
- Chẩn đoán xác định: Cần khai thác đầy đủ các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.
- Chẩn đoán phân biệt:
- Siêu âm: Không thấy túi thai trong buồng tử cung, niêm mạc tử cung dày, có hình ảnh các mảng tổ chức nhau.
- Xét nghiệm: beta hCG để củng cố chẩn đoán.
Phương pháp điều trị sảy thai hiệu quả
Nếu bạn bị nghi ngờ sảy thai thì rất khó có khả năng giữ thai lại được. Còn với trường hợp bạn đang bị sảy thai, siêu âm cho thấy thai vẫn còn hiện diện trong tử cung và bác sĩ không nghĩ rằng thai còn sống, bạn sẽ được chuyển đến bác sĩ khoa sản để được khuyên đình chỉ thai nghén.
Thủ thuật nạo thai được gọi là D&C (Dilation and Curettage) sẽ được thực hiện hoặc bạn sẽ được tiếp tục theo dõi để tiến trình hủy thai xảy ra một cách tự nhiên.
Một số trường hợp nhóm máu của bạn và thai nhi không hợp nhau. Nếu máu của bạn không có yếu tố Rh (rất hiếm gặp ở người Việt Nam), bạn sẽ được dùng thuốc (RhoGAM) để phòng ngừa khả năng tác động đến nhóm máu của thai nhi (có thể xảy ra khi nhóm máu của con có yếu tố Rh).
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sảy thai
- Sau một lần sảy thai, cơ thể người mẹ cần có chế độ chăm sóc và nghỉ ngơi một cách hợp lý, đúng khoa học để tránh các biến chứng, trong đó có vô sinh về sau.
- Cần nghỉ ngơi, tịnh dưỡng một thời gian cần thiết, không nên dằn vặt hay suy nghĩ quá nhiều về việc mất con.
- Thực hiện một số kiêng cữ cần thiết như: kiêng lạnh, không nên tắm nước lạnh, uống nước lạnh. Kiêng ăn các thực phẩm tanh hoặc cay nóng, các chất kích thích.
- Kiêng quan hệ vợ chồng từ 1-2 tháng sau sảy thai để tránh viêm nhiễm.
- Tránh thụt rửa âm đạo.
- Sau 3 tháng sảy thai mới nên mang thai lại để cơ thể mẹ phục hồi hoàn toàn các chức năng, đảm bảo tốt nhất cho việc mang thai ở lần tiếp theo.
- Bổ sung nhiều chất dinh dưỡng đa dạng, có nhiều trong các loại thực phẩm như: thịt, rau củ quả, thuốc bổ tổng hợp…
- Thực hiện khám sức khỏe định kỳ để được theo dõi kiểm tra cơ thể và phát hiện các bất thường kịp thời.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Tránh căng thẳng, lo âu, buồn phiền.
- Cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, uống bổ sung viên sắt và axit folic để tránh thiếu máu và thiếu axit folic khi mang thai.
- Nên đi khám thai định kỳ đề phòng các bất thường.
- Nên giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh giao hợp vì tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo, tử cung cũng là nguyên nhân gây sảy thai.
- Tránh lao động nặng, không ngâm mình dưới nước.
- Không nên mang giày cao gót vì dễ té ngã.
- Tránh tiếp xúc với các chất độc hại như rượu, bia, thuốc lá, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm.
- Không tự ý dùng thuốc nếu không có sự chỉ định chuyên khoa.
- Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh cảm cúm hoặc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.