Mục lục
Sốc phản vệ là gì?
Tìm hiểu chung
Sốc phản vệ là bệnh gì?
Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong. Biểu hiện lâm sàng của sốc phản vệ thường xảy ra sau khi dùng thuốc từ vài giây đến 20 – 30 phút, lâu nhất khoảng 1 giờ, khởi đầu bằng cảm giác lạ thường (bồn chồn, hoảng hốt, sợ chết…). Sau đó là sự xuất hiện đột ngột các triệu chứng ở một hoặc nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, da…với những biểu hiện: mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt hoặc không đo được; nghẹt thở, khó thở; nổi mề đay, ngứa toàn thân; đau quặn bụng, đi tiêu không tự chủ và có thể tử vong sau ít phút.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ
Sốc phản vệ có thể mang rất nhiều triệu chứng. Một số triệu chứng có thể xuất hiện cùng một lúc như: da ngứa hoặc phát ban; chảy nước mũi, hắt hơi, ho; miệng ngứa, khó nuốt hoặc sưng môi và lưỡi; chân tay sưng; chuột rút hoặc tiêu chảy, nôn mửa nhiều.
Ngoài ra còn có một số triệu chứng rất nguy hiểm như: khó thở hoặc thở khó chịu; đau ngực hoặc tức ngực; huyết áp thấp; mạch yếu và nhanh; chóng mặt.
Các triệu chứng của sốc phản vệ có thể xấu đi rất nhanh chóng. Lúc đó, người bệnh cần được điều trị trong vòng 30 đến 60 phút vì các triệu chứng đôi khi có thể gây tử vong.
Những dấu hiệu báo động cho cơn sốc phản vệ thường sẽ lặp đi lặp lại, ví dụ như: Các triệu chứng xuất hiện vài phút sau khi bạn chạm vào hoặc ăn những thứ gây dị ứng. Một số triệu chứng xuất hiện cùng một lúc, ví dụ phát ban, sưng, và ói mửa. Cơn đầu tiên của triệu chứng biến mất, nhưng sau đó có thể trở lại từ 8 giờ đến 72 giờ; chỉ một triệu chứng duy nhất xuất hiện lặp đi lặp lại trong nhiều giờ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến sốc phản vệ:
Thuốc: Sốc phản vệ là những tai biến do dị ứng thuốc xảy ra ngày một nhiều, với những hậu quả rất nghiêm trọng. Khá nhiều loại thuốc có thể gây sốc phản vệ như: kháng sinh, vắc-xin và huyết thanh, các thuốc giảm đau, hạ nhiệt, chống viêm không steroid, một số loại vitamin… Những năm gần đây có những ca sốc phản vệ do dùng các thuốc gây mê và gây tê.
Nọc côn trùng: Do ong đốt, kiến đốt.
Thức ăn: Thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật có thể gây nên các hội chứng dị ứng như nổi mề đay, mẩn ngứa, viêm mũi, viêm miệng,… nhưng ít gây sốc phản vệ. Tuy nhiên, một số loại trong số đó như sữa bò, trứng gà, tôm, cua, cá, ốc có thể gây nên sốc phản vệ vì chúng là dị nguyên có tính kháng nguyên khá mạnh. Sữa bò có nhiều thành phần protein khác nhau: beta lactoglobulin (A và B), anpha lacto albumin, casein (anpha, gama); trong đó beta lactoglobulin (A và B) có tính kháng nguyên mạnh hơn cả. Sữa bò gây nên nhiều hội chứng dị ứng như sốc phản vệ, hen phế quản, viêm mũi dị ứng, rối loạn tiêu hoá theo cơ chế dị ứng, màyđay, phù Quincke, sốt,…
Yếu tố lạnh: Một số bệnh nhân bị dị ứng do lạnh, khi tắm lâu ở sông hoặc ở biển, hồ vào thời tiết lạnh, có thể xuất hiện sốc phản vệ .
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị sốc phản vệ?
Bất kỳ ai cũng có thể bị sốc phản vệ. Tuy nhiên, đối tượng dễ bị sốc và dị ứng thuốc thường là người có cơ địa dễ dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc trị bệnh. Ngoài ra, sốc phản vệ thường xảy ra nhiều hơn với người có thể trạng yếu như trẻ nhỏ, người già… Với đối tượng này khi dùng thuốc cần phải cân nhắc giữa lợi ích, nguy cơ. Mỗi khi dùng thuốc cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn cách dùng thuốc an toàn nhất.
Bên cạnh đó bạn cũng cần chú ý đến những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Di truyền, đặc biệt là những người có một tiền sử gia đình từng sốc phản vệ thì có nguy cơ gặp phải sốc phản vệ hơn.
- Những người bị dị ứng hoặc hen suyễn cũng làm tăng nguy cơ bị sốc phản vệ. Nếu đã trải qua sốc phản vệ thì người đó có nguy cơ cao sẽ gặp lại nó một lần nữa.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sốc phản vệ
Bác sĩ chẩn đoán sốc phản vệ bằng cách thực hiện hỏi bệnh sử và khám thực thể để xác định nguyên nhân gây ra dị ứng. Bên cạnh đó bạn cũng cần thực hiện một số xét nghiệm theo yêu cầu như: Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), điện tâm đồ (EKG), chụp X-quang và xét nghiệm Troponin.
Phương pháp điều trị sốc phản vệ hiệu quả
Bảo vệ đường thở và thông khí với O2 100%.
Khám tìm phù nề trong đường thở. Nếu phù nề gây khó thở phải đặt ống nội khí quản ngay lập tức vì mọi sự trì hoãn sẽ gây tắc đường thở hoàn toàn do phù nề, chọn ống nội khí quản nhỏ hơn bình thường. Cho O2 100% để duy trì SpO2 > 92%, đặt ống nội khí quản khi vẫn còn thiếu O2 khi thở O2 100%.
Sử dụng Adrenaline: Adrenaline là điều trị căn bản của phản vệ để giảm tác dụng huyết động của chất trung gian đang lưu thông và giảm tổng hợp chất trung gian.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sốc phản vệ
Tránh mang dép, đi chân trần trên cỏ nếu bị dị ứng với vết đốt côn trùng.
Đọc kỹ nhãn của tất cả các loại thực phẩm khi mua và sử dụng. Khi ăn, hãy hỏi về các thành phần trong thực phẩm để chắc rằng chúng không chứa chất làm bạn dị ứng. Bởi vì ngay cả một lượng nhỏ thức ăn không phù hợp đi vào cơ thể cũng có thể khiến người bị dị ứng gặp phải một phản ứng nghiêm trọng.
Nếu dị ứng với côn trùng đốt, phải cảnh giác khi đang ở gần đó. Nên mặc áo sơ mi và quần dài tay, tránh màu sắc tươi sáng và không mang nước hoa. Giữ bình tĩnh nếu đang ở gần một loài côn trùng đốt, di chuyển đi từ từ. Quan trọng là phải làm tất cả mọi thứ có thể để ngăn chặn phản ứng dị ứng bằng cách tránh kích hoạt chúng.
Nếu bạn lo lắng không biết mình bị dị ứng với những gì. Bạn có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn thêm. Thông thường, một số xét nghiệm đơn giản như nghiệm pháp da hoặc xét nghiệm máu có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân gây dị ứng cho bạn. Từ đó giúp bạn phòng tránh dễ dàng hơn.
Cấp cứu cho người bị sốc phản vệ
Một trong những phương pháp phòng sốc phản vệ tốt nhất là bạn cần có kiến thức nhất định về sốc phản vệ và cách cấp cứu khi có sốc phản vệ xảy ra.
Với những người bị dị ứng nghiêm trọng thường được khuyến cáo mang theo ống tiêm epinephrine mọi lúc và cũng cần đảm bảo người bệnh hoặc chính người thân của họ biết cách sử dụng nó trong trường hợp khẩn cấp. và khi gặp trường hợp bị sốc phản vệ, bạn cần đảm bảo rằng người đó đang trong trạng thái thoải mái. Nâng cao chân họ để giúp lưu thông máu. Nếu ngừng thở, cấp cứu hô hấp tuần hoàn và những hỗ trợ căn bản khác cho đến khi lực lượng y tế đến.
Bạn có thể hỏi người bệnh xem họ có mang theo ống tiêm epinephrine không và nếu có thì bạn hãy dùng nó tiêm vào cơ bắp đùi bên ngoài của người bệnh. Thuốc sẽ giúp triệu chứng sốc phản vệ cải thiện một cách nhanh chóng.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.