Mục lục
Sỏi bàng quang là gì?
Tìm hiểu chung
Sỏi bàng quang là gì?
Khi tiểu tiện mà không tiểu hết nước tiểu ra ngoài, các khoáng chất tồn lại trong phần nước tiểu đó kết tinh lại với nhau tạo thành từng mảng khoáng chất còn được gọi là sỏi. Tình trạng xuất hiện sỏi trong bàng quang được gọi là bệnh sỏi bàng quang.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của sỏi bàng quang
Bệnh sỏi bàng quang sẽ không có bất kì dấu hiệu hay triệu chứng nào khi sỏi còn nhỏ và có thể được đào thải ra ngoài theo nước tiểu. Đối với trường hợp sỏi trong bàng quang đã lớn thì cơ thể bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng sau đây:
- Tiểu khó hoặc tiểu đau, có máu trong nước tiểu;
- Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm;
- Nước tiểu có màu sẫm;
- Ở nam giới xuất hiện tình trạng đau dương vật.
- Đau bụng dưới dữ dội.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đến ngay bệnh viện hoặc liên hệ bác sĩ có chuyên khoa khi thấy xuất hiện các triệu chứng trên; đặc biệt là tình trạng đau bụng kéo dài, nước tiểu có máu. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang xuất hiện khi lượng nước tiểu trong bàng quang không được thải ra ngoài, dẫn đến các khoáng chất trong nước tiểu kết tinh thành sỏi. Có thể do các nguyên nhân sau đây:
- Sa bàng quang: Ở nữ giới, thành bàng quang yếu và sa xuống âm đạo gây chặn dòng nước tiểu, tạo cơ hội hình thành sỏi ở bàng quang.
- Phì đại tuyến tiền liệt: Ở nam giới, tuyến tiền liệt phì to lên gây chặn dòng nước tiểu.
- Hội chứng bàng quang thần kinh: Dây thần kinh gửi tín hiệu điều khiển bàng quang hoạt động nhưng do bị thương tổn hoặc bị hỏng nên bàng quang hoạt động yếu hoặc không hoạt động.
- Bàng quang bị viêm, nhiễm.
- Thiết bị y tế cũng có thể gây bệnh sỏi bàng quang.
- Sỏi thận di chuyển đến bàng quang nhưng không được thải ra ngoài, lâu dần thành sỏi bàng quang.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc sỏi bàng quang?
Bệnh xảy ra ở những người thường nhịn tiểu hoặc không tiểu hết nước tiểu ra ngoài, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào.
Đa số ca mắc bệnh là nam giới từ 50 tuổi trở lên, nữ giới có tỉ lệ mắc bệnh này thấp.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sỏi bàng quang, bao gồm:
- Giới tính và độ tuổi: Tỉ lệ nam giới từ 50 tuổi trở lên mắc bệnh khá cao, nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo tuổi. Bệnh này ít xảy ra ở nữ giới.
- Tiền sử tổn thương tủy: Những người từng chấn thương cột sống nghiêm trọng, không còn khả năng kiểm soát vùng xương chậu nên khả năng thải hết nước tiểu trong bàng quang không thể thực hiện được.
- Tắc nghẽn bàng quang: Phổ biến nhất là do phì đại tuyến tiền liệt. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác.
- Sau khi phẫu thuật bàng quang.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sỏi bàng quang
- Xét nghiệm nước tiểu: Để xem trong nước tiểu có vi khuẩn, khoáng chất hay có máu hay không.
- Chụp X-quang và CT: Quan sát số lượng, kích thước hình ảnh sỏi bên trong bàng quang.
- Siêu âm: Để phát hiện những viên sỏi có kích thước nhỏ mà chụp X-quang không thể thấy được.
- Chụp cản quang đường tĩnh mạch.
Từ các kết quả thu thập được phối hợp khám lâm sàng, các bác sĩ mới đưa ra những chẩn đoán bệnh chuẩn xác nhất, từ đó đưa ra giải pháp điều trị bệnh phù hợp với từng bệnh nhân.
Phương pháp điều trị sỏi bàng quang hiệu quả
Nếu sỏi bàng quang khá nhỏ, bệnh nhân chỉ cần uống thật nhiều nước để sỏi theo đường nước tiểu ra ngoài.
Nếu sỏi có kích thước lớn, bệnh nhân sẽ được tiến hành các phương pháp điều trị sau đây:
- Tán sỏi: Các bác sĩ sẽ tiến hành nội soi niệu đạo và tiến hành bắn sỏi bằng các tia laser hoặc sóng âm thanh. Trước khi thực hiện phương pháp này, bệnh nhân sẽ được gây tê. Tỉ lệ biến chứng của phương pháp này cực kì thấp, nhưng cũng có trường hợp bị nhiễm trùng nhẹ.
- Phẫu thuật loại bỏ sỏi đối với những viên sỏi có kích thước lớn. Phương pháp thường dùng là mổ nội soi.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sỏi bàng quang
- Uống đủ từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày.
- Tuyệt đối không được nhịn tiểu hoặc tiểu chưa hết dòng đã ngưng.
- Dùng thuốc nhuận tràng khi xuất hiện tình trạng táo bón.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.