Mục lục
Stress là gì?
Tìm hiểu chung
Stress là gì?
Stress là trạng thái tâm sinh lý nảy sinh khi các kích thích tác động ngưỡng chịu đựng của cá nhân, dẫn đến thay đổi về nhận thức, thái độ và hành vi.
Stress thường được chia làm 2 loại chính:
- Stress tâm lý: Trạng thái tâm lý xuất hiện nhằm đáp ứng tác nhân gây stress. Ví dụ: thay đổi về trí nhớ, tập trung chú ý, các phản ứng cảm xúc…
- Stress sinh lý: Toàn bộ những biến đổi về sinh lý, trạng thái sinh lý của cơ thể nhằm đáp lại tác nhân gây stress, ví dụ những biến đổi về nhịp tim, nhịp thở, thay đổi về nội tiết.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị stress
Stress bệnh lý cấp tính: Là cảm xúc phản ứng tức thì với tình huống ngoài dự tính.
- Trương lực cơ: Nét mặt căng thẳng, cử chỉ cứng ngắc kèm theo cảm giác đau do căng thẳng bên trong.
- Rối loạn thần kinh thực vật: Tim đập nhanh, cơn đau trước tim, khó thở, ngất xỉu, chóng mặt, ra mồ hôi, nhức đầu, đau ở nhiều nơi nhất là ở các cơ bắp.
- Phản ứng giác quan thái quá, nhất là tai có cảm giác khó chịu trước những tiếng động thường ngày.
- Dễ bị cáu do cảm giác bất an, dẫn đến những rối loạn trong hành vi nhất là trong trạng thái kích động nhẹ kèm theo khó khăn trong quan hệ với xung quanh.
- Trạng thái lo âu lan rộng kèm theo sợ hãi mơ hồ.
Stress bệnh lý kéo dài: Thường gặp trong các tình huống stress quen thuộc, lặp lại.
- Phản ứng quá mức với hoàn cảnh xung quanh, đi kèm với tính dễ cáu, cảm giác khó chịu, căng thẳng tâm lý, mệt mỏi trí tuệ, không thể thư giãn.
- Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, hay thức giấc và có cảm giác không thấy hồi phục sức sau khi ngủ.
Tác hại của stress
Mặc dù đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi bị vượt quá ngưỡng giới hạn chịu đựng nhưng stress gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà bạn không lường hết được.
Thời gian đầu bị stress bạn có thể sẽ bị mất ngủ, chán ăn, không tập trung, sống tiêu cực, suy nhược tinh thần lẫn thể chất, kéo theo đó là sự trì trệ công việc và các sinh hoạt bình thường của bạn.
Khi bạn không thể giải tỏa những phiền muộn và để chúng hành hạ trong thời gian dài, bạn có thể sẽ gặp những bệnh lý về tâm thần; điển hình nhất là bệnh trầm cảm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu cảm thấy tinh thần, thể chất và cả cơ thể có sự thay đổi theo hướng xấu đi kèm với các bệnh chứng như đã trình bày ở trên thì bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến stress
Có hai loại nguyên nhân chủ yếu:
- Nguyên nhân bên ngoài (khách quan): Do môi trường, công việc, các vấn đề rắc rối trong quan hệ cá nhân, tài chính, những thay đổi chính trong cuộc sống, gia đình và con cái.
- Nguyên nhân bên trong (chủ quan) thường gặp ở những người cầu toàn, thiếu quyết đoán trong hành động, hay có những tham vọng, đôi khi là kém thực tế khi không đạt được dễ gây stress.
Các nguyên nhân gây ra stress có thể rất khác nhau nhưng phản ứng của cơ thể đối với chúng đều cùng chia theo 3 giai đoạn.
- Giai đoạn đầu: Cảm thấy khó khăn.
- Giai đoạn hai: Thích nghi với các khó khăn.
- Giai đoạn ba: Không còn khả năng chịu đựng nữa và xuất hiện các triệu chứng bệnh.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị stress?
Mọi người ở mọi độ tuổi và giới tính đều có nguy cơ mắc bệnh.
75% dân số đã từng trải qua việc bị stress ít nhất 2 tuần/1 lần.
Yếu tố làm tăng nguy cơ stress, bao gồm:
- Công việc, học tập căng thẳng quá sức.
- Phụ nữ trong giai đoạn mang thai. Lưu ý stress ở phụ nữ mang thai có thể gây suy thai và chậm phát triển ảnh hưởng đến trẻ.
- Trải qua cú sốc tâm lý về tình cảm, gia đình, học hành.
- Môi trường xung quanh ô nhiễm, ồn ào.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán stress
Bệnh nhân sẽ được đánh giá hình mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng, thậm chí cả về tiền sử và hiện tại để chẩn đoán tình trạng stress.
Phương pháp điều trị stress hiệu quả
Phương pháp điều trị chính cho người bị stress thường là các liệu pháp tâm lý và kết hợp dùng thuốc trong tình trạng nặng.
- Biện pháp tâm lý: Nhằm phân tích mâu thuẫn tâm lý để tăng sự hiểu biết bản thân và tìm cách hóa giải mâu thuẫn đó, đồng thời nhận được tư vấn từ chuyên gia tâm lý.
- Dùng thuốc như diazepam.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế bị stress
Chế độ sinh hoạt:
- Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy hoặc tìm kiếm chuyên gia tâm lý để chia sẻ những vấn đề làm bạn mệt mỏi.
- Nuôi thú cưng, đọc sách, nghe nhạc, hay làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
- Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
- Không lạm dụng thuốc an thần.
- Bạn có thể tắm bằng nước ấm hoặc uống sữa giúp bạn ngủ ngon hơn.
- Tập thể dục để giữ tinh thần luôn sảng khoái.
- Chế độ sinh hoạt hợp lý, ngủ đủ giấc và ăn đúng giờ.
- Tập thay đổi suy nghĩ gây stress.
Chế độ dinh dưỡng:
- Nên có chế độ ăn dinh dưỡng và khoa học kèm với hoạt động và nghỉ ngơi đầy đủ giúp giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống.
- Bổ sung các loại thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa, vitamin C có trong rau củ quả.
- Bổ sung magie (có trong chuối) giúp cải thiện vấn đề thần kinh và rối loạn tâm lý.
- Tránh các thực phẩm như đồ ăn nhanh, đồ chiên, rượu mạnh,…
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Giữ thái độ tích cực và suy nghĩ đúng đắn.
- Loại bỏ lo âu, oán giận, trầm cảm, buồn bã.
- Bạn không nên ôm quá nhiều việc vào mình, thay vào đó bạn có thể chia sẻ công việc hoặc học cách từ chối khi cần thiết.
- Có chế độ ăn uống đầy đủ giầu chất dinh dưỡng.
- Nghỉ ngơi thư giãn thực sự.
- Mỗi ngày vận động đều đặn.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.