Mục lục
Suy tuyến yên là gì?
Tìm hiểu chung
Suy tuyến yên là gì?
Tuyến yên là tuyến chủ yếu nằm dưới não, giữ vai trò hỗ trợ các tuyến thượng thận, tuyến giáp, các cơ quan khác sản xuất hormone. Bên cạnh đó, tuyến yên còn có chức năng điều hòa cân bằng nước, huyết áp, trao đổi chất, chức năng sinh dục của cơ thể.
Tuyến yên hoạt động yếu hơn bình thường, không có khả năng sản xuất đủ lượng hormone cần thiết dẫn đến bệnh suy tuyến yên, gây ra nhiều tổn hại các tuyến, cơ quan trong cơ thể.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của suy tuyến yên
Triệu chứng bệnh có khi thể hiện rất bất ngờ cũng có khi không có bất kì triệu chứng gì cho đến khi bệnh đã vô cùng nghiêm trọng. Ở những người có cơ thể tương đối nhạy cảm thường xuất hiện các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, như: Đau đầu, cứng cổ, mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.
Các triệu chứng bệnh phụ thuộc nhiều vào cơ quan bị ảnh hưởng, chẳng hạn:
- Tuyến giáp: Cơ thể yếu, dễ mệt, căng tức bụng, tăng cân, thường xuyên táo bón;
- Tuyến thượng thận: Dễ choáng, chóng mặt, cảm giác ê ẩm dạ dày, đau vùng thắt lưng;
- Ở nam giới: Tinh hoàn chịu ảnh hưởng gây nhiều vấn đề rối loạn cương dương;
- Ở nữ giới: Khô âm đạo, đau rát khi giao hợp, chu kì kinh nguyệt bất thường khi buồng trứng là đối tượng chịu ảnh hưởng của bệnh.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường nào ở các tuyến, cơ quan liên quan đến tuyến yên hãy đến ngay bệnh viện để xét nghiệm kiểm tra, từ đó các bác sĩ mới có thể chẩn đoán chính xác về bệnh.
Nếu xuất hiện bất kì triệu chứng nào xảy ra đột ngột thì liên hệ gấp với bác sĩ để có giải pháp phù hợp, kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến suy tuyến yên
- Tiểu đường: Thoái hóa mạch máu ở bệnh nhân tiểu đường gây nhồi máu tuyến yên.
- Do nhiễm khuẩn ở não; mắc các bệnh nấm, bệnh xã hội như giang mai, lậu.
- Do các chấn thương não, viêm động mạch thái dương, nghẽn mạch trong xoang.
- Hoại tử tuyến yên ở thai phụ: Nhất là giai đoạn sau sinh hoặc nạo phá thai gây nhiễm trùng huyết, nghẽn mạch tuyến yên lâu dần hoại tử.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc suy tuyến yên?
Đây là một bệnh hiếm gặp, theo điều tra khảo sát của tổ chức Y tế thế giới thì tỉ lệ suy tuyến yên là 46/100.000 và tỉ lệ mắc bệnh là 4/100.000 người/năm.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy tuyến yên, bao gồm:
- Dị dạng bẩm sinh, có tiền sử chấn thương sọ hay đột quỵ.
- Tuyến yên từng tổn thương, chảy máu.
- Khối u não, khối u tuyến yên.
- Có tiền sử mất máu trong thời gian thai sản.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy tuyến yên
Các bệnh nhân sẽ được tiến hành:
- Xét nghiệm máu: Giúp xác định thiếu hụt hormone tuyến yên.
- Kích thích hoặc thử nghiệm động.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng (MRI): Giúp kiểm tra khối u và cấu trúc bất thường ở tuyến yến.
- Thử tầm nhìn: Để biết khối u có làm suy giảm thị lực hay các vấn đề về thị lực không.
Các bác sĩ sẽ dựa trên các kết quả xét nghiệm kết hợp với điều tra về tiền sử bệnh lý và khám lâm sàng sẽ đưa ra các chẩn đoán chính xác nhất.
Trường hợp bệnh nhân đang được điều trị bằng phương pháp thay thế hormone thì các bác sĩ sẽ tiến hành chụp MRI tuyến yên để phối hợp chẩn đoán bệnh.
Phương pháp điều trị suy tuyến yên hiệu quả
Chủ yếu điều trị các vấn đề gây nên tình trạng suy tuyến yên và khắc phục chứng giảm hormone ở tuyến yên.
Các giải pháp điều trị dựa trên cơ sở nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc thay thế hormone mà cơ thể không thể tạo ra, bệnh nhân điều trị bệnh này phải sử dụng thuốc suốt cuộc đời mình.
Việc phẫu thuật chỉ được thực hiện khi thật sự cần thiết, khi mà thuốc không đem lại kết quả hoặc tuyến yên phát triển bất thường quá đột ngột.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy tuyến yên
Để có thể điều trị thuận lợi, nhanh chóng phục hồi sức khỏe, các bệnh nhân cần lưu ý:
- Thăm khám đúng lịch để các bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh chuẩn nhất, đảm bảo lượng hormone trong cơ thể vẫn ổn định.
- Uống thuốc đúng liều đúng thời gian, tuyệt đối không tự ý ngưng uống thuốc.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi xuất hiện bất kì dấu hiệu bất thường nào để có giải pháp xử lý phù hợp.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.