Mục lục
Tâm thần phân liệt là gì?
Tìm hiểu chung
Tâm thần phân liệt là bệnh gì?
Tâm thần phân liệt là một nhóm các rối loạn não nghiêm trọng, có thể dẫn đến một số triệu chứng ảo giác, ảo tưởng và suy nghĩ bị rối loạn hành vi. Khả năng hoạt động bình thường và tự chăm sóc cho bản thân họ có xu hướng xấu đi theo thời gian. Đây là một bệnh mạn tính cần phải điều trị suốt đời.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của tâm thần phân liệt
Triệu chứng tâm thần phân liệt ở nam giới thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên hay độ tuổi 20. Còn ở phụ nữ, các triệu chứng của bệnh thường bắt đầu ở độ tuổi 20 hoặc đầu 30. Trẻ em, những người lớn hơn 40 tuổi hiếm khi được chẩn đoán tâm thần phân liệt.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt thường bao gồm:
- Rối loạn tư duy: Người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường cho rằng ý nghĩ của họ có khả năng vang lên thành tiếng nên bất kỳ ai đều có thể biết được hoặc đọc được suy nghĩ của họ, mặc dù họ không nói ra. Do đó, người bệnh có xu hướng dần tách biệt với cuộc sống xung quanh, thu mình lại vào thế giới bên trong của họ.
- Hoang tưởng: Hoang tưởng là những ý tưởng phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế nhưng người bệnh vẫn cho là đúng; người khác không thể phê phán hay giải thích khác được. Thực tế người bệnh tâm thần phân liệt thường có hoang tưởng bị hại, bị theo dõi hoặc bị kiểm tra.
- Rối loạn hành vi: Thường xảy ra khi có tình trạng kích động vô cớ, có biểu hiện đập phá, hò hét hay trái lại là có các hành vi bất động, giữ nguyên tư thế; không nói, không ăn.
- Có các ảo giác: Thường người bệnh sẽ bị ảo thanh, nghe thấy những tiếng nói không có thực, lời bình luận về hành vi của người bệnh hay những tiếng nói khác xuất phát từ một bộ phận nào đó trong cơ thể của họ. Ngoài ra, họ có thể nhìn thấy, ngửi thấy, cảm thấy những gì mà người khác không thấy gọi là ảo thị, ảo khứu.
Ngoài các dấu hiệu điển hình nêu trên, người bệnh còn có thể gặp phải các dấu hiệu khác như: có biểu hiện của những dấu hiệu âm tính như cảm xúc bị cùn mòn, lạnh lẽo; các đáp ứng cảm xúc không thích hợp, có biểu hiện xa lánh hay hằn học với mọi người, sống cô độc, đi lang thang hoặc có những nỗi lo sợ, giận dữ vô cớ.
Tác động của bệnh tâm thần phân liệt đối với sức khỏe
Nếu không điều trị, bệnh tâm thần phân liệt có thể gây ra những hậu quả khôn lường như:
- Tự tử.
- Hành vi tự hủy hoại, như là tự gây thương tích.
- Trầm cảm.
- Gia đình xung đột.
- Mất khả năng làm việc và học tập.
- Là nạn nhân hay thủ phạm của tệ nạn bạo lực.
- Nghiện thuốc lá nặng để giải tỏa thần kinh dẫn đến bệnh tim mạch.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bị tâm thần phân liệt thường không tự nhận thức được mình bị mắc bệnh để tìm đến sự giúp đỡ từ bác sĩ, vì vậy, bản thân mỗi người khi thấy người thân xung quanh mình có biểu hiện kéo dài của những triệu chứng nêu trên, cần đưa họ đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chữa trị kịp thời. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến tâm thần phân liệt
Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây ra bệnh. Nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt là do nhiều yếu tố kết hợp lại tạo ra:
- Yếu tố di truyền: Bệnh có khuynh hướng di truyền trong gia đình. Tỷ lệ mắc bệnh là 1% đối với gia đình bình thường, tuy nhiên tỷ lệ sẽ tăng lên 10% nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ mắc bệnh.
- Yếu tố sinh hóa: Vài chất hoá học trong não được cho rằng có góp phần gây ra bệnh, nhất là chất dopamine, glutamate. Sự mất cân bằng hoá học có thể do ảnh hưởng trực tiếp của yếu tố di truyền.
- Yếu tố gia đình: Không có chứng cứ khoa học chứng minh các mối quan hệ gia đình có thể dẫn đến tâm thần phân liệt. Nhưng ở những người có nguy cơ mắc bệnh cao thì không khí gia đình căng thẳng có thể khiến bệnh dễ bộc phát.
- Yếu tố môi trường: Môi trường sang chấn (stress) có quá nhiều căng thẳng có thể góp phần thúc đẩy sự xuất hiện của tâm thần phân liệt.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt?
Bất kì ai cũng có thể mắc chứng tâm thần phân liệt khi có mối liên quan đến nguyên nhân gây bệnh. Nhất là khi có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sau:
- Lịch sử gia đình có người mắc tâm thần phân liệt.
- Tiếp xúc với virus, chất độc hoặc suy dinh dưỡng trong khi còn trong bụng mẹ, đặc biệt là trong tháng thứ nhất và thứ hai.
- Môi trường cuộc sống căng thẳng.
- Đã từng sử dụng thuốc tâm thần trong quá khứ.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt
Để kết luận bệnh tâm thần phân liệt cần dựa trên yếu tố:
- Đã loại trừ các rối loạn sức khỏe tâm thần khác và xác định rằng các triệu chứng này không phải do lạm dụng thuốc hoặc điều kiện y tế.
- Người đó phải có ít nhất hai trong số các triệu chứng phổ biến của rối loạn này như ảo tưởng, ảo giác, hành vi vô tổ chức hay sự hiện diện của các triệu chứng âm tính kéo dài.
- Khả năng học tập hay làm việc suy yếu.
- Đã có triệu chứng ít nhất sáu tháng.
Quan sát tâm lý, thái độ, hành vi là bước quan trọng để đánh giá tình hình sức khỏe của người bệnh.
Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC) và chẩn đoán hình ảnh X-quang, CT scan có thể được dùng để hỗ trợ.
Phương pháp điều trị hiệu quả bệnh tâm thần phân liệt
Phương pháp điều trị tâm thần phân liệt hiệu quả nhất hiện nay là dùng thuốc chống loạn thần và phục hồi chức năng tâm lý – xã hội cho người bệnh.
Dùng thuốc chống loạn thần:
Thuốc chống loạn thần dùng để kiểm soát các triệu chứng ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh dopamine và serotonin. Triệu chứng và mức độ của các triệu chứng ở người bệnh cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn trong việc lựa chọn thuốc điều trị. Nếu người bệnh bị kích động có thể phải dùng benzodiazapine như lorazepam (ATIVAN), kết hợp với thuốc chống loạn thần.
Một số thuốc chống loạn thần thế hệ mới bao gồm:
- Aripiprazole (Abilify)
- Clozapine (Clozaril)
- Olanzapine (Zyprexa)
- Paliperidone (Invega)
- Quetiapine (Seroquel)
- Risperidone (Risperdal)
- Ziprasidone (Geodon)
Bên cạnh đó cũng có thuốc chống loạn thần thế hệ cũ, bao gồm: Chlorpromazin (THORAZINE); Fluphenazine; Haloperidol; Perphenazine. Tuy nhiên thuốc thế hệ cũ thường rẻ hơn do có nhiều tác dụng phụ.
Phục hồi chức năng tâm lý – xã hội:
- Tập trung cải thiện tương tác giao tiếp xã hội của bệnh nhân.
- Hỗ trợ và giáo dục cho gia đình đối phó với tâm thần phân liệt.
- Tập trung giúp đỡ người tâm thần phân liệt tìm và giữ việc làm.
- Giúp mọi người trong xã hội có cái nhìn đúng đắn hơn, cảm thông hơn với bệnh nhân để họ cảm thấy thoải mái hơn với căn bệnh này và cần được điều trị lâu dài.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tâm thần phân liệt
Lối sống cho người bệnh:
- Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Bên cạnh đó cần lưu ý:
- Không suy nghĩ căn bệnh này là do ma quỷ và đưa bệnh nhân đến thầy bùa.
- Không tranh luận với những suy nghĩ hoang tưởng của người bệnh.
- Không nên xiềng xích, trói hay nhốt người bệnh.
- Không tự ý để bệnh nhân ngừng thuốc hoặc sử dụng loại thuốc khác không theo toa của bác sĩ.
- Người nhà bệnh nhân nên có thái độ bao dung, cảm thông và tích cực hỗ trợ người bệnh trong cuộc sống, tạo điều kiện cho người bệnh tham gia các hoạt động hồi phục chức năng tâm lý và sống dung hòa với xã hội.
Phương pháp phòng bệnh hiệu quả
Chưa có biện pháp chắc chắn phòng chống bệnh tâm thần phân liệt vì không rõ nguyên nhân và bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền. Điều bạn có thể làm là phòng tránh căng thẳng quá độ, khi có những vấn đề khiến tâm thần không ổn định như có dấu hiệu xáo trộn về tư duy, cảm xúc, hay ảo giác, nhất là ảo thanh nghe tiếng nói thì cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra.
Đối với những người có nguy cơ mắc tâm thần phân liệt, chủ động phòng tránh bằng cách không sử dụng ma túy; giải tỏa căng thẳng, giảm stress; ngủ đủ giấc và bắt đầu dùng thuốc chống loạn thần ngay khi cần thiết để ngăn chặn các triệu chứng xấu đi.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.