Mục lục
Thiếu máu cơ tim là gì?
Tìm hiểu chung
Thiếu máu cơ tim là gì?
Thiếu máu cơ tim hay còn gọi là thiếu máu cơ tim cục bộ, là tình trạng một mạch máu nuôi tim bị hẹp, dẫn đến tình trạng lưu lượng máu không cung cấp đủ cho tim, gây tổn thương cho một phần cơ tim. Trái tim đòi hỏi cung cấp oxy và chất dinh dưỡng liên tục, giống như bất kỳ cơ bắp nào trong cơ thể. Hai động mạch vành lớn cung cấp máu mang oxy cho cơ tim, nếu một trong các động mạch hoặc các nhánh bị tắc nghẽn đột ngột thì một phần của tim sẽ bị thiếu oxy, tình trạng này gọi là “thiếu máu cơ tim cục bộ”. Nếu thiếu máu cơ tim kéo dài quá lâu, các mô tim sẽ bị chết do không được cung cấp máu.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu cơ tim
Các dấu hiệu của thiếu máu cơ tim bao gồm:
- Áp lực hoặc tức ngực;
- Đau ở ngực, lưng, hàm và các khu vực khác của phần trên cơ thể, kéo dài hơn một vài phút, giảm dần và tái phát;
- Khó thở;
- Đổ mồ hôi;
- Buồn nôn;
- Nôn;
- Lo lắng;
- Ho;
- Chóng mặt;
- Nhịp tim nhanh.
Lưu ý là không phải tất cả những người bị bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ đều có các triệu chứng hoặc mức độ nghiêm trọng như nhau, đau ngực là triệu chứng thường xuất hiện ở cả phụ nữ và nam giới.
Biến chứng có thể gặp của thiếu máu cơ tim
Thiếu máu cơ tim sẽ dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng bao gồm:
- Rối loạn nhịp tim.
- Cơ tim bị tổn thương.
- Đau tim (nhồi máu cơ tim).
Các biến chứng này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị sớm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu cơ tim
Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim là do mảng xơ vữa tích tụ gây xơ cứng động mạch làm hạn chế lưu lượng trong động mạch.
Nguyên nhân gây xơ cứng động mạch bao gồm:
- Cholesterol cao.
- Béo phì.
- Lão hóa.
- Hút thuốc lá.
- Đề kháng insulin, béo phì hay tiểu đường.
- Tình trạng viêm từ các căn bệnh như viêm khớp, lupus, nhiễm trùng hoặc viêm không rõ nguyên nhân.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải thiếu máu cơ tim?
Cơ tim thiếu máu cục bộ là một vấn đề khá phổ biến liên quan đến lão hóa. Khi có tuổi, nguy cơ thiếu máu cục bộ cơ tim tăng. Ở nam giới, nguy cơ gia tăng sau tuổi 45. Ở phụ nữ, nguy cơ gia tăng sau 55 tuổi.
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Huyết áp cao.
- Nồng độ cholesterol cao.
- Nồng độ triglyceride cao.
- bệnh tiểu đường và lượng đường trong máu cao.
- Béo phì.
- Hút thuốc.
- Tuổi tác.
- Bệnh sử gia đình.
- Căng thẳng.
- Ít tập thể dục.
- Sử dụng các loại thuốc bất hợp pháp nhất định, bao gồm cocaine và chất kích thích.
- Tiền sử của tiền sản giật hoặc huyết áp cao khi mang thai.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thiếu máu cơ tim
Bác sĩ chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh và khám lâm sàng. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sử dụng một số xét nghiệm bao gồm:
- Điện tâm đồ (ECG).
- Siêu âm tim.
- Xạ hình tưới máu cơ tim.
- Chụp động mạch vành.
- Chụp CT scan.
- Test gắng sức.
Phương pháp điều trị thiếu máu cơ tim hiệu quả
Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Nong mạch vành.
- Bắc cầu động mạch vành (CABG).
- Chất làm loãng máu như aspirin giúp phá vỡ khối tiểu cầu và cải thiện lưu lượng máu qua động mạch bị hẹp.
- Chất làm tan huyết khối có thể hòa tan các khối máu đông.
- Các thuốc chống tiểu cầu, chẳng hạn như clopidogrel, có thể ngăn chặn hình thành các khối máu đông.
- Nitroglycerin có thể giãn các mạch máu.
- Thuốc chẹn beta làm giảm huyết áp và thư giãn cơ tim, giúp hạn chế mức độ tổn thương cho trái tim.
- Thuốc ức chế men chuyển ACE có thể giảm huyết áp và áp lực đến tim.
- Thuốc giảm đau có thể làm giảm đau ngực.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thiếu máu cơ tim
Các biện pháp kiểm soát bệnh bao gồm:
- Bỏ thuốc lá.
- Kiểm soát các bệnh lý có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ chẳng hạn như tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao trong máu.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, bạn nên hạn chế hấp thu chất béo bão hòa và ăn nhiều ngũ cốc, trái cây và rau quả.
- Tập thể dục.
- Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh.
- Giảm căng thẳng.
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.