Mục lục
Thoái hóa điểm vàng là gì?
Tìm hiểu chung
Thoái hóa điểm vàng là gì?
Thoái hóa điểm vàng hay còn gọi là thoái hóa hoàng điểm (AMD), là một bệnh rối loạn về mắt gây ảnh hưởng đến khả năng nhìn, là nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa. Có hai loại thoái hóa điểm vàng là thoái hóa điểm vàng dạng khô và thoái hóa điểm vàng dạng ướt. Vì người lớn tuổi thường gặp phải cả hai loại bệnh này nên bệnh được gọi chung là thoái hóa điểm vàng do lão hóa.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của thoái hóa điểm vàng
Các dấu hiệu và triệu chứng biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào từng loại thoái hóa điểm vàng, bao gồm:
- Thoái hóa điểm vàng khô: Là tình trạng thị lực suy giảm, cảm giác bị nhòe khi nhìn một vật gì đó. Khi bệnh trở nên nặng hơn, một điểm mờ sẽ xuất hiện giữa tầm nhìn của bạn và càng ngày càng sẫm màu hơn.
- Thoái hóa điểm vàng ướt: Tầm nhìn trung tâm bị bóp méo, ví dụ như các đường thẳng trở nên lượn sóng. Hoặc tầm nhìn trung tâm sẽ xuất hiện một điểm mờ, theo thời gian điểm mờ này lớn dần làm giảm khả năng nhìn.
Biến chứng có thể gặp khi bị thoái hóa điểm vàng
Thoái hóa điểm vàng nếu không được điều trị sẽ gây ra các biến chứng như: Ảo giác, trầm cảm, lo âu, thậm chí mù lòa.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bạn thấy xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào nêu trên hay nghi ngờ về thị lực, hoặc có bất cứ câu hỏi, thắc mắc liên quan đến bệnh, xin vui lòng đến gặp bác sĩ để được tham vấn.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa điểm vàng
Nguyên nhân gây ra thoái hóa điểm vàng phụ thuộc vào dạng thoái hóa điểm vàng, bao gồm:
- Dạng khô: Đây là dạng phổ biến nhất, xảy ra khi các tế bào nhạy cảm điểm sáng trong vùng điểm vàng từ từ bị suy giảm.
- Dạng ướt: Xảy ra khi các mạch máu bất thường sau võng mạc bắt đầu phát triển. Các mạch máu mới này thường dễ vỡ dẫn đến rỉ máu trong điểm vàng. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất thị lực sau này.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải thoái hóa điểm vàng?
Bệnh phổ biến ở những người trên 60 tuổi, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Độ tuổi: càng cao tuổi bạn càng dễ mắc bệnh, đặc biệt là ở độ tuổi trên 60;
- Gia đình có tiền sử bị bệnh thoái hóa điểm vàng;
- Hút thuốc;
- Người bị béo phì;
- Chế độ ăn uống không lành mạnh.
Bạn vẫn có thể mắc bệnh dù không có những yếu tố trên. Xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thoái hóa điểm vàng
Việc chẩn đoán được thực hiện bằng cách: bác sĩ nhỏ vào mắt một loại thuốc chuyên dụng, sau đó dùng ống kính y khoa để xem võng mạc, mạch máu và thần kinh thị giác. Bạn cũng có thể sẽ thực hiện một bài kiểm tra bằng cách nhìn vào bản vẽ Amsler bằng một mắt. Nếu những gì bạn thấy là các đường gợn sóng, rất có thể bạn đã mắc bệnh thoái hóa điểm vàng.
Phương pháp điều trị thoái hóa điểm vàng hiệu quả
Nếu bị thoái hóa điểm vàng giai đoạn đầu, bạn nên kết hợp các loại vitamin, chất chống oxy hóa và kẽm cùng với bỏ thuốc lá để quá trình điều trị hiệu quả hơn. Tuy phương pháp này không giúp cho thị lực của bạn phục hồi như cũ nhưng nó có tác dụng ngăn không cho bệnh phát triển thêm.
Điều trị thoái hóa điểm vàng ướt bao gồm phẫu thuật bằng laser hoặc liệu pháp quang năng. Cả hai đều không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn nhưng có thể làm chậm tốc độ mất thị lực.
Phương pháp điều trị mới hơn bao gồm tiêm vào mắt một loại chất kháng thể monoclonal và nhân tố ngăn giãn mạch màng trong phát triển. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu ở mắt và bị đau.
Nếu thoái hóa điểm vàng ở giai đoạn cuối, sẽ không có phương pháp điều trị giúp ngăn chặn việc mất đi thị lực.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Các biện pháp hạn chế diễn tiến của thoái hóa điểm vàng bao gồm:
- Ăn nhiều trái cây, rau củ, cá và tránh các thực phẩm có nhiều chất béo.
- Không hút thuốc.
- Kiểm tra mắt định kỳ và tuân theo các chỉ định của bác sĩ.
- Chỉ đọc sách hoặc làm những việc mang tính tập trung cao khi có ánh sáng đầy đủ.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.