Mục lục
Tiền sản giật là gì?
Tìm hiểu chung
Tiền sản giật là bệnh gì?
Tiền sản giật là tình trạng huyết áp cao và protein dư thừa trong nước tiểu sau tuần thai thứ 20 và chấm dứt sau sinh 6 tuần, ở các phụ nữ có huyết áp bình thường trước đó. Với trường hợp nặng tiền sản giật có thể phát triển sớm hơn, hoặc cũng có khi bệnh lý chỉ là vấn đề nhỏ trong cả thai kỳ, có lúc chỉ xuất hiện sau khi sinh.
Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và thai nhi nếu không được chữa trị sớm, thậm chí dẫn đến nguy cơ sản giật.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị tiền sản giật
Tiền sản giật xuất hiện với 3 triệu chứng điển hình là:
- Cao huyết áp (sau tuần 20 của thai kỳ);
- Dư protein trong nước tiểu (protein niệu);
- Cơ thể bị phù;
- Trường hợp nặng, bên cạnh 3 triệu chứng trên còn xuất hiện thêm một trong các triệu chứng như: Huyết áp cao vượt ngưỡng 160/110mmHg, lượng nước tiểu trong 24 giờ ít hơn 400ml, có hơn 5 gam Albumin trong nước tiểu trong 24 giờ, thai phụ nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau thượng vị, cảm giác ngộp thở, nặng ngực.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bất cứ khi nào sản phụ có các biểu hiện khác thường điển hình như tăng huyết áp, cơ thể bị phù và hoa mắt chóng mặt… thì nên đến gặp bác sĩ ngay để được chữa trị sớm. Nếu không sẽ dẫn đến một số hậu quả không đáng có đối với mẹ và thai nhi, như:
- Đối với thai nhi: có thể suy dinh dưỡng rồi suy thai, non tháng vì chuyển dạ tự nhiên hoặc buộc phải sinh sớm vì bệnh của mẹ.
- Đối với mẹ: Dẫn đến sản giật, nếu sản phụ không được điều trị kịp thời có thể diễn tiến đến co giật, hôn mê, phù phối cấp, suy tim cấp, hoặc xuất huyết não gây tử vong.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến tiền sản giật
Hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra tiền sản giật. Tuy nhiên các yếu tố sau đây có thể gây nên bệnh:
- Không đủ máu chảy vào tử cung.
- Tổn thương các mạch máu.
- Trục trặc ở hệ thống miễn dịch.
- Chế độ ăn uống nghèo nàn.
- Stress kéo dài.
- Di truyền.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh tiền sản giật?
Phụ nữ mang thai dưới 20 và trên 40 tuổi có nguy cơ tiền sản giật cao hơn. Đặc biệt sản phụ có nguy cơ rủi ro với bệnh tiền sản giật khi bị béo phì, có tiền sử cao huyết áp, tuổi già, và tiểu đường, đặc biệt với phụ nữ có con đầu hoặc sinh đôi. Ngoài ra còn có các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh khác như:
- Thiếu vitamin D.
- Phụ nữ mang thai có nồng độ của một số protein trong máu hoặc nước tiểu cao có nhiều khả năng bị tiền sản giật hơn những phụ nữ khác.
- Có một số bệnh trước khi mang thai như bị cao huyết áp mãn tính, đau nửa đầu, bệnh tiểu đường, bệnh thận, viêm khớp dạng thấp hoặc lupus,…
- Đã từng bị tiền sản giật.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp dùng để xét nghiệm và chẩn đoán tiền sản giật
Bệnh thường được phát hiện trong quá trình kiểm tra sức khỏe trước sinh khi theo dõi huyết áp và xét nghiệm nước tiểu định kỳ. Chẩn đoán phụ thuộc vào sự hiện diện của cao huyết áp và protein trong nước tiểu sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
Đồng thời nếu bạn có chỉ số huyết áp cao bất thường và sự bất thường này được ghi nhận ở lần khám thứ hai cách lần trước hơn 6 tiếng, chẩn đoán tiền sản giật mới được khẳng định.
Một số xét nghiệm bổ sung bao gồm:
- Xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan và thận cũng như số lượng tiểu cầu – các tế bào giúp quá trình đông máu.
- Xét nghiệm nước tiểu đã được lưu trữ.
- Siêu âm thai nhi.
- Kiểm tra không kích thích (Non Stress test) hoặc trắc đồ sinh lý (Biophysical profile).
Phương pháp điều trị tiền sản giật hiệu quả
Thai phụ nên nhập viện khi đã được chẩn đoán chính xác và tiến hành điều trị theo sự hướng dẫn, chăm sóc của bác sĩ và nữ hộ sinh. Tránh để biến chứng chuyển sang dấu hiệu tiền sản giật nặng.
- Trường hợp tiền sản giật nhẹ: Có thể điều trị tại nhà, ăn nhạt, nghỉ ngơi với tư thế nằm nghiêng để giúp máu qua thai nhi dễ dàng hơn. Khám thai hai lần một tuần để kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi.
- Nếu bị tiền sản giật nặng, phải chấm dứt ngay bệnh bằng việc sinh thai nhi, ngay cả khi thai nhi còn non tháng, để tránh nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cho mẹ.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tiền sản giật
Phòng ngừa:
Mọi người mẹ khi mang thai cần hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, nắm được một số nguy cơ cũng như dấu hiệu của hội chứng tiền sản giật – sản giật, khám thai thường xuyên và chủ động để kịp thời xử trí khi có vấn đề không mong muốn xảy ra.
- Trước khi mang thai, nên có chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn để giúp giảm cân, tránh béo phì, có chỉ số BMI phù hợp.
- Khám thai định kỳ thật đều đặn.
- Không sinh con quá sớm hay quá muộn.
- Không làm việc nặng nhọc, quá sức.
- Có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
- Khi bị cao huyết áp cần tuân theo sự hướng dẫn điều trị và chăm sóc của các bác sĩ và nữ hộ sinh.
Chế độ dinh dưỡng:
Sự chăm sóc toàn diện là yếu tố quan trọng nhất để điều trị cho người bị tiền sản giật. Thai phụ bị tiền sản giật cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, ánh sáng dịu nhẹ và được theo dõi thường xuyên.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.