Mục lục
U lympho là gì?
Tìm hiểu chung
U lympho là gì?
U lympho là bệnh ung thư hệ bạch huyết xảy ra khi có sự sai lệch trong quá trình hình thành tế bào lympho, tạo ra những tế bào lympho bất thường. Các tế bào này sinh sản gấp nhiều lần so với sự sinh sản của tế bào bình thường. Sự sinh sản đó kéo dài cho đến một lúc nào đó làm phá vỡ cấu trúc của các tổ chức bạch huyết, rõ nhất là các hạch bạch huyết, làm cho các hạch phì đại và to ra mà ta có thể sờ thấy được.
Dựa vào mô học, u lympho được chia làm hai nhóm chính là bệnh Hodgkin và bệnh u lympho không Hodgkin. Hai loại này có triệu chứng gần giống nhau, đều có hạch to nhưng về tần suất thì Hodgkin ít gặp hơn so với u lympho không Hodgkin và tiên lượng cũng tốt hơn.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của u lympho
Do các tế bào lympho tập trung nhiều tại các hạch bạch huyết nên triệu chứng tại hạch (hạch cổ, hạch nách, hạch bẹn,…) thường gặp và rõ ràng nhất là hạch càng ngày càng to ra, lúc đầu chỉ có thể một hạch sau lan ra một hay nhiều nhóm hạch, cuối cùng là hạch toàn thân.
Hạch lúc đầu không đau hoặc chỉ đau nhẹ, càng về sau người bệnh có thể đau nhức nhiều do tế bào ung thư xâm lấn các tổ chức xung quanh. Nếu u lympho xuất hiện ngoài hạch như ở dạ dày thì sẽ có triệu chứng như viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa (đi cầu phân đen).
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến u lympho
U lympho là bệnh ung thư hệ bạch huyết xảy ra khi có sự sai lệch trong quá trình hình thành tế bào lympho, tạo ra những tế bào lympho bất thường.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc u lympho?
Những người có hệ thống miễn dịch yếu thường dễ mắc phải u lympho. Bệnh thường gặp ở những người trên 60 tuổi và nam giới thường có xu hướng mắc bệnh cao hơn nữ giới. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là:
- Thuốc ức chế hệ miễn dịch: Nếu bạn được ghép tạng, bạn dễ bị u lympho không Hodgkin hơn do các liệu pháp ức chế miễn dịch làm giảm khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể.
- Nhiễm một số loại virus và vi khuẩn: Virus có liên quan đến u lympho không Hodgkin bao gồm HIV, virus Epstein-Barr và vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn gây loét dạ dày tá tràng).
- Hoá chất: Tiếp xúc quá nhiều với các loại hóa chất như thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu cũng làm tăng nguy cơ bị u lympho không Hodgkin.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u lympho
Để chẩn đoán bệnh u lympho có các cách sau: Sinh thiết hạch, chụp X-quang, quét CT bụng và ngực, chụp cắt lớp phát xạ (PET scan), sinh thiết và phân tích dịch não tủy. Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng chuyển hóa toàn diện (CMP).
Phương pháp điều trị u lympho hiệu quả
Có các phương pháp điều trị bệnh u lympho sau: Hóa trị, xạ trị, cấy ghép tế bào gốc và các biện pháp sinh học.
- Hóa trị
Thuốc hóa trị mặc dù có thể tiêu diệt tế bào ung thư nhưng cũng có thể gây hại các tế bào bình thường, chẳng hạn như các tế bào máu. Như vậy, các biến chứng như thiếu máu và dễ bị nhiễm trùng có thể xảy ra. Đặc biệt, các nhiễm trùng cơ hội và các nhiễm trùng đe dọa tính mạng trong thời kỳ tế bào bạch cầu thấp luôn luôn đáng sợ.
- Xạ trị
Điều trị bức xạ (còn gọi là xạ trị) sử dụng các tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào u lympho không Hodgkin. Nó có thể thu nhỏ các khối u và giúp giảm đau. Hai loại xạ trị được sử dụng cho người bị bệnh u lympho là bức xạ bên ngoài và bức xạ toàn thân.
- Cấy ghép tế bào gốc
Phương pháp này có thể được sử dụng trong điều trị các u lympho, thường dùng trong các trường hợp tái phát hoặc các trường hợp khó chữa. Nó còn được gọi là Hóa Trị Liều Cao. Nguyên lý là sử dụng liều cao của hóa trị để diệt trừ các tế bào u lympho kháng thuốc. Các tế bào gốc được sử dụng để “giải cứu” bệnh nhân do đó các tác dụng phụ của Hóa Trị Liều Cao có thể được đảo lại nhanh chóng.
- Liệu pháp sinh học
Nó chủ yếu bao gồm các kháng thể đơn dòng. Đây là những phân tử protein chuyên biệt có thể liên kết với các tế bào u lympho nhất định (thông qua các dấu hiệu trên bề mặt tế bào) và giết chúng trong quá trình này.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh u lympho bạn có thể thực hiện một số những biện pháp sau:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
- Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
- Chăm sóc răng miệng để ngăn ngừa loét miệng.
- Đặc biệt, bạn phải cân nhắc việc gửi tinh trùng hoặc trứng vào ngân hàng tinh trùng hoặc ngân hàng trứng nếu bạn có kế hoạch có con.
- Bên cạnh đó bạn cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng và lối sống lành mạnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.