Mục lục
U nang buồng trứng là gì?
Tìm hiểu chung
U nang buồng trứng là gì?
U nang buồng trứng là những bao dịch được hình thành và phát triển bên trong buồng trứng của phụ nữ mà kích thước của nó có thể từ vài mm đến vài cm. Hay nói một cách khác thì u nang buồng trứng tức là trong buồng trứng có một khối phát triển bất thường. Khối này có thể là tổ chức mô mới khác với tổ chức buồng trứng bình thường hoặc là sự tích tụ dịch tạo thành một nang trên buồng trứng. U nang buồng trứng có thể phát triển từ các mô của buồng trứng hoặc từ mô của các cơ quan khác trong cơ thể.
Có rất nhiều loại u nang buồng trứng khác nhau như u nang bì, u nang nội mạc, u nang nang trứng, u nang hoàng thể… Ngoài ra, một số phụ nữ còn gặp tình trạng đa nang buồng trứng, đó là khi buồng trứng chứa quá nhiều các u nang nhỏ.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của u nang buồng trứng
U nang buồng trứng có các biểu hiện như:
- Đau tức bụng, khó chịu ở vùng âm đạo và có đôi khi là vùng thắt lưng, đùi;
- Thường xuyên thấy đầy bụng;
- Tiểu khó, tiểu dắt;
- Cơn đau nặng hơn khi quan hệ;
- Thay đổi một vài chỉ số cơ thể, tăng cân không rõ lý do;
- Đau ngực, đôi khi buồn nôn và nôn;
- Rối loạn kinh nguyệt.
Trong trường hợp u có biến chứng ác tính sẽ tạo nên các triệu chứng cấp độ nặng hơn và thậm chí là sốc tạm thời, ví dụ như đột ngột sốt và nôn mửa, kiệt sức và ngã khuỵu không rõ nguyên nhân.
Biến chứng có thể gặp khi mắc u nang buồng trứng
Phần lớn u nang buồng trứng là u lành nhưng cũng có trường hợp là ác tính. Nếu không kịp thời chữa trị có thể chuyển sang ung thư buồng trứng, đe dọa rất lớn đến khả năng phát triển và rụng trứng, gây khó khăn trong quá trình thụ thai và có con của phụ nữ.
Ngoài ra, u nang buồng trứng còn có thể dẫn đến biến chứng xoắn u gây đau quặn bụng cấp tính, vỡ u, chèn ép gây rối loạn tiêu hoá, đường tiết niệu, dẫn tới suy thận hoặc thành u ác tính.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
U nang buồng trứng không phải là bệnh quá nguy hiểm, tuy nhiên độ phục hồi cơ thể còn phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh. Nếu bạn chủ quan và để bệnh phát triển quá lâu thì có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường trước được. Chính vì vậy, khi có nghi ngờ gì về bất kì một dấu hiệu kể trên thì hãy đến gặp bác sĩ để có cách giải quyết tốt nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến u nang buồng trứng
Bệnh u nang buồng trứng chủ yếu đến từ các nguyên nhân sau:
- Nang trứng phát triển không đầy đủ, không hấp thụ được các chất lỏng trong buồng trứng.
- Mạch máu của nang trứng bị vỡ dẫn đến u nang xuất huyết.
- Do định lượng các hormone như Chorionic Gonadotropin, Hormone luteinizing quá cao, dẫn tới hình thành u nang lutein và ảnh hưởng xấu tới buồng trứng.
- Thể vàng phát triển dẫn đến kinh nguyệt kéo dài.
- Dư thừa Chorionic Gonadotropin (HCG) dẫn đến u nang lutein. Dư thừa Chorionic Gonadotropin là do: Các khối u xuất hiện trong thời kì thai nghén, rối loạn HCG để kích thích rụng trứng.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc u nang buồng trứng?
Nguy cơ bị u nang buồng trứng cao nhất là từ lúc bắt đầu dậy thì và kéo dài suốt trong độ tuổi sinh sản. Sau tuổi mãn kinh thì nguy cơ ít hơn nhưng vẫn có trường hợp mắc phải. Do đó, những bạn gái trẻ đang trong giai đoạn dậy thì hay độ tuổi sinh sản thì không nên chủ quan với bệnh u nang buồng trứng này.
Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa lý giải vì sao khối u hình thành trong buồng trứng ở một số phụ nữ. Tuy nhiên có những yếu tố nguy cơ dường như có liên quan đến sự xuất hiện khối u này:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều.
- Áp dụng các phương pháp để tăng khả năng thụ thai.
- Mất cân bằng nội tiết.
- Làm việc quá sức, stress.
- Tình trạng béo phì.
- Lạm dụng quá nhiều thuốc.
- Yếu tố di truyền.
- Chế độ ăn uống mất cân bằng.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u nang buồng trứng
Hiện nay, có 4 kĩ thuật chẩn đoán u nang buồng trứng:
- Siêu âm: Chủ yếu để xác định vị trí, vẻ ngoài của khối u và một số biểu hiện cơ bản của u, kèm theo đó là ảnh hưởng của nó đối với buồng trứng và tử cung.
- Chụp ảnh buồng trứng: Về cơ bản kỹ thuật này chỉ để xác định độ an toàn của khối u, các phần phụ và buồng trứng.
- Nội soi ổ bụng: Nếu u quá lớn, siêu âm sẽ không thể chỉ rõ phạm vi của nó, lúc đó cần nội soi ổ bụng. Về cơ bản phương pháp này tương tự với nội soi dạ dày, chụp lại ổ bụng bằng CT Scanner.
Phương pháp điều trị u nang buồng trứng hiệu quả
Hiện nay có thể điều trị u nang buồng trứng bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa.
Nội khoa:
U nang buồng trứng ở giai đoạn nhẹ thì việc điều trị bằng phương pháp nội khoa là tốt nhất. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý trong quá trình điều trị cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh trường hợp bệnh diễn biến tiêu cực gây khó khăn cho việc khám chữa về sau.
Ngoại khoa:
Nếu điều trị nội khoa không cho hiệu quả như mong muốn và bệnh phát triển nặng hơn thì cần sử dụng đến phương pháp điều trị ngoại khoa can thiệp bằng phẫu thuật để chấm dứt các triệu chứng khó chịu. Trước khi thực hiện phẫu thuật điều trị viêm buồng trứng bệnh nhân cần cân nhắc kỹ lưỡng về mong muốn và nguyện vọng sinh con. Giải pháp tối ưu để vừa khỏi bệnh vừa bảo vệ được chức năng sinh sản chính là thăm khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng một lần để tầm soát bệnh.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của u nang buồng trứng
Phụ nữ có thể bảo vệ bản thân bằng cách đi khám phụ khoa 6 tháng/lần là một trong những cách tốt nhất để chị em kịp thời phát hiện và điều trị sớm u nang buồng trứng. Bởi căn bệnh này càng được phát hiện sớm thì càng ít có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng làm mẹ của người phụ nữ.
Bên cạnh đó, phụ nữ cần có chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, điều chỉnh cân nặng phù hợp, tránh hút thuốc và bổ sung thêm các sản phẩm thảo dược có nguồn gốc thiên nhiên để ngăn chặn u nang buồng trứng. Khi phát hiện u nang buồng trứng cần điều trị ngay nhằm hạn chế tối đa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.