Mục lục
Ung thư tuyến tụy là gì?
Tìm hiểu chung
Ung thư tuyến tụy là gì?
Tuyến tụy là cơ quan nằm trong ổ bụng, giữa dạ dày, gan và ruột, có chức năng sản xuất insulin và dịch tiêu hóa. Ung thư tuyến tụy là một loại ung thư xảy ra trong các mô của tuyến tụy, cơ quan nội tiết trọng yếu nằm phía sau dạ dày.
Bệnh tuy ít gặp nhưng được xem là sát thủ thầm lặng do các biểu hiện khá mơ hồ ở giai đoạn đầu.
Các giai đoạn bệnh:
- Giai đoạn 1: Khối u chỉ tồn tại trong tuyến tụy.
- Giai đoạn 2: Khối u đã lan đến gần mô bụng hoặc hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 3: Ung thư đã lan đến các mạch máu chính và các hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 4: Khối u đã lan rộng đến các cơ quan khác như gan.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tuyến tụy
Một số biểu hiện sớm nhất của căn bệnh nguy hiểm này mà khi có thì bạn nên sớm đi thăm khám:
- Đau lưng: đột nhiên xuất hiện triệu chứng đau lưng, cơn đau ngày càng tăng về cả cường độ và tần suất, nhất là khi bệnh nhân ăn uống hoặc khối u ngày một phát triển.
- Vàng da, vàng mắt: nếu đột nhiên chân, tay, mắt và một số bộ phận khác của cơ thể có dấu hiệu chuyển sang màu vàng thì bạn cần đặc biệt lưu ý. Có khoảng 90% bệnh nhân ung thư tuyến tụy đều có biểu hiện vàng da, vàng mắt ở giai đoạn sớm.
- Mệt mỏi, chán ăn, giảm cân: cơ thể người bệnh lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng, chán ăn và sụt cân nhanh.
Tác động của ung thư tuyến tụy đối với sức khỏe
- Vàng da và mắt, nước tiểu có màu tối và màu phân nhạt.
- Một khối u đang phát triển có thể chèn ép vào dây thần kinh ở bụng, gây đau và có thể trở nên nghiêm trọng.
- Tắc nghẽn đường ruột do chặn dòng chảy của thức ăn tiêu hóa từ dạ dày đến ruột non.
- Giảm cân, buồn nôn và nôn do phương pháp điều trị ung thư hoặc khối u ép vào dạ dày có thể khiến người bệnh khó ăn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi xuất hiện những biểu hiện sớm của ung thư tuyến tụy như đau lưng, vàng da, vàng mắt, sụt cân, cơ thể mệt mỏi, suy nhược,… thì bạn cần chú ý phát hiện sớm và đến cơ sở y tế chuyên khoa hay bệnh viện uy tín để được tư vấn.
Tránh trường hợp để đến khi bước sang giai đoạn muộn mới phát hiện bệnh, khi mà khối u đã xâm lấn sang gan, phổi thì phương pháp phẫu thuật cũng không được áp dụng mà người bệnh chỉ được điều trị bằng hóa trị và xạ trị thay thế. Cũng vì vậy mà tiên lượng bệnh thường kém, khả năng tử vong cao. Theo thống kê chỉ có 4% bệnh nhân mắc phải có thể sống trên 5 năm nếu được điều trị sớm và đúng cách.
Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến ung thư tuyến tụy
Cho đến nay, nguyên nhân của ung thư tuyến tụy vẫn chưa các nhà khoa học nhận biết rõ. Ung thư tuyến tụy xảy ra khi các tế bào trong tuyến tụy, một cơ quan nằm sau dạ dày, bắt đầu sinh sôi khỏi tầm kiểm soát và tạo thành một khối u. Các tế bào ung thư có khả năng xâm lấn vào các bộ phận khác của cơ thể.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị ung thư tuyến tụy?
Nguy cơ mắc bệnh tăng lên theo độ tuổi, phần lớn bệnh nhân trong độ tuổi từ 50 đến 80.
Yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy
Hút thuốc lá là yếu tố mang nguy cơ mắc bệnh cao. Tuy nhiên tiểu đường cũng được cho là có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.
Ngoài yếu tố phổ biến trên, các yếu tố khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ, bao gồm:
- Ít vận động cơ thể và luyện tập thể dục.
- Uống rượu nhiều.
- Tiếp xúc thường xuyên với thuốc trừ sâu và hóa chất.
- Có chứng viêm tụy mạn tính.
- Có tổn thương ở gan.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến tụy hoặc các rối loạn di truyền nào đó có liên quan đến loại ung thư này.
Các yếu tố về chế độ ăn uống như rượu và chất béo có thể liên quan, nhưng hiện nay vẫn chưa được chứng minh dẫn đến ung thư tuyến tụy.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư tuyến tụy
Nếu nghi ngờ ung thư tuyến tụy bạn có thể được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán ban đầu gồm:
- Chụp CT (chụp cắt lớp điện toán) vùng bụng: Có thể phát hiện ra bất kỳ khối u nào lớn hơn 2 cm trong tuyến tụy trong hơn 95% các trường hợp. Các khối u nhỏ hơn thường khó phát hiện.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp hình dung tuyến tụy và các ống dẫn trong tụy.
- Siêu âm nội soi để có được hình ảnh của tụy.
- Một mẫu mô nhỏ cũng có thể được sinh thiết.
- Xét nghiệm máu để kiểm tra xem có khối u CA 19-9 gây ung thư tuyến tụy không.
Phương pháp điều trị ung thư tuyến tụy hiệu quả
Phẫu thuật là lựa chọn để điều trị ung thư tuyến tụy ở giai đoạn sớm. Ngay cả khi không còn có khả năng phẫu thuật thì thủ thuật vượt qua đoạn nghẽn có thể được thực hiện để làm giảm sự vàng da và ngứa do ung thư tuyến tụy, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Xạ trị là phương pháp điều trị chính nếu không thể phẫu thuật. Phương pháp này có thể giúp giảm đau và đôi khi giảm vàng da. Khi điều trị bổ sung sau phẫu thuật, xạ trị giúp ngăn ngừa ung thư tái phát.
Hoá trị được sử dụng để tăng hiệu quả của xạ trị, hay khi phẫu thuật và xạ trị không còn thích hợp. Hóa trị có thể kéo dài cuộc sống của bệnh nhân thêm vài tháng.
Một số thuốc giảm đau có thể giúp kiểm soát các triệu chứng khó chịu, đau đớn.
Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh ung thư tuyến tụy
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Tạo không khí vui vẻ cho bệnh nhân, khuyến khích bệnh nhân hoạt động.
- Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh có dấu hiệu tái phát.
Chế độ dinh dưỡng:
Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe và tái tạo các mô trong cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
- Tránh ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, hay cứng và khó nuốt. Không nên ăn thực phẩm cay, nóng…
- Bệnh nhân nên ăn nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.
- Với người bệnh gặp triệu chứng khó nuốt, nên sử dụng các loại thức ăn dạng lỏng, nhuyễn.
- Nếu cơ thể không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn, người bệnh có thể sẽ phải uống bổ sung vitamin.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Dù không có cách nào chứng minh là có thể ngăn ngừa ung thư tuyến tụy, nhưng bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để giảm nguy cơ:
- Bỏ hút thuốc.
- Duy trì cân nặng hợp lý kết hợp tập thể dục điều độ. Có một chế độ ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc với khẩu phần nhỏ hơn để giúp giảm cân.
- Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ các loại trái cây nhiều màu sắc và các loại rau củ, ngũ cốc có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.
Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.