Mục lục
Viêm buồng trứng là gì?
Tìm hiểu chung
Viêm buồng trứng là bệnh gì?
Viêm buồng trứng là viêm nhiễm trên buồng trứng do vi khuẩn gây ra, thông thường sẽ phát sinh cùng một số bệnh khác như viêm ống dẫn trứng, viêm phúc mạc vùng chậu, rất hiếm khi bệnh đơn phát. Đây là bệnh phụ khoa thường gặp, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh sản của nữ giới.
Khi bệnh nhân mắc phải có thể gây ra tình trạng dính buồng trứng, tắc ống dẫn trứng, thậm chí gây vô sinh ở nữ giới nếu không được phát hiện kịp thời.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị viêm buồng trứng
- Viêm buồng trứng cấp tính:
- Thường đau dữ dội vùng bụng dưới, kèm theo sốt, ớn lạnh.
- Khi khám phụ khoa nắn vào phần phụ thấy sưng nề, đau rõ rệt, khí hư màu vàng
- Viêm buồng trứng mạn tính:
- Đau bụng ở những mức độ khác nhau, đau hai bên hố chậu, bụng dưới đau tức, lúc nặng lúc nhẹ, đặc biệt là khi mệt mỏi và trong kỳ kinh nguyệt. Kèm theo khí hư ra nhiều, kinh nguyệt không đều…
- Khi khám phụ khoa sẽ thấy đau, kiểm tra phần phụ đôi khi có thể sờ thấy những khối sưng nề, ấn vào người bệnh bị đau. Thường khi siêu âm sẽ không thấy dấu hiệu bất thường, trừ khi có hiện tượng tích nước trong ống dẫn trứng hoặc khi đã hình thành u nang trong ống dẫn trứng và buồng trứng.
Các biểu hiện thường rõ ràng hơn trong giai đoạn viêm buồng trứng cấp tính, còn trong giai đoạn mạn tính viêm buồng trứng thường không có biểu hiện rõ rệt, nhưng hậu quả mà bệnh gây ra rất nguy hiểm. Các chị em phụ nữ nên chú ý để được điều trị sớm tránh biến chứng hiếm muộn, vô sinh.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bất cứ khi nào bạn phát hiện những bất thường trong cơ thể như: vùng kín tiết nhiều khí hư bất thường, hay đau bụng dưới, chướng bụng, đau vùng xương hông, kinh nguyệt không đều và cũng có thể kèm theo biểu hiện nóng, sốt nhẹ… thì nên đến ngay phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm buồng trứng
Nguyên nhân mắc bệnh viêm buồng trứng được xác định do vi khuẩn lây nhiễm gây nên. Trong đó 6 nguyên nhân chính gây bệnh viêm buồng trứng bao gồm:
- Đặt vòng tránh thai không đảm bảo, hoặc sau khi tiểu phẫu bệnh nhân không chú ý vệ sinh cẩn thận dẫn đến mắc bệnh.
- Phụ nữ nạo hút thai, phá thai nhiều lần, điều trị bệnh cổ tử cung, tại cơ sở y tế không đạt chất lượng. Dụng cụ y tế không được khử trùng kỹ, hoặc sau khi hậu phẫu không uống thuốc tiêu viêm triệt để.
- Các bạn nữ không chú ý vệ sinh, đặc biệt lúc đến kỳ kinh nguyệt, hoặc quan hệ tình dục khi đang có kinh, hoặc quan hệ tình dục không lành mạnh. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập sâu vào trong gây viêm nhiễm buồng trứng.
- Không chú ý vệ sinh vùng kín cẩn thận khi mang thai hoặc sau khi phá thai sẽ dễ bị viêm ống dẫn trứng, viêm buồng trứng, kế đó sẽ lan viêm sang vùng chậu.
- Khi vùng chậu, hoặc vùng phụ cận ống dẫn trứng bị viêm, sẽ rất dễ lây viêm sang ống dẫn trứng, viêm buồng trứng, viêm vùng chậu.
- Bị lây bệnh tình dục, đầu tiên bệnh ở trên niêm mạc, sau đó sẽ lan đến ống dẫn trứng, buồng trứng và gây viêm ở vùng này.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm buồng trứng?
Viêm buồng trứng là căn bệnh mà có thể gặp ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào nhưng đối tượng thường mắc nhiều nhất là nữ giới trong độ tuổi sinh sản.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Các mô đường sinh dục ngoài và trong khoang tử cung bị tổn thương trong quá trình chẩn đoán và điều trị, phá thai hoặc sinh con.
- Tình trạng viêm các bộ phận sinh dục, bệnh lậu.
- Những thay đổi viêm nhiễm mạn tính trong tử cung.
- Thủng tử cung do vòng tránh thai.
- Căng thẳng và mệt mỏi.
- Giảm thân nhiệt hoặc khí hậu thay đổi rõ rệt.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm buồng trứng
Bệnh nhân sẽ được hỏi bệnh sử và tiến hành chẩn đoán dựa vào dấu hiệu lâm sàng: Sốt, đau vùng bụng dưới, ra khí hư, rối loạn kinh nguyệt…
Siêu âm có thể thấy hình ảnh ứ mủ, ứ dịch ở buồng trứng, vòi trứng.
Ngoài ra còn có một số xét nghiệm chỉ định thêm như: Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), thử nghiệm và siêu âm thai (BHCG). Chụp CT Scan, chụp cộng hưởng từ (MRI).
Phương pháp điều trị viêm buồng trứng hiệu quả
Bệnh nhân sẽ điều trị viêm buồng trứng bằng thuốc, tiểu phẫu hoặc phương pháp vật lý trị liệu.
Bệnh chủ yếu được điều trị bằng thuốc, nếu ở giai đoạn cấp tính có thể trị liệu bằng thuốc kháng sinh, còn trong trường hợp buồng trứng bị kết dính thì có khả năng phải tiểu phẫu để bảo vệ khả năng sinh sản.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm buồng trứng
Bệnh nhân cần phối hợp và tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó cần có chế độ ăn uống tốt nhằm thúc đẩy quá trình điều trị đạt hiệu quả.
- Nên có chế độ ăn uống hợp lý và đủ chất, đặc biệt bổ sung các nhóm thực phẩm chứa nhiều Omega-3, sắt, chất xơ…
- Bệnh nhân nên uống nhiều nước, tối thiểu là 2 lít mỗi ngày.
- Nên nghỉ ngơi tránh căng thẳng tăng cường luyện tập thể thao để tăng khả năng đề kháng cho cơ thể.
- Hạn chế ăn những loại thực phẩm giàu đạm.
- Kiêng rượu bia và các chất kích thích.
- Giữ tâm trạng thoải mái, nhất là trong quá trình điều trị bệnh.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Tránh quan hệ tình dục quá sớm, dễ dẫn đến các bệnh phụ khoa.
- Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.
- Chú ý vệ sinh cá nhân, vệ sinh kinh nguyệt hoặc khi quan hệ tình dục.
- Khám phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện bệnh, kịp thời điều trị, đây là phương pháp phòng tránh viêm buồng trứng tốt nhất.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.