Mục lục
Viêm cầu thận mạn là gì?
Tìm hiểu chung
Viêm cầu thận mạn là gì?
Quá trình tổn thương thực thể có thể xảy ra ở tất cả các cầu thận của hai quả thận, bao gồm tất cả các tình trạng tăng sinh, phù nề, xuất tiết, xơ hóa và hoại tử hyalin một phần hoặc toàn bộ cầu thận được gọi là bệnh viêm cầu thận mạn.
Bệnh viêm cầu thận mạn có bốn hình thái lâm sàng là:
- Hội chứng viêm cầu thận mạn.
- Hội chứng viêm cầu thận cấp.
- Hội chứng thận hư.
- Biến đổi không bình thường ở nước tiểu.
Bốn hình thái này luân phiên biến đổi trong quá trình bệnh tiến triển, hậu quả sau cùng là suy thận mạn tính.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm cầu thận mạn
Bệnh viêm cầu thận mạn có các dấu hiệu, triệu chứng phổ biến sau đây:
- Trong nước tiểu có máu;
- Hiện tượng tích nước trong cơ thể gây sưng chân, mắt cá chân hoặc một số bộ phận khác;
- Cao huyết áp, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, ói mửa;
- Nhức đầu, ăn không ngon, sụt cân;
- Thị lực giảm rõ rệt, người dễ bầm tím, chảy máu thường xuyên.
Ở một số bệnh nhân còn xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng khác nữa nhưng do không phổ biến nên không được đề cập.
Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm cầu thận mạn
Đối với hầu hết bệnh nhân mắc bệnh viêm cầu thận mạn đều có hệ thống miễn dịch suy yếu nhanh chóng, càng tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiết niệu,… Khi bệnh đã kéo dài nhiều năm thì khó tránh khỏi tình trạng suy thận nặng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm cầu thận mạn
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm cầu thận mạn, phổ biến nhất là:
- Bệnh đái tháo đường: Bệnh này gây ra nhiều tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể, trong đó có thận; từ thận sẽ phát sinh ra nhiều bệnh nặng nề khác liên quan. Suy thận giai đoạn cuối là một trong những nguyên nhân tử vong của đái tháo đường.
- Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.
- Bệnh xơ cứng bì toàn thể.
- Bệnh viêm đa cơ và da – cơ.
- Tình trạng viêm các mạch máu nhỏ dạng nút.
- Bệnh u hạt Wegener.
- Bệnh viêm màng trong tim bán cấp.
- Bệnh do nhiễm các loại virus viêm gan.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc viêm cầu thận mạn?
Bệnh viêm cầu thận mạn có thể xảy đến với bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm cầu thận mạn, bao gồm:
- Yếu tố di truyền.
- Viêm cầu thận cấp tính.
- Mắc bệnh rối loạn tự miễn dịch.
- Bệnh tiểu đường.
- Hút thuốc lá.
- Nhiễm trùng trong thời gian dài hoặc mắc các bệnh liên quan đến virus, vi khuẩn gây bệnh.
- Hội chứng Alport.
- Tiền sử các bệnh ung thư.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm cầu thận mạn
- Đầu tiên các bác sĩ sẽ điều tra bệnh sử và khám tổng quát.
- Tiếp đến, các bệnh nhân sẽ được tiến hành xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang, MRI, hoặc sinh thiết thận để tìm các vấn đề, tình trạng xác thực của bệnh.
- Dựa trên các kết quả có được các bác sĩ đưa ra những chẩn đoán chuẩn xác nhất, các giải pháp phù hợp nhất với tình trạng bệnh của từng bệnh nhân.
Phương pháp điều trị viêm cầu thận mạn hiệu quả
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh viêm cầu thận mạn. Các phương pháp được dùng để điều trị bệnh này, đó là:
- Thuốc lợi tiểu để giảm bớt các tình trạng phù, sưng chân, mắt cá chân, mắt.
- Dùng thuốc điều trị cao huyết áp.
- Phối hợp nhiều biện pháp để điều trị tiểu đường.
- Nếu những tổn thương thận đã nặng thì bệnh nhân được tiến hành lọc thận tiết niệu hoặc thậm chí ghép thận.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm cầu thận mạn
- Bỏ hút thuốc lá.
- Chế độ ăn lành mạnh với ít đường, muối, chất đạm.
- Kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu.
- Tăng cường vận động cơ thể, nâng cao sức khỏe.
- Có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào xảy ra phải liên hệ ngay với bác sĩ để có giải pháp cứu chữa kịp thời.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.