Mục lục
Viêm họng, viêm miệng, viêm tim do virus Coxsackie là gì?
Tìm hiểu chung
Viêm họng, viêm miệng, viêm tim do virus Coxsackie là gì?
Viêm họng, viêm miệng, viêm tim do virus Coxsackie là tập hợp các bệnh do loại virus này gây ra. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng và phân của người bị nhiễm, những giọt khí dung. Hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng về việc lây bởi côn trùng, nước, thực phẩm
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm họng, viêm miệng, viêm tim do virus Coxsackie
Về lâm sàng, bệnh có các triệu chứng sau:
Viêm họng, viêm miệng do virus Coxsackie
- Sốt;
- Đau họng;
- Các nốt mụn sẩn 1 – 2 mm trên nền hồng ban ở yết hầu, vòm miệng mềm, lưỡi gà, amidan.
Viêm tim do virus Coxsackie
- Sốt;
- Ngủ lịm;
- Suy tim (tím tái, khó thở, mạch nhanh, tim to). Suy tim có thể hồi phục sau vài tuần hoặc tiến triển đến tử vong. Có thể tái phát nhiều lần khiến tim bị tổn thương.
- Ở thanh niên, thường có biểu hiện viêm màng tim với triệu chứng đau ngực cấp tính, rối loạn nhịp tim, khó thở.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do virus Coxsackie
Nhiễm virus Coxsackie còn gây nên một số biến chứng khác như:
- Viêm màng ngoài tim;
- Viêm cơ tim;
- Viêm gan;
- Viêm kết mạc xuất huyết cấp tính;
- Virus cũng có thể gây viêm não dù rất hiếm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm họng, viêm miệng, viêm tim do virus Coxsackie
Virus Coxsackie có 2 nhóm chính là nhóm A (chuyên gây viêm họng, viêm miệng) và nhóm B (gây viêm tim). Bệnh có 2 cách lây:
Lây nhiễm trực tiếp
Cũng như các virus gây bệnh đường ruột khác, virus Coxsackie lây truyền qua đường phân – miệng. Ngoài ra còn lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, họng của người bệnh khi họ ho, nói chuyện, hắt hơi.
Lây nhiễm gián tiếp
Virus lây qua việc tiếp xúc với các vật dụng nhiễm virus từ phân, chất tiết mũi họng của người bệnh hoặc bàn tay của người chăm sóc bệnh và người bệnh (đồ chơi, khăn, quần áo, bề mặt sàn nhà, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa…).
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị viêm họng, viêm miệng, viêm tim do virus Coxsackie?
Bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do virus Coxsackie đều có thể gặp ở tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên là đối tượng dễ mắc nhất. Đối với trường hợp viêm tim, tỉ lệ nam giới mắc bệnh chiếm 2/3 trên tổng số ca.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm họng, viêm miệng, viêm tim do virus Coxsackie
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thông qua khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng của người bệnh và dựa vào việc tìm thấy virus trong mẫu bệnh phẩm được lấy từ nước súc họng (trong vài ngày đầu), mẫu phân (trong vài tuần đầu) khi làm xét nghiệm. Trong viêm tim, virus Coxsackie nhóm B có thể tìm thấy trong dịch màng tim và mô cơ tim.
Bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do virus Coxsackie còn phải được chẩn đoán phân biệt với bệnh tay chân miệng, viêm họng do virus Coxsackie không có viêm nướu.
Phương pháp điều trị viêm họng, viêm miệng, viêm tim do virus Coxsackie hiệu quả
Hầu hết tình trạng bệnh do virus Coxsackie gây ra đều lành tính và có thể tự khỏi. Người bệnh khi bị viêm họng, viêm miệng do virus Coxsackie thường được áp dụng điều trị triệu chứng theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bị viêm tim sẽ được chăm sóc tích cực để hỗ trợ chữa trị.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm virus Coxsakie, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc như: ôm, hôn, sử dụng chung các vật dụng sinh hoạt và thực hiện vệ sinh cá nhân ngay sau khi tiếp xúc với người bệnh.
- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi của trẻ với dung dịch sát khuẩn.
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn thực phẩm tươi sạch và rửa sạch trước khi chế biến. Ăn thức ăn nấu chín, uống nước đã đun sôi.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.