Mục lục
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Tìm hiểu chung
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm đặc hiệu xảy ra ở các khớp gây tổn thương màng hoạt dịch, sụn khớp và đầu xương dưới sụn, diễn biến mạn tính dẫn đến tình trạng dính và biến dạng khớp. Đây là một trong các bệnh khớp viêm mạn tính thường gặp nhất ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn khá điển hình ở người, dưới dạng viêm mãn tính ở nhiều khớp ngoại biên với biểu hiện khá đặc trưng: sưng, đau khớp, cứng khớp buổi sáng và đối xứng hai bên. Ngoài ra, còn có các biểu hiện toàn thân (mệt mỏi, xanh xao, sốt gầy sút…) và tổn thương các cơ quan khác trên cơ thể.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp dạng thấp
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp nhỏ riêng lẻ hoặc có thể xuất hiện đồng thời tại khớp ngón tay, cổ tay, bàn tay, mắt cá chân và bàn chân. Khi viêm khớp dạng thấp tiến triển, bệnh nhân có thể đau ở các khớp vai, khuỷu tay, đầu gối, hông, xương hàm và cổ. Với các triệu chứng điển hình như:
- Cứng khớp vào buổi sáng kéo dài ít nhất 30 phút;
- Đau, sưng đỏ khớp nhất là khi chạm vào.
Các dấu hiệu của một cơn viêm khớp dạng thấp có thể biểu hiện khác nhau từ mức độ thoáng qua tới mức độ nghiêm trọng. Thời kỳ bùng phát của bệnh tăng lên thường có dấu hiệu sưng, đau, làm người bệnh khó ngủ, sức khỏe yếu dần đi. Hoặc các dấu hiệu cũng có thể dần biến mất đi khi cơn viêm đi qua.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi các tế bào bạch cầu có chức năng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và virus di chuyển từ máu vào trong màng bao quanh khớp. Các tế bào bạch cầu này xuất hiện và gây ra phản ứng viêm tại khớp do việc tạo ra các chất gây viêm như TNF-alpha, protein. Nhiều giả thiết cho rằng virus có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp, tuy nhiên giả thiết này chưa được chứng minh một cách chắc chắn.
Một trong những nguyên nhân gây bệnh mà chúng ta không thể không kể đến đó là yếu tố di truyền. Viêm khớp dạng thấp là bệnh có tính chất gia đình, nếu trong gia đình, bố hoặc mẹ hoặc cả hai bố mẹ mắc viêm khớp dạng thấp khả năng cao người con cũng sẽ mắc bệnh.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp?
Nữ giới thường có tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn ở nam giới 2 – 3 lần. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi 40 – 60. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể xảy ra ở nhóm tuổi trẻ, thiếu niên hoặc tuổi già. Những người có người thân trong gia đình bị viêm khớp dạng thấp thì nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn. Hút thuốc lá cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp.
Ngoài các yếu tố vừa nêu. Những nguyên nhân khác góp phần hình thành bệnh đó là sau khi bị chấn thương, cơ thể suy yếu do bệnh tật, sinh sống trong môi trường ẩm thấp, lạnh lẽo kéo dài, sau thời gian sinh đẻ không kiêng khem cẩn thận…
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Bác sĩ chẩn đoán viêm khớp dạng thấp bằng cách:
- Khám lâm sàng và xem xét các triệu chứng, kiểm tra bệnh sử.
- Chụp X-quang: Giai đoạn đầu thấy mất vôi ở đầu xương. Sau đó là khuyết xương hay phần xương tiếp giáp với sụn khớp bị ăn mòn và hẹp khe khớp. Sau cùng là huỷ phần sụn khớp và đầu xương gây dính và biến dạng khớp.
- Kiểm tra dịch khớp: Giảm độ nhầy, tăng bạch cầu, tế bào hình nho chiếm 10% số tế bào dịch khớp. Tế bào hình nho là những bạch cầu đa nhân trung tính đã nuốt những phức hợp miễn dịch.
- Sinh thiết màng hoạt dịch hay hạt dưới da.
Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả
Theo Tây y bệnh chưa có phương pháp chữa bệnh tận gốc. Bệnh được điều trị dựa trên nguyên tắc kết hợp nhóm thuốc như giảm đau và thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm. Khi có những đợt cấp, tiến triển nặng hơn sẽ dùng đến corticoid. Tuy nhiên tác dụng phụ của các thuốc trong nhóm glucocorticoid này rất nhiều. Thuốc có thể gây loét dạ dày, tá tràng, gây phù, tăng huyết áp do giữ natri, nước. Việc dừng thuốc đột ngột cũng có thể gây suy tuyến thượng thận cấp.
Người ta thường cân nhắc giữa cái lợi và hại thu được khi dùng các thuốc thuộc nhóm glucocorticoid này. Một nguyên tắc khi dùng thuốc là dùng liều tối thiểu có tác dụng. Không dùng nhóm thuốc này kéo dài và không giảm liều đột ngột. Khi dùng thuốc cũng cần có sự chỉ định của thầy thuốc, bác sĩ chuyên khoa.
Nếu như việc dùng thuốc không đem lại hiệu quả như mong muốn và làm biến dạng khớp nhiều thì việc chỉ định phẫu thuật nhằm sửa chữa khớp hay làm giảm đau sẽ được xét tới. Lưu ý việc chỉ định điều trị phẫu thuật viêm khớp dạng thấp nên được xem xét bởi các bác sĩ chuyên khoa về chỉnh hình khớp.
Theo Đông y chữa bệnh viêm khớp dạng thấp thông qua việc lưu thông khí huyết ở cân, cơ xương. Đông y đưa tà khí (phong, hàn, thấp, nhiệt) ra ngoài, bồi bổ khí huyết can, thận để chống tái phát (ngay vệ khí cũng do thận sinh ra). Và để chống lại các hiện tượng thoái hóa khớp, biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp nhằm phục hồi chức năng bình thường của các khớp xương.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp dạng thấp
- Đảm bảo môi trường sống khô ráo, thoáng đãng, sạch sẽ vì môi trường sống ẩm thấp, thời tiết lạnh là nguyên nhân ảnh hưởng đến các khớp, lâu dần sẽ dẫn tới bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm chứa nhiều canxi, uống nhiều nước để hỗ trợ cho hệ khớp trong cơ thể không bị sớm suy thoái.
- Giữ trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý sẽ giúp bạn giảm đi trọng lượng chèn ép lên các khớp xương từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.
- Căng duỗi cũng là một trong những cách phòng bệnh viêm khớp dạng thấp. Vì khi các cơ, khớp được căng duỗi sẽ sẽ giúp cho cơ bắp được tăng cường đồng thời củng cố lực cơ các khớp.
- Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu, luôn giữ tư thế thẳng, thường xuyên xoa bóp ở bàn tay, ngón tay và các khớp. Bên cạnh đó, để phòng tránh bệnh viêm khớp dạng thấp tái phát, người bệnh cần nằm trên giường phẳng, chắc, ngủ đủ giấc.
- Những người làm việc văn phòng, thợ may, người thường xuyên làm các công việc lao động nặng nên chú ý không làm việc quá sức, dành thời gian nghỉ ngơi, vận động sau 1 – 2 giờ làm việc để giúp hệ xương khớp được thư giãn và tránh tình trạng co cứng cơ, làm giảm thiểu khả năng mắc bệnh viêm khớp.
- Giữ tâm lý ổn định, hạn chế căng thẳng, stress để không ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển hormone, từ đó phòng bệnh viêm khớp dạng thấp hiệu quả.
- Những đối tượng như người già, những người có tiền sử về bệnh xương khớp, những phụ nữ từ độ tuổi 30 – 50 nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa nhằm chủ động phát hiện bệnh sớm, ngay từ giai đoạn đầu và điều trị bệnh hiệu quả.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn