Mục lục
Viêm màng ngoài tim là gì?
Tìm hiểu chung
Viêm màng ngoài tim là gì?
Viêm màng ngoài tim là tình trạng màng ngoài tim bị viêm và sưng, chứng viêm này có thể khiến màng ngoài tim hóa sẹo, mỏng đi và tim có thể bị siết lại. Nó có thể gây ra những triệu chứng khác như giảm dòng máu đi ra từ tim. Điều này xảy ra khi có quá nhiều dịch đọng lại trong màng gây ra áp lực quá mức lên trái tim làm cho tim không bơm đầy máu như bình thường. Trong trường hợp nặng, huyết áp có thể giảm ở mức nguy hiểm và có thể gây ra tử vong.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng ngoài tim
Dấu hiệu điển hình của bệnh là đau ngực, vị trí đau đằng sau xương ức và có thể lan đến vai và cổ. Các dấu hiệu khác bao gồm:
- Cảm thấy lơ mơ, bị đau nhức hoặc cảm giác bị đè ép;
- Sốt nếu vết nhiễm trùng gây ra viêm ngoại tâm mạc;
- Tim đập nhanh;
- Khó thở;
- Phù cẳng chân, ngón chân, bụng;
- Tĩnh mạch cổ có thể sưng to hoặc nhô lên.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các triệu chứng do viêm màng ngoài tim có thể gây ra, bao gồm:
- Viêm màng ngoài tim co thắt.
- Chèn ép tim.
Việc điều trị sớm bệnh viêm màng ngoài tim giảm nguy cơ biến chứng lâu dài, vì vậy, bạn hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có những triệu chứng đau ngực vì đây cũng có thể là triệu chứng của nhồi máu cơ tim hoặc ung thư máu.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm màng ngoài tim
Nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim là do virus, nấm, vi khuẩn và một số loại nhiễm trùng khác gây ra. Hầu hết, các trường hợp viêm màng ngoài tim đều cho thấy sự xuất hiện của rối loạn miễn dịch, tức hệ thống miễn dịch thay vì tấn công vào tác nhân gây hại thì lại tấn công ngược lại các tế bào khỏe mạnh gây nên tình trạng viêm.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ viêm màng ngoài tim?
Bệnh xuất hiện phổ biến ở những người độ tuổi từ 20 tuổi – 50 tuổi và nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
Yếu tố làm tăng nguy cơ viêm màng ngoài tim, bao gồm:
- Từng bị đau tim hoặc từng phải giải phẫu tim.
- Mắc một số bệnh như: suy thận, HIV/AIDS, ung thư, lao và một số bệnh khác.
- Chấn thương do tai nạn hoặc xạ trị.
- Mắc các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, thấp tim, viêm khớp dạng thấp.
- Rối loạn chuyển hóa như tăng urê trong máu.
- Một số loại thuốc như phenytoin (một loại thuốc chống động kinh), warfarin và heparin (thuốc làm loãng máu) và procainamide (một loại thuốc để điều trị rối loạn nhịp tim).
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm màng ngoài tim
Bác sĩ chẩn đoán dựa vào việc xem xét các triệu chứng của bệnh nhân, hỏi bệnh sử, khám lâm sàng và thông quá các xét nghiệm bao gồm:
- Điện tâm đồ (ECG): Ghi nhận lại các hoạt động của tim.
- Chụp X-quang ngực: Nếu có chất dịch nằm trong tim, tim sẽ to hơn bình thường và dễ dàng nhận thấy khi chụp X – quang.
- Siêu âm tim: Giúp phát hiện dịch ở ngoài tim.
- Chụp CT: Loại trừ nguy cơ xuất hiện của các bệnh lý khác.
- Chụp MRI: Phát hiện thay đổi ở màng tim.
- Kiểm tra máu để tìm dấu hiệu của viêm và nhiễm trùng.
Phương pháp điều trị viêm màng ngoài tim hiệu quả
Dựa vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có các phương án điều trị khác nhau, bao gồm:
- Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể chỉ cần nghỉ ngơi và điều trị đơn giản là khỏi bệnh.
- Ở mức độ nặng hơn, người bệnh có thể được kê thuốc mạnh hơn như colchicine và prednisone (một loại thuốc có chứa steroid). Nếu bị nhiễm trùng do vi trùng gây viêm màng ngoài tim, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh hoặc một số loại thuốc khác để điều trị nhiễm trùng.
- Trong trường hợp bệnh chuyển biến nặng hơn, bác sĩ sẽ điều trị các biến chứng của bệnh như chèn ép tim và viêm màng ngoài tim thắt mạn tính.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm màng ngoài tim
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý uống thuốc mà không được chỉ định hoặc bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh hoạt động mạnh. Hoạt động gắng sức có thể gây ra các triệu chứng viêm màng ngoài tim.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.